450 triệu lao động Ấn Độ lâm cảnh “tiến thoái lưỡng nan’ vì COVID-19

Lệnh giới nghiêm toàn quốc đã khiến 450 triệu lao động thời vụ tại Ấn Độ lâm vào cảnh mất thu nhập nuôi sống gia đình.

Chú thích ảnh
Người tìm việc chen chúc tại một hội chợ việc làm ở New Delhi. Ảnh: Reuters

Chị Baby Devi đã mất 80% thu nhập mỗi tháng do sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) – và đó chưa phải là điều tồi tệ nhất xảy đến.

Bà mẹ 38 tuổi có 4 đứa con, làm công việc dọn nhà để kiếm sống, đã bị 2 trong số 3 chủ từ chối. Tương tự nhiều người Ấn Độ khác, họ bắt đầu thực hiện các biện pháp “giãn cách xã hội” để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Với Devi - người hiện chỉ đem về nhà 0,67 USD/ngày (khoảng 15.000 đồng) - cắt giảm thu nhập trở thành nỗi lo đối với người có điều kiện sống như cô. Trong khi Ấn Độ đang chạy đua để ngăn chặn dịch COVID-19, thì gia đình Devi, chen chúc nhau trong một căn phòng và dùng chung phòng tắm với hai hộ khác, là một trong số những người có nguy cơ cao nhất. 

“Tình hình trở nên hết sức khó khăn. Ra ngoài thì không được, mà ở nhà cũng không xong”, cô Devi chia sẻ qua điện thoại.

Tình thế “tiến thoái lưỡng nan” mà 450 triệu lao động thời vụ tại Ấn Độ phải đối mặt là một trong những ví dụ điển hình nhất về sự bất bình đẳng đe dọa nỗ lực kìm hãn virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu. Từ những lao động có mức lương tối thiểu không được ghi nhận đến những người tràn đến các thành phố lớn tìm kiếm việc làm, người nghèo tại đô thị thường bị hạn chế khi tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe, không có bảo hiểm y tế và đảm bảo tài chính.

Câu chuyện của Devi là câu chuyện của hơn 1/3 người lao động Ấn Độ, những người làm việc không chính thức đóng góp một nửa trong tổng số GDP cho nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Lao động thời vụ chiếm phần lớn trong tổng số lao động tại Ấn Độ. Hầu hết những người này làm việc với mức lương trung bình 2 USD/ngày với các công việc như sửa ống nước, giúp việc, nhặt rác, bán hàng vỉa hè… Họ không có lựa chọn làm việc tại nhà, nghỉ hay tránh phương tiện công cộng để thực hiện “giãn cách xã hội”.

Lệnh giới nghiêm

Ngày 22/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi yêu cầu 1,3 tỷ người thực hiện lệnh giới nghiêm ban ngày kéo dài 14 tiếng trên toàn quốc. Lệnh giới nghiêm này có hiệu lực đến hết 31/3.

Theo Phó Giáo sư Rajmohan Panda làm việc tại Quỹ Sức khỏe cộng đồng chuyên cố vấn cho Chính phủ Ấn Độ cũng như các tổ chức quốc tế như UNICEF, các lệnh cấm sẽ gây ra “sự gián đoạn lớn trong đời sống người dân”. “Không có chế độ an sinh xã hội và bảo hiểm, việc mất thu nhập ngay cả khi đó chỉ là tạm thời cũng sẽ tác động đến điều kiện vệ sinh và dinh dưỡng, và điều đó khiến họ dễ bị nhiễm virus hơn”, vị chuyên gia giải thích.

Đối với anh Mohibul Ansari làm việc tại Mumbai, cuộc chiến để nuôi 5 đứa con đang sống cách đó gần 2.000 km trở nên khó khăn hơn sau khi thủ phủ tài chính của Ấn Độ bị áp đặt lệnh phong tỏa từ 16/3. Nhà máy nhựa nơi anh làm việc đóng cửa và ba bạn cùng phòng với anh phải quay trở lại quê nhà.

“Mọi người đều lo sợ, và nỗi lo đó đang lan rộng. Tôi bảo bọn trẻ hãy cẩn thận với số tiền tôi gửi. Chỉ có Chúa mới giúp chúng tôi nếu như bất kỳ ai trong chúng tôi đổ bệnh”, Ansari chia sẻ.

Những lao động tỉnh lẻ như Ansari và gia đình anh ít có cơ hội tiếp cận với hệ thống chăm sóc y tế chất lượng cao. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), quốc gia Nam Á này chỉ chi khoảng 62,72 USD/người cho chăm sóc sức khỏe vào năm 2016. Cam kết của chính phủ liên bang tăng quỹ sức khỏe lên ít nhất 2,5% GDP đến năm 2025 vẫn còn là cả một hành trình dài.

“Sự gián đoạn về kinh tế từ đại dịch COVID-19 không được kiểm soát sẽ rất lớn. Thiệt hại về y tế và kinh tế cho thấy chính phủ quốc gia và chính quyền các cấp phải hành động nhanh chóng, tăng cường giám sát và phản ứng kịp thời”, Prabhat Jha – Giáo sự tại Đại học Toronto – nhận định.

Mới đây, bang Kerala phía Nam Ấn Độ thông báo quỹ hỗ trợ 200 tỷ rupee (2,7 tỷ USD), trong khi bang Uttar Pradesh – nơi sinh sống của 1/5 hộ nghèo Ấn Độ - cũng cam kết chuyển 1.000 rupee tiền mặt mỗi tháng cho 3,5 triệu lao động ban ngày và công nhân xây dựng.

“Chúng tôi hiểu chính phủ đang làm nhiều việc để giúp mọi người. Nhưng rất khó để không cảm thấy sợ hãi khi phải sống trong hoàn cảnh này”, anh Mohammad Sadique, một nhà điều hành tour tại Mumbai, bày tỏ.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Người dân Ấn Độ hò reo cổ vũ tinh thần nhân viên y tế trong lệnh phong tỏa
Người dân Ấn Độ hò reo cổ vũ tinh thần nhân viên y tế trong lệnh phong tỏa

Hàng triệu người dân Ấn Độ đã cùng nhau vỗ tay, reo hò để động viên tinh thần các nhân viên y tế, những người đang miệt mài làm việc trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN