Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ hơn 3.000 cuộc khảo sát sức khỏe tại trên 200 quốc gia và khu vực trên toàn cầu. Kết quả cho thấy ở thời điểm năm 2019, thế giới có 1,1 tỷ người hút thuốc lá, với 7.000 tỷ điếu thuốc được tiêu thụ hằng năm.
Trung Quốc là nước có số người tử vong do các căn bệnh liên quan hút thuốc lá cao nhất thế giới, với khoảng 2,42 triệu người (gần 30% tổng số ca tử vong trên toàn cầu), tiếp theo là Ấn Độ với 1,01 triệu người, Mỹ là 530.000 người, Nga là 290.000 người, Indonesia là 250.000 người và Nhật Bản là 200.000 người.
Tuy tỷ lệ hút thuốc lá đang có xu hướng giảm ở các nước phát triển, nhưng số người hút thuốc lá lại gia tăng ở các nước đang phát triển, trong đó bao gồm cả các quốc gia châu Phi, nơi dân số đang tăng nhanh.
Các bệnh phổ biến nhất trực tiếp gây ra tử vong ở những người hút thuốc lá là thiếu máu cơ tim, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi và đột quỵ. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng việc hút thuốc lá sẽ làm gia tăng nguy cơ phát triển các căn bệnh nêu trên.
Đánh giá của nhóm nghiên cứu chưa bao gồm những tổn hại về sức khỏe gây ra đối với những người hút thuốc lá thụ động (sống trong môi trường có khói thuốc lá).
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng có tới 87% trường hợp tử vong xảy ra ở những người duy trì hút thuốc lá cho tới khi mắc bệnh và qua đời. Trong khi đó, ở các nhóm đối tượng bỏ thuốc lá hơn 15 năm trước khi qua đời, tỷ lệ này là 6% - một minh chứng cho thấy hiệu quả của việc cai thuốc lá.
Hiện ngành công nghiệp thuốc lá đang thúc đẩy các chiến lược quảng bá các mặt hàng như thuốc lá có hương vị và thuốc lá điện tử, với khách hàng mục tiêu là giới trẻ. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng việc cấm bán các sản phẩm này sẽ giúp giảm số lượng người hút thuốc trẻ tuổi. Các nhà khoa học cũng kêu gọi chính phủ các nước áp mức thuế cao hơn đối với mặt hàng thuốc lá, đồng thời hạn chế việc quảng cáo sản phẩm này.