Anh Dharam Singh Rajput không có đủ khả năng mua nước rửa tay để ngăn chặn sự lây lan virus SARS-CoV-2 ra cộng đồng. Gia đình anh Rajput chỉ có thể mua một thứ rẻ tiền hơn, đó là bánh xà phòng và nước để vệ sinh tay sạch sẽ. Tuy nhiên, khu dân cư của anh đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng vì ở gần các kênh thoát nước thải và bãi rác ở trung tâm thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Nguồn nước ô nhiễm mà họ đang phải sử dụng hàng ngày có khả năng gây ra nhiều bệnh hơn thay vì ngăn chặn virus lây lan.
Các chuyên gia cho rằng ngoài phương pháp cách ly cộng đồng, rửa tay sạch sẽ là một trong những biện pháp dễ dàng và hiệu quả nhất để phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, đối với nhiều người dân nghèo đang sống trong hàng nghìn khu ổ chuột trên khắp các thành phố và thị trấn lớn tại Ấn Độ, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ là điều gần như không thể.
Theo hãng tin AP, có khoảng 160 triệu người trong tổng số 1,3 tỷ dân Ấn Độ không được sử dụng nước sạch. Đây là một trong những nguyên nhân khiến những người nghèo khó sinh sống tại nước này như Rajput và gia đình anh phải đứng trước rủi ro lây nhiễm cao trong đợt bùng phát đại dịch COVOD-19.
Ông Samrat Basak - Giám đốc Chương trình Nước đô thị thuộc Viện Tài nguyên Thế giới tại Ấn Độ - cho biết tình trạng thiếu nước sạch có thể gây hại đến sức khoẻ của nhiều người dân Ấn Độ. Là quốc gia đông dân thứ 2 trên thế giới có hệ thống chăm sóc sức khoẻ kém phát triển, những rủi ro liên quan đến việc thiếu nước sạch lại càng trở nên khó kiểm soát hơn.
UNICEF tuần trước cho biết có gần 20% người Ấn Độ sống tại khu vực thành thị không có tiện nghi nước và xà phòng tại nhà. Các chuyên gia nhận định điều này có thể khiến dịch bệnh bùng phát tồi tệ hơn khi các biện pháp cách ly cộng đồng gần như không thể thực hiện tại một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới.
Cho đến nay, chính phủ Ấn Độ đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát virus mạnh mẽ. Tính đến sáng 19/3, các nhà chức trách đã ghi nhận 169 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 với 4 trường hợp tử vong, tất cả đều liên quan đến du lịch nước ngoài và tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh ở nước ngoài.
Bệnh COVID-19 có thể gây tử vong, đặc biệt đối với người già hoặc những người có các vấn đề sức khoẻ tiềm ẩn. Với nhiều bệnh nhân khác, căn bệnh chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ hoặc trung bình, chẳng hạn sốt và ho. Thậm chó có người còn không xuất hiện triệu chứng và đa số mọi người đều phục hồi.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường trên thế giới, Chính phủ Ấn Độ đã kêu gọi người dân thực hành khoảng cách xã hội, vệ sinh cá nhân sạch sẽ nhằm hạn chế tối đa việc lây lan virus. Ấn Độ cũng là một trong những quốc gia đầu tiên đóng cửa biên giới và từ chối nhập cảnh đối với các vùng dịch trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định tại một đất nước lớn như Ấn Độ, việc lây nhiễm cộng đồng là khó tránh khỏi.
“Nước sạch là nguồn phòng thủ thiết yếu đầu tiên trước dịch bệnh nguy hiểm này. Nếu không có nước sạch, tình hình dịch bệnh có thể tồi tệ hơn”, ông V.K. Madhavan, Giám đốc Điều hành WaterAid tại Ấn Độ - một nhóm vận động nước sạch và vệ sinh toàn cầu - cho biết.
Thiếu hụt nước sạch không phải là vấn đề mới ở Ấn Độ. Tại quốc gia này, có hàng trăm nghìn người xếp hàng chờ đợi mỗi ngày để nhận nước từ chính phủ. Bệnh viện và trường học cũng đang phải vật lộn với nguồn cung cấp nước sạch. Nhiều người buộc phải rửa đồ dùng và giặt quần áo bằng nước ô nhiễm.
Khoảng 600 triệu dân Ấn Độ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước cấp bách. Cuộc khủng hoảng nước ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của những người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những người giàu có khả năng chi trả tiền nước từ các nguồn tư nhân, trong khi đó, những người sống trong khu ổ chuột thì không thể.
Tỷ lệ tử vong do thiếu nước và ô nhiễm nước tại đây cũng rất cao. Khoảng 200.000 người chết mỗi năm ở Ấn Độ đều do các bệnh liên quan đến ô nhiễm nước. Không đủ nước cũng dẫn đến việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Khi nguồn nước sạch để uống cạn kiệt, mọi người sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải phụ thuộc vào nguồn nước không an toàn. Điều đó có thể khiến một phần lớn dân số tại Ấn Độ bị ảnh hưởng nặng nè”, Tiến sĩ Annant Bhan, một nhà nghiên cứu y tế toàn cầu, cho biết.
Trước đó, Chính phủ Ấn Độ đã hứa sẽ đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân Ân Độ, nhưng cho đến nay, mọi nỗ lực của chính quyền Thủ tướng Narendra Modi chưa được công nhận.
“Tiếp cận với nước sạch là quyền cơ bản của con người. Không một người dân nào có thể không sợ hãi khi họ không thể thực hành biện pháp ngăn chặn virus đầu tiên, đó là rửa tay sạch”, ông Madhavan, nhấn mạnh.