7,9 triệu số bằng lái xe bị đánh cắp dữ liệu tại Australia, New Zealand

Ngày 27/3, công ty cho vay và thanh toán kỹ thuật số Latitude của Australia thông báo 7,9 triệu số bằng lái xe của công dân Australia và New Zealand đã bị đánh cắp trong vụ đánh cắp thông tin quy mô lớn xảy ra hôm 16/3 vừa qua.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: TTXVN

Bên cạnh đó, Latitude cũng xác định khoảng 53.000 số hộ chiếu, hồ sơ tài chính hằng tháng của gần 100 khách hàng, cùng 6,1 triệu dữ liệu được lưu trữ ít nhất từ năm 2005 cũng đã bị đánh cắp. 

Giám đốc điều hành Latitude, ông Ahmed Fahour, cho biết công ty công nghệ tài chính này đang khắc phục các nền tảng bị ảnh hưởng trong vụ tấn công trên, đồng thời sẽ triển khai các biện pháp giám sát an ninh bổ sung khi nối lại các hoạt động bình thường trong những ngày tới. Các khách hàng lựa chọn khôi phục dữ liệu cá nhân đã bị đánh cắp sẽ được bồi hoàn.     

Ngay sau thông tin trên, giá cổ phiếu của Latitude vào đầu phiên giao dịch ngày 27/3 đã giảm 1,7% xuống 1,19 AUD (0,79 USD)/cổ phiếu.  

Tuần trước, Latitude đã phát đi cảnh báo rằng công ty chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính cho các nhà bán lẻ lớn của Australia như Harvey Norman và JB Hi-Fi đã phát hiện thêm bằng chứng về vụ tin tặc đánh cắp thông tin.  

Đầu tháng này, Latitude cho biết Cảnh sát liên bang và Trung tâm An ninh mạng Australia đang điều tra vụ việc.        

Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp Australia đã thông báo việc xảy ra các vụ tấn công mạng. Giới chuyên gia cho rằng vấn đề này là do tình trạng thiếu nhân sự trong lĩnh vực an ninh mạng.    

Năm ngoái, trong bối cảnh một số công ty lớn nhất của Australia báo cáo các vụ rò rỉ dữ liệu, giới chức nước này đã thúc đẩy các nỗ lực nhằm tăng cường an ninh mạng, đồng thời thực thi các quy định chia sẻ dữ liệu nghiêm ngặt hơn nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra các vụ việc tương tự trong tương lai.

Minh Tâm  (TTXVN)
Nguy cơ ChatGPT bị tin tặc lợi dụng
Nguy cơ ChatGPT bị tin tặc lợi dụng

Tin tặc đang sử dụng ChatGPT - ứng dụng chatbot của Công ty OpenAl (Mỹ) - để tạo ra các email lừa đảo “thật” đến mức ngay cả những nhân viên được đào tạo bài bản về bảo mật của một công ty cũng bị “mắc bẫy”. Đây là cảnh báo mới được các chuyên gia an ninh mạng Australia đưa ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN