Theo đài RT, nền kinh tế toàn cầu đang chịu tác động tiêu cực khi giá các mặt hàng quan trọng như dầu mỏ, khí đốt và ngũ cốc tăng vọt. Các nhà kinh tế cho biết các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga đang bắt đầu gây thiệt hại kinh tế lớn cho Mỹ và các nền kinh tế châu Âu, cũng như các quốc gia khác trên toàn cầu.
1. Giá năng lượng tăng cao làm tổn hại người tiêu dùng và hộ gia đình toàn cầu
Tác động lớn nhất và tức thời nhất của các lệnh trừng phạt đang diễn ra trong lĩnh vực dầu khí và khí đốt tự nhiên vì Nga là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu.
Giá năng lượng đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 50 năm qua, gây áp lực lên các doanh nghiệp và tài chính của các hộ gia đình. Giá dầu tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, vượt 130 USD/thùng trong tuần này.
Giá bán buôn khí đốt tự nhiên đã ở mức kỷ lục khi mức giá ở châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử vượt 3.900 USD/1.000 mét khối.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Ô tô Mỹ, giá xăng đang ở mức đắt nhất trong lịch sử Mỹ khi giá một gallon xăng thông thường lên tới 4,17 USD (khoảng 95.000 đồng) vào ngày 8/3 (1 gallon = 3,784 lít). Giá xăng tại châu Âu thậm chí còn cao hơn, tăng gần gấp đôi lên 2 euro/1 lít (50.000 đồng/lít) kể từ khi áp dụng các lệnh trừng phạt Nga. Các nhà phân tích cảnh báo giá năng lượng có thể sớm tăng lên mức không thể chịu được bất chấp một số quốc gia đã giải phóng kho dự trữ chiến lược.
2. Khủng hoảng năng lượng toàn diện có thể dẫn đến suy thoái toàn cầu
Cô lập ngành năng lượng của Nga có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với châu Âu mà còn đối với Mỹ và phần còn lại của thế giới. Tuần này, Mỹ đã công bố lệnh cấm đối dầu mỏ Nga, khiến giá dầu thô lên mức cao gần kỷ lục. Châu Âu cũng cho biết họ có kế hoạch cắt giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Nga trong năm nay trong khi đang chuẩn bị cắt đứt hoàn toàn với nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho châu Âu này. Nga cho biết họ có thể cắt giảm xuất khẩu dầu và khí đốt nếu chiến tranh kinh tế tiếp tục leo thang. Các chuyên gia cảnh báo động thái như vậy có thể gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng toàn diện ngay lập tức.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, hậu quả kinh tế khi tăng giá năng lượng đã rất nghiêm trọng. Các nhà phân tích cho rằng Mỹ và châu Âu không có cách nào có thể thay thế hoàn toàn nguồn cung cấp dầu khí của Nga trong vòng 12 tháng tới hoặc không thể chịu hậu quả khi giá tăng thêm mà không rơi vào suy thoái. Các nền kinh tế châu Âu, vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga, đặc biệt có nguy cơ rơi vào suy thoái.
3. Mối đe doạ lạm phát
Trong hai năm qua, các chính phủ trên thế giới đã in một lượng lớn tiền để đối phó với tác động của suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19. Kết quả là lạm phát, đặc biệt là ở các nước phương Tây như Mỹ, đã tăng lên mức gần kỷ lục.
Giá năng lượng cao lại xảy ra đúng vào thời điểm khi nền kinh tế toàn cầu cần đang trong quá trình phục. Gián đoạn thị trường năng lượng toàn cầu, tăng giá dầu và khí đốt đồng nghĩa với việc giá tất cả mặt hàng tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng cao.
4. Giá thực phẩm toàn cầu tăng cao
Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga có thể ảnh hưởng đến Ukraine và Nga trong xuất khẩu thực phẩm và hàng hóa quan trọng liên quan nông nghiệp, trong khi lĩnh vực này vốn đã giảm sút. Hai nước này chiếm 30% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu.
Các chuyên gia cảnh báo rằng nguồn cung phân bón nông nghiệp cũng có thể giảm trên khắp thế giới do các lệnh trừng phạt đối với Nga và Belarus - hai nước cùng kiểm soát hơn một phần ba sản lượng kali của thế giới, một thành phần chính trong phân bón. Các chuyên gia nói rằng tác động cuối cùng sẽ là chi phí thực phẩm trên toàn thế giới cao hơn.
5. Ngành hàng không toàn cầu chịu tác động của lệnh trừng phạt Nga
Lệnh cấm bay do hơn 30 quốc gia áp đặt đối với các hãng hàng không Nga và phản ứng đáp trả của Nga đang có tác động lan tỏa đến du lịch toàn cầu và ngành hàng không, vốn đã bị đại dịch COVID-19 tàn phá.
Các nhà sản xuất, công ty cho thuê máy bay, nhà bảo hiểm và nhà cung cấp bảo trì cho các hãng hàng không Nga như Aeroflot và S7 Airlines nằm trong số những nhà sản xuất bên ngoài nước Nga bị ảnh hưởng trực tiếp do các lệnh trừng phạt.
Các hãng hàng không đang chóng mặt với giá dầu cao hơn và các tuyến đường dài hơn cần thiết để tránh không phận Nga.
Những yếu tố này sẽ đẩy giá vé và giá cước hàng không lên cao hơn nữa. Hơn nữa, Liên minh châu Âu đã cho các công ty đến ngày 28/3 để kết thúc các hợp đồng cho thuê máy bay hiện tại ở Nga. Đó có thể là một nhiệm vụ đầy thách thức đối với các công ty châu Âu đã cho các hãng hàng không Nga thuê hàng trăm máy bay và giờ phải tìm cách đưa số máy bay ra ngoài.
Các nhà phân tích cho biết số lượng máy bay khổng lồ cần được đặt ở nơi khác có thể làm giảm giá thuê trên toàn cầu. Ngoài ra, các nhà sản xuất máy bay lớn của phương Tây như Airbus và Boeing sẽ bị ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt Nga. Họ không chỉ mất đi thị trường khổng lồ mà còn không có đủ titan để sản xuất máy bay khi Nga là nước cung cấp thành phần quan trọng này.
6. Giá các mặt hàng khác bùng nổ
Nga là nước xuất khẩu lớn các mặt hàng quan trọng khác đối với nền kinh tế toàn cầu. Giá các mặt hàng này cũng tăng vọt, chạm mức cao nhất trong nhiều năm và làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Giá kim loại tăng chóng mặt đã ảnh hưởng nặng nề đến các nhà sản xuất ô tô, do nguồn cung của Nga đang gặp rủi ro.
Nhôm và palađi đều đạt mức cao kỷ lục vào ngày 7/3 trong khi ngày 8/3, giá niken lần đầu tiên vượt qua mức 100.000 USD/tấn.
Giá than tăng lên mức chưa từng có, vượt 400 USD/tấn trong tuần này do một số nước châu Âu tìm cách cấm nguồn cung của Nga.
Giá đất hiếm, vốn đã tăng cao kể từ nửa cuối năm 2021 trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung không chắc chắn và nhu cầu mạnh, cũng đang tăng.
7. Trừng phạt Nga gây tổn hại các doanh nghiệp châu Âu
Nga có quan hệ kinh tế chặt chẽ với các nước châu Âu, vì vậy lệnh trừng phạt thương mại và tài chính nào cũng có thể gây tổn hại cho cả hai bên.
Nhưng việc mất thị trường Nga với dân số hơn 144 triệu người là đòn giáng mạnh vào các doanh nghiệp châu Âu. Trong suốt năm 2021, khối lượng thương mại giữa Nga và các nước thuộc EU đã tăng 42,7% tính theo năm lên hơn 247 tỷ euro. Nga là đối tác lớn thứ năm về xuất khẩu hàng hóa của EU (4,1%) và đối tác lớn thứ ba về nhập khẩu hàng hóa của EU (7,5%). EU đã áp đặt nhiều vòng trừng phạt nghiêm ngặt đối với Nga, nhắm vào lĩnh vực ngân hàng và công nghiệp của nước này, đóng băng dự trữ ngoại hối và khiến hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài phải rời đi.
8. Ai sẽ hứng chịu nhiều nhất do các lệnh trừng phạt của phương Tây?
Các nhà phân tích cho rằng các quốc gia và doanh nghiệp châu Âu sẽ phải chịu cái giá của các lệnh trừng phạt, đồng thời nói thêm rằng nếu Nga ngả về các quốc gia thân thiện như Trung Quốc, thì châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nhà Trắng gần đây cho biết thương mại của Trung Quốc với Nga không đủ để bù đắp tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, thương mại giữa hai nước vẫn bùng nổ bất chấp các sự kiện ở Ukraine.
Theo số liệu hải quan Trung Quốc công bố ngày 7/3, kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng gần 39% trong hai tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, vượt 26 tỷ USD. Nga và Trung Quốc có mục tiêu đầy tham vọng là thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương lên 200 tỷ USD vào năm 2024.