"Theo điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2019, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở nhóm học sinh tuổi từ 13 - 17 tại Việt Nam là 2,6%. Thực trạng hút thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên Việt Nam đang tăng cao, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ tạo ra dịch bệnh kép khi gia tăng lượng người hút thuốc mới trong khi người hút thuốc lá truyền thống vẫn không giảm". Đây là vấn đề được đưa ra tại hội thảo "Cung cấp thông tin về thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng" do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/7.
Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) Phan Thị Hải cho biết, trong những năm qua Việt Nam có nhiều nỗ lực nhằm giảm tỷ lệ người hút thuốc lá truyền thống, tuy nhiên, mỗi năm chỉ giảm được từ 1 - 2%.
Trong khi đó, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng lại đang ngày càng gia tăng. Thống kê điều tra của Tổ chức Y thế giới cho thấy, năm 2015 có 0,2% người tại Việt Nam hút thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Còn kết quả điều tra sức khỏe học đường năm 2019 cho thấy, có đến 2,6% học sinh trong độ tuổi từ 13 - 17 hút thuốc lá điện tử.
Lý giải nguyên nhân của sự gia tăng này, bà Hải cho rằng ngành công nghiệp thuốc lá đang có xu hướng "tấn công" giới trẻ bằng những sản phẩm có thiết kế bắt mắt, nhỏ gọn, nhiều hương vị, giá rẻ… Thực tế, Bộ Y tế đã đề xuất cấm sử dụng dưới mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu đối với các sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng song vẫn chưa thể làm giảm tỷ lệ người hút thuốc lá điện tử.
Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhắm đến người chưa hút thuốc, kể cả người đang hút thuốc lá thông thường cũng có xu hướng sử dụng song song thuốc lá điện tử. Bà Hải bày tỏ lo ngại, nếu không ngăn chặn kịp thời thuốc lá điện tử thì trong tương lai con người sẽ phải đối mặt với hai tác hại từ cả thuốc lá điện tử lẫn thuốc lá truyền thống, thậm chí là các sản phẩm thuốc lá chứa ma túy trá hình.
Cảnh báo về tác hại của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, nhân viên Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, cho rằng hầu hết các sản phẩm này đều chứa nhiều chất độc hại như nicotine, kim loại, formaldehyde… Với thuốc lá điện tử, người hút dễ bị gây nghiện và tăng nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường. Nghiên cứu cho thấy, những người trẻ tuổi đã thử sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường cao hơn 3,5 lần so với nhóm người không dùng thuốc lá điện tử.
Trong thuốc lá điện tử có 15.000 loại hương vị, nảy sinh nguy cơ trộn hương vị và cả chất ma túy; người hút dễ phơi nhiễm các chất độc gây bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng đến phát triển trí não. Các chất độc được thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử và trong khói. Vì vậy, thuốc lá điện tử có hại cho cả người dùng và người xung quanh. Ngoài ra còn có nguy cơ chấn thương nghiêm trọng do cháy nổ pin…
Với thuốc lá nung nóng, các bằng chứng chỉ rõ, thuốc nung nóng cũng chứa nhiều chất độc hại giống như khói thuốc. Khói thuốc nung chứa nicotine. Đây là chất gây nghiện cực mạnh và có nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, người vị thành niên và phụ nữ có thai. Dù các sản phẩm thuốc nung được nung ở nhiệt độ thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự như trong khói thuốc lá. Các hóa chất có trong thuốc lá nung bao gồm: acrolein, chemicals, acetaldehyde, carbon monoxide, nicotine... Một số hóa chất này được xếp vào nhóm gây ung thư.
Nhất trí quan điểm này, Thạc sĩ Đoàn Thu Huyền, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá Hoa Kỳ, nhận định, thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng có ảnh hưởng xấu tới thanh thiếu niên và cả những người hút thuốc lá. Đặc biệt, nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến giới trẻ, nguy cơ sử dụng ma túy và các chất kích thích khác đồng thời với thuốc lá điện tử nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường.
Do đó, theo Thạc sĩ Đoàn Thu Huyền, cần có quy định cấm mọi loại thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Hiện chưa có thị trường thuốc lá điện tử tại Việt Nam, chủ yếu là sản phẩm trôi nổi qua xách tay và qua mạng internet. Do đó, sẽ rất khả thi khi ban hành quy định cấm trước khi các sản phẩm này được sử dụng rộng rãi trên thị trường.
Thạc sĩ Lê Thị Thu, Quản lý Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây nhiễm của Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, cho biết, ngành công nghiệp thuốc lá nhắm đến giới trẻ nhằm tìm kiếm những người hút thuốc thay thế và để duy trì sản lượng thuốc lá, tăng trưởng lợi nhuận khi chính phủ các nước thực hiện các giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá. Đó là lý do vì sao ngành công nghiệp thuốc lá đã sử dụng các cách thức quảng cáo, tiếp cận nhắm vào giới trẻ.
Bà Lê Thị Thu khuyến nghị, Việt Nam cần có khung pháp lý nhằm kiểm soát các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Cơ quan chức năng cần nỗ lực kiểm tra, ngăn chặn các hoạt động thí điểm sản xuất, nhập khẩu, quảng cáo, buôn bán thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng khi các sản phẩm này chưa được phép lưu hành trên thị trường.