Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 3/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 248.203.675 ca, trong đó có 5.027.242 người tử vong. Cuộc sống bình thường mới đang đến với người dân nhiều nước trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có chiều hướng lắng dịu. Từ đầu tháng 11, hàng loạt quốc gia đã mở cửa trở lại.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á đều chứng kiến số ca tử vong và mắc mới có xu thế giảm. Song dịch bệnh đang nóng trở lại ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này.
Còn vài nước tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng mới. Trong số này, Mỹ, Anh, Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Nga là nước có số ca mắc và tử vong mới cao nhất thế giới, thậm chí ca tử vong tăng vọt.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 224 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 18 triệu ca và trên 73.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 2/11, thế giới có 124 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 91 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước.
Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 79.498.823 ca, tiếp đến là châu Âu với 64.828.439 ca và Bắc Mỹ ghi nhận 56.364.670 ca. Tình hình dịch bệnh tại khu vực Đông Âu diễn biến phức tạp với số ca tử vong tăng mạnh trong khi tỷ lệ tiêm chủng chưa cao.
Ngày 2/11, Nga thông báo đã ghi nhận thêm 1.178 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, mức theo ngày cao kỷ lục tại nước này trong bối cảnh số ca mắc mới gia tăng buộc giới chức tái áp đặt các biện pháp phong tỏa một phần. Nga cũng ghi nhận 39.008 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca mắc lên 8.593.200 ca.
Cùng ngày, giới chức y tế Romania cho biết ghi nhận 591 ca tử vong do COVID-19 và đây là mức cao đáng lo ngại ở nước này, nâng tổng số ca tử vong lên 48.664 ca trong khi tại các bệnh viện không còn giường chăm sóc đặc biệt. Hiện mới có khoảng 37% dân số trưởng thành ở Romania đã tiêm vaccine đầy đủ. Nước này hiện là nước có độ bao phủ vaccine thấp thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU).
Tương tự, Bộ Y tế Bulgaria tiếp tục ghi nhận số ca bệnh không qua khỏi do COVID-19 ở mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát với 310 ca trong vòng 24 giờ qua, cao hơn so với mức 243 ca của ngày trước đó. Bulgaria cũng ghi nhận thêm 6.007 ca mắc mới, đưa tổng số ca mắc tại nước này lên 608.499 ca, trong đó có 24.309 ca tử vong. Theo Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu, mới 25,5% dân số trưởng thành tại Bulgaria đã tiêm đủ liều, mức thấp nhất trong EU.
Chính phủ Italy đang xem xét việc gia hạn các quy định thẻ xanh và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 khác nhằm ngăn chặn số ca nhiễm gia tăng và một làn sóng lây nhiễm mới. Với sự gia tăng đáng kể số ca nhiễm mới COVID-19 hàng tuần, tăng gấp đôi trong vòng 3 tuần qua, Bộ Y tế Italy có thể gia hạn sử dụng hệ thống thẻ xanh COVID-19 cho đến tháng 3/2022.
Để gia hạn các quy định trên, Chính phủ Italy sẽ cần phải kéo dài tình trạng khẩn cấp, cho phép chính phủ ra sắc lệnh để áp dụng một cách nhanh chóng các biện pháp ngăn chặn COVID-19. Tình trạng khẩn cấp tại Italy được ban bố vào tháng 1/2020 và đã nhiều lần được gia hạn kể từ đó. Thời hạn tình trạng khẩn cấp sẽ hết hạn vào ngày 31/12 tới, đồng nghĩa với việc tất cả các quy định - bao gồm cả những quy định thẻ xanh - cũng sẽ hết hạn vào ngày đó.
Trong báo cáo giám sát COVID-19 hàng tuần mới nhất, Bộ Y tế Italy cho biết tỷ lệ số ca mắc mới hàng tuần ở nước này đã tăng nhanh và trên diện rộng so với tuần trước đó, ngay dưới ngưỡng 50 ca/100.000 dân. Báo cáo nêu rõ rằng khả năng lây nhiễm của các ca có triệu chứng đang tăng lên và xung quanh ngưỡng dịch. Đối với các ca phải nhập viện, khả năng lây nhiễm được cho là ngày càng tăng và cao hơn ngưỡng dịch.
Tại Đức, Ủy ban vaccine thuộc Viện Robert Koch của Đức (STIKO) đang xem xét đưa ra khuyến nghị cho tất cả mọi người dân ở Đức được tiêm nhắc lại mũi vaccine ngừa COVID-19, bất kể tuổi tác hoặc các yếu tố nguy cơ khác.
Phát biểu với tập đoàn truyền thông Funke ngày 2/11, Chủ tịch của STIKO Thomas Mertens cho biết: “Ủy ban đang xem xét một cách kỹ lưỡng xem có khuyến nghị tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả các nhóm đối tượng dân cư hay không”. Cho đến nay, STIKO chỉ khuyến cáo tiêm vaccine tăng cường cho những người trên 70 tuổi, mắc bệnh nền và những người đã được tiêm vaccine Johnson & Johnson.
Trước đó, Bộ Y tế Đức khuyến cáo có thể tiêm vaccine cho bất kỳ ai có nguyện vọng. Quyền Bộ trưởng Y tế Liên bang, Jens Spahn (CDU), cũng chỉ rõ rằng theo sắc lệnh tiêm chủng, bất kỳ ai muốn tiêm nhắc lại hiện có quyền được tiêm. Ngoài ra, người đứng đầu ngành y tế kêu gọi các bang mở lại các trung tâm tiêm chủng để cho phép những người cao tuổi và dễ bị tổn thương được tiêm phòng nhanh nhất có thể.
Trong khi đó, từ ngày 8/11 tới, Sydney, thủ phủ của bang New South Wales và là thành phố lớn nhất của Australia, sẽ nới lỏng thêm các biện pháp hạn chế đối với những cư dân đã tiêm chủng ngừa COVID-19, sớm hơn vài tuần so với kế hoạch.
Cụ thể, những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Sydney sẽ được phép tụ tập khách không giới hạn số lượng tại nhà; các quán rượu, câu lạc bộ được nhận thêm khách hàng; các sàn nhảy được mở trở lại. Những thay đổi này theo kế hoạch ban đầu có hiệu lực vào ngày 1/12.
Trong khi đó, những người chưa tiêm phòng sẽ tiếp tục phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch chặt chẽ như cấm tới nhà hàng, các cửa hàng bán lẻ đồ không thiết yếu, quán bar, phòng tập thể dục và các cơ sở giải trí khác, cho đến ngày 15/12 hoặc cho đến khi tỉ lệ hoàn thành tiêm chủng ở bang New South Wales lên tới 95%. Hiện khoảng 88% dân số từ 16 tuổi trở lên ở bang này đã hoàn thành tiêm chủng. Tuy nhiên, tốc độ tiêm mũi vaccine đầu tiên chậm khi chỉ đạt tỷ lệ gần 94%.
Liên quan đến vấn đề vaccine, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong tuần này.
Theo điều phối viên ứng phó đại dịch COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zients, hàng triệu liều vaccine dành cho trẻ em ở nhóm tuổi trên sẽ được chuyển đến các trung tâm phân phối vaccine trong vài ngày tới. Ông Zients cho biết chính phủ liên bang đã mua đủ vaccine để tiêm chủng cho toàn bộ 28 triệu trẻ em đủ điều kiện, đồng thời kêu gọi các bậc phụ huynh đưa con em đi tiêm chủng.
Tuy nhiên, ông Zients cho rằng chương trình tiêm chủng cho trẻ em ở nhóm tuổi này sẽ chỉ hoạt động hết công suất từ ngày 8/11.
Cùng ngày, Bahrain cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Quốc gia vùng Vịnh đưa ra quyết định trên sau khi kết quả thử nghiệm vaccine này đối với 3.100 trẻ em ở nhóm tuổi từ 5-11 cho thấy hiệu quả lên đến 90,7%. Không có trường hợp nào gặp tác dụng phụ nghiêm trọng. Theo kế hoạch, Bahrain sẽ nhận được vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em của hãng Pfizer/BioNTech từ đầu năm 2022.
Tại Hàn Quốc, thúc đẩy Kế hoạch 3 giai đoạn để trở lại cuộc sống thường nhật sống chung với COVID-19, Hàn Quốc đang đẩy nhanh tốc độ phủ tiêm chủng với các độ tuổi. Số liệu thống kê của Cơ quan phòng chống dịch bệnh quốc gia Hàn Quốc cho biết tính đến hết ngày 1/11, tỷ lệ hoàn thành tiêm chủng tính trên tổng dân số đạt 75,6% tương đương với 51.349.116 người, trong đó tỷ lệ người trên 18 tuổi là 87,9%.
Tỷ lệ hoàn thành tiêm chủng theo độ tuổi như sau: những người ở độ tuổi 60 chiếm cao nhất 93,6%, tiếp theo là những người ở độ tuổi 50 đạt 92,9%, người 70 tuổi đạt 92,3% và ở độ tuổi 80 đạt 81,7%.
Thống kê cho biết ngày 1/11, Hàn Quốc bắt đâu tiêm phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 -15 tuổi và trong ngày đầu tiên đã có 16.386 trẻ được tiêm. Nếu tính chung số người được phủ tiêm chủng mũi một toàn quốc là 41.224.561 người, tương đương với 80,3% dân số và tương đương với 92,3% dân số trên 18 tuổi.
Ở Trung Quốc, giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ không sớm xóa bỏ chính sách "Zero COVID-19" (quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng) từng giúp nước này ngăn chặn hiệu quả các đợt dịch bùng phát trong cộng đồng.
Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, Trung Quốc đã liên tục tăng cường các biện pháp ứng phó như xét nghiệm diện rộng, phong tỏa vùng dịch và hạn chế đi lại, mặc dù các biện pháp này có thể ảnh hưởng đến kinh tế của các địa phương.
Theo ông Chung Nam Sơn - chuyên gia về các bệnh hô hấp từng tham gia đóng góp cho chiến lược ứng phó với COVID-19 của Trung Quốc đầu năm 2020, chính sách "Zero COVID-19" có thể sẽ được áp dụng lâu dài ở Trung Quốc, tùy thuộc diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới. Ông nhận định chính sách này mặc dù tốn kém nhưng hậu quả sẽ còn nhiều hơn nếu để dịch lây lan.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 2/11, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 20.133 ca bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước. Trong khi đó, tổng số ca tử vong tới nay tăng lên trên 287.400 người.
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á sau vài tuần hạ nhiệt hiện đang có xu thế đi ngang trong mấy ngày qua. Số ca tử vong nhìn chung đang giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối, chỉ còn Philippines có trên 100 ca tử vong/ngày. Dịch bệnh có xu thế xuất hiện đều tại các nước, thay vì tập trung tại một vài điểm nóng như mấy tháng trước đây.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 9 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Malaysia, Lào, Brunei và Việt Nam.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt. Trong 1 ngày qua, “quốc gia vạn đảo” ghi nhận 612 ca bệnh mới và chỉ có 34 ca tử vong.
Diễn biến dịch đã bớt nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây, dù số ca tử vong vẫn cao. Ngày 2/11, Philippines ghi nhận số ca tử vong là 128 trường hợp. Malaysia một ngày qua số ca mắc mới cũng tăng nhẹ, với trên 5.000 trường hợp, trong khi có 70 ca tử vong. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ ghi nhận 1.074 ca bệnh và 14 ca tử vong. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày qua có xu thế đi ngang.
Trong khi đó, Thái Lan hiện là điểm dịch nóng nhất Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 2/11 ghi nhận thêm trên 7.000 ca bệnh mới, cao nhất khu vực. Trong khi số ca tử vong là 78 người.
Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 89 bệnh nhân mới và 6 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang tính nới lỏng giãn cách xã hội. Trong bối cảnh dịch giảm, nhà chức trách Campuchia đã mở cửa lại đất nước.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 287.405 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 289 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên trên 13 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 12 triệu trường hợp.
Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, tất cả các nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.