Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, các cơ quan viện trợ cho biết nhiều yếu tố, bao gồm hạn hán kéo dài do biến đổi khí hậu, xung đột tái diễn, tác động kinh tế xã hội tiêu cực của đại dịch COVID-19 và giá lương thực toàn cầu tăng cao, tất cả đã tạo ra và duy trì một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia Đông Phi này.
Trong một tuyên bố chung được đưa ra ở thủ đô Mogadishu của Somalia, các tổ chức này cho biết: "Để đảm bảo cho các hoạt động của mình có ý nghĩa ở vùng Sừng châu Phi, các nhà tài trợ và cộng đồng quốc tế không nên đợi cho đến khi tuyên bố nạn đói chính thức được đưa ra, trong khi cuộc sống của hàng triệu người đang gặp nguy hiểm".
Theo các nhà quan sát, thảm họa nhân đạo đã không diễn ra ở Somalia vào cuối năm 2022 nhờ sự hỗ trợ nhân đạo đã được mở rộng kịp thời, lượng mưa nhiều hơn một chút so với dự kiến trước đó cũng như sự phối hợp tốt của các bên liên quan. Tuy nhiên, các cơ quan nhân đạo cảnh báo, bất chấp những cải thiện trên, tình trạng mất an ninh lương thực ở Somalia còn lâu mới kết thúc và đang trở nên nghiêm trọng hơn mỗi ngày với hơn 3 triệu người đã phải di tản.
Tuyên bố này được đưa ra khi cộng đồng quốc tế chuẩn bị tập trung tại New York vào ngày 24/5 để tham dự hội nghị cam kết cấp cao dành cho vùng Sừng châu Phi.
Theo báo cáo Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp (IPC) mới nhất, 6,6 triệu người trên khắp Somalia đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính ở mức độ cao, với 1,8 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Bộ Y tế nước này mới đây công bố ước tính có gần 43.000 trường hợp tử vong trong năm 2022 do tác động của hạn hán kéo dài, một nửa trong số đó là trẻ em dưới 5 tuổi.