Đó là khẳng định của ông Stephane Dujarric - người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) - đưa ra trong ngày 28/2.
Trích dẫn báo cáo Phân loại Giai đoạn an ninh lương thực tổng hợp (IPC) của các chuyên gia quốc tế, ông Dujarric cho biết: “Ước tính sẽ có khoảng 1,8 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp trong năm 2023, trong đó gần 478.000 trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng". Theo báo cáo trên, "điều kiện mất an ninh lương thực, bùng phát dịch tiêu chảy/dịch tả cấp và bệnh sởi đang góp phần làm gia tăng tình trạng suy dinh dưỡng cấp".
Ông Dujarric nhấn mạnh rằng báo cáo trên cho thấy đã có bước tiến - dù nhỏ - ở Somalia, khi số người được hỗ trợ lương thực tăng từ mức trung bình 2 triệu người/tháng trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2022 lên mức trung bình 5,4 triệu người/tháng từ tháng 10 đến tháng 12/2022.
Tuy nhiên, ông cũng nêu rõ: "Các chuyên gia cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng về cơ bản vẫn chưa được cải thiện và những hậu quả kinh khủng hơn mới chỉ được ngăn chặn một cách tạm thời. Dự báo 6,5 triệu người sẽ phải đối mặt với khủng hoảng hoặc tình trạng mất an ninh lương thực tồi tệ hơn từ tháng 4 đến tháng 6".
Quan chức LHQ cho biết Kế hoạch Ứng phó nhân đạo của LHQ dành cho Somalia đang kêu gọi hơn 2,6 tỷ USD nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của 7,6 triệu người dễ bị tổn thương. Các quỹ bổ sung đang được huy động khẩn nhằm duy trì sự hỗ trợ sau tháng 3 tới.
Trong bối cảnh vùng Sừng châu Phi bước vào mùa mưa thứ 6 liên tiếp không có mưa, số người di dời nơi ở được dự báo sẽ gia tăng đáng kể. Ông Dujarric cho biết: “Hàng triệu người từ Somalia, Ethiopia và Kenya phải vật lộn để tồn tại trong bối cảnh nguồn nước khan hiếm, nạn đói, bất ổn và xung đột.
Khi đợt hạn hán kéo dài và nghiêm trọng bậc nhất cho tới nay chưa có dấu hiệu kết thúc, Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) đang kêu gọi huy động 137 triệu USD để cung cấp viện trợ khẩn cấp cho 3,3 triệu người tị nạn và những người dân trong nước buộc phải rời bỏ nhà cửa, cũng như các cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng".