Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn kết quả thăm dò dư luận mới nhất được CNN/ORC công bố ngày 20/8 cho biết có tới 56% số người Mỹ được hỏi nói rằng họ muốn các nhà lập pháp nước này bác bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran mà Nhóm P5+1 (năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đạt được với Iran hồi giữa tháng 7 vừa qua.Tỷ lệ trên tăng nhẹ so với 52% số người phản đối thỏa thuận trong cuộc thăm dò hồi tháng trước, trong khi số người ủng hộ Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận chỉ ở mức 41%. Có tới 60% bày tỏ không tán thành cách thức Tổng thống Mỹ Barack Obama đang giải quyết các mối quan hệ với Tehran, tăng mạnh so với mức 48% hồi tháng 4, thời điểm các cường quốc và Iran công bố thỏa thuận hạt nhân khung.
Đa số người Mỹ không ủng hộ thoả thuận hạt nhân Iran. Ảnh: Gettyimages
|
Trong khi đó, 50% số người Mỹ ủng hộ một thỏa thuận dỡ bỏ các đòn trừng phạt kinh tế để đổi lại việc áp đặt những hạn chế mới đối với Iran xoay quanh chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo. Đây có thể là cuộc thăm dò cuối cùng của CNN/ORC trước khi Quốc hội Mỹ tiến hành cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận hạt nhân Iran vào trung tuần tháng 9 tới.
Các nghị sĩ Cộng hòa đã công khai phản đối thỏa thuận này trong khi Tổng thống Obama cũng tuyên bố sẽ phủ quyết bất kỳ dự luật nào ngăn chặn thỏa thuận nói trên. Phe Cộng hòa đang tiến gần tới mục tiêu có đủ số phiếu cần thiết để thông qua một dự luật ngăn chặn thỏa thuận hạt nhân Iran, song họ sẽ đối mặt với thách thức lớn nếu muốn giành đủ đa số 60 phiếu để vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống.
Với 246 ghế đang nắm giữ tại Hạ viện, các nhà lập pháp Cộng hòa dễ dàng vượt quá một đa số tối thiểu 218 phiếu để bác bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran ở Hạ viện. Tuy nhiên, “cuộc chiến” tại Thượng viện khó khăn hơn nhiều. Trong 5 tuần trở lại đây, số nhà lập pháp Dân chủ ủng hộ thỏa thuận ngày càng tăng. Tại Thượng viện, tới nay mới chỉ có 2 thượng nghị sĩ Dân chủ là Bob Menendez và Charles Schumer công khai tuyên bố phản đối thỏa thuận. Do đó, phe Cộng hòa cần phải nhận thêm được 4 lá phiếu của các thượng nghị sĩ Dân chủ để bác thỏa thuận này.
Theo giới phân tích, những người phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ không chỉ thách thức tổng thống, mà sẽ còn phải đối mặt với đòn “hồi mã thương” của các nhóm cấp tiến và cử tri Dân chủ trong cuộc tổng tuyển cử năm 2016, những người ủng hộ thỏa thuận. Chuyên gia phân tích chính sách an ninh và quốc phòng Thomas Donnelly thuộc Viện American Enterprise cho rằng quyết định phản đối thỏa thuận “có thể là dấu chấm hết cho sự nghiệp” của nghị sĩ Dân chủ. Theo tờ “The Hill”, hiện có 18 thượng nghị sĩ Dân chủ vẫn chưa đưa ra quyết định, trong số này có những người sẽ tranh cử lại vào năm 2016 như các thượng nghị sĩ Michael Bennet, Richard Blumenthal, Barbara Mikulski, Patty Murray và Ron Wyden.