Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tại Công viên Treptower, đài tưởng niệm lớn nhất trong 4 công trình của Liên Xô xây dựng tại Berlin, ngay từ sáng sớm đã có nhiều đoàn đại biểu, các cơ quan đại diện nước ngoài cùng người dân đang sinh sống tại Đức đến đặt hoa để tưởng nhớ những người lính trong cuộc chiến với chiến thắng vang dội của Hồng quân Liên Xô và các nước đồng minh, tạo tiền đề quan trọng chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Bên cạnh các hoạt động kỷ niệm cấp nhà nước, mỗi người đến đây đều mang theo một tâm trạng chung, đó là nhớ về những kỷ niệm, những năm tháng chiến đấu khó khăn, gian khổ để bảo vệ Tổ quốc của đồng đội, ông cha và người thân của họ.
Hình ảnh những cựu chiến binh người Nga ngắm nhìn chăm chú bức tượng người chiến sĩ Hồng quân cao lớn, một tay bế em bé, tay kia cầm thanh kiếm đứng hiên ngang, ai cũng xúc động. Những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt những cô gái trẻ khi đứng trước tượng đài tưởng nhớ ông cha mình đã hy sinh trong cuộc chiến chống phát xít. Những câu chuyện đau thương, mất mát, những lời thì thầm, thỉnh thoảng xen lẫn cả tiếng khóc, tiếng nấc nghẹn..., tất cả đều khiến mọi người lặng đi, như thể chiến tranh vừa kết thúc ngày hôm qua.
Năm nay, cuộc xung đột tại Ukraine chưa kết thúc; xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Isarel đang leo thang, khiến mối lo ngại về tình trạng bất ổn an ninh thế giới ngày càng tăng. Trên 3.000 cảnh sát được huy động để bảo vệ an ninh tại các điểm tưởng niệm ở Berlin.
Đài tưởng niệm chiến tranh và nghĩa trang quân sự nằm trong Công viên Treptower do Liên Xô xây dựng chính thức khánh thành vào ngày 8/5/1949. Tại đây, hai lối vào đài tưởng niệm, ở Puschkinallee và trên đường Am Treptower Park, được xây dựng hai cổng vòm lớn. Mọi con đường lớn đều đưa những người đến đây tới bức tượng đá hoa cương dài 3 mét “Mother Homeland”, với lối đi dạo dẫn qua hai lá cờ lớn được cách điệu bằng đá granit đỏ dẫn vào “nghĩa trang chiến tranh”.
Dưới chân ngọn đồi và dọc theo trục trung tâm là 5 phần ô cỏ hình chữ nhật, được thiết kế như những ngôi mộ chung mang tính biểu tượng. Những bức phù điêu được minh họa theo cảnh trong phim “Chiến tranh yêu nước vĩ đại”.
Trung tâm của khu tưởng niệm là một ngọn đồi hình nón, vừa là ngôi mộ cũng vừa là bệ đỡ cho bức tượng trung tâm của đài tưởng niệm - một người lính Hồng quân (tác phẩm điêu khắc bằng đồng) ôm một em bé được giải cứu trong tay và một thanh kiếm hạ xuống trên một hình chữ vạn (Swastika) bị đập gãy.
Tượng đài “Người lính giải phóng” này cũng chính là hình ảnh biểu tượng của người lính Hồng quân Liên Xô đã giải phóng loài người khỏi thảm họa phát xít.