Cùng với đền Taj Mahal, hàng chục di tích, bảo tàng, các địa điểm tôn giáo trên khắp cả nước đều phải đóng cửa. Trong khi đó, tại Mumbai - nơi có 18 triệu người sinh sống, chính quyền chỉ thị các nhân viên y tế và sân bay đóng dấu "cách ly tại nhà" và thời gian cách ly lên tay những người được yêu cầu cách ly. Biện pháp trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi chính quyền thành phố này đóng cửa các trường học, rạp chiếu phim, trung tâm mua sắm, các phòng tập thể dục và cấm tụ tập đông người.
Ngày 17/3, Ấn Độ đã ghi nhận ca tử vong thứ ba do mắc COVID-19. Theo truyền thông địa phương, bệ-nh nhân là một người đàn ông, 64 tuổi, ở Mumbai, đã trở về từ Dubai ngày 8/3 vừa qua. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên tại Mumbai - trung tâm tài chính của Ấn Độ. Vợ và con trai người này cũng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Hiện Ấn Độ ghi nhận 131 ca mắc COVID-19 trên cả nước, trong đó bang Maharastra, miền Tây Ấn Độ, nơi có thành phố Mumbai, có nhiều trường hợp mắc bệnh nhất, với 39 ca.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành quy định cấm hành khách đi từ Afghanistan, Philippines và Malaysia nhập cảnh nước này. Quy định này có hiệu lực ngay sau khi được ban hành
Theo thông báo của Chính phủ Ấn Độ, sẽ không có chuyến bay nào cất cánh từ những quốc gia này đến Ấn Độ sau 15h (giờ địa phương, tức 16h30 theo giờ Việt Nam). Lệnh cấm này mang tính tạm thời, sẽ có hiệu lực cho đến ngày 31/3 và sẽ được xem xét lại sau đó. Trước đó một ngày, Chính phủ Ấn Độ cũng đã cấm nhập cảnh đối với các hành khách đến từ các nước thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ và Vương quốc Anh từ ngày 18-31/3. Những du khách đến hoặc quá cảnh tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar, Oman và Kuwait phải cách ly 14 ngày khi tới Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này cũng đã ban hành yêu cầu tương tự đối với những người đến từ Trung Quốc, Italy, Iran, Hàn Quốc, Pháp, Tây Ban Nha và Đức, trong khi đóng cửa hầu hết các cửa khẩu biên giới với hai nước láng giềng Bangladesh và Myanmar.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc cấm nhập cảnh đối với những người nước ngoài đến từ Iceland, một số khu vực thuộc Italy, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ. Bên cạnh đó, Tokyo cũng có thể bắt đầu yêu cầu du khách đến từ các nước châu Âu khác, trong đó có khu vực Schengen, và các công dân Nhật Bản trở về từ những nước này phải tự cách ly trong 14 ngày.
Ngày 16/3, Nhật Bản đã nâng cảnh báo đi lại tới các khu vực trên lên cấp độ 3, tránh tất cả hoạt động đi lại tới khu vực bị cảnh báo. Hiện Nhật Bản đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với những người đến từ một số khu vực của Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy và Iran.
Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) cho biết Chính phủ dự định sẽ công bố các tiêu chuẩn để các trường học có thể mở cửa trở lại vào cuối tháng 3. Phát biểu với báo giới ngày 17/3, Bộ trưởng MEXT Koichi Hagiuda cho biết việc mở lại các trường học ở một địa phương sẽ phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như liệu có bất cứ ai ở địa phương đó hoặc các khu vực lân cận nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không.
Tính đến chiều 17/3, số người mắc COVID-19 tại Nhật Bản là 1.565, trong đó có 839 người trong nội địa và 712 người trên du thuyền Diamond Princess. Số ca tử vong là 35, trong đó có 28 người trong nội địa và 7 người trên du thuyền Diamond Princess.
Đáng chú ý, giới chức y tế tỉnh Mie, miền Tây Nhật Bản, vừa phát hiện một trường hợp tái nhiễm SARS-CoV-2. Bệnh nhân là một người đàn ông ngoài 70 tuổi, từng có mặt trên du thuyền Diamond Princess, đang neo ở cảng Yokohama. Bệnh nhân này có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 14/2 khi đang được cách ly trên du thuyền Diamond Princess. Sau khi được chữa trị tại bệnh viện, ông đã xuất viện và trở về nhà hôm 2/3 sau khi được xác nhận âm tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, hôm 14/3, ông này được xác nhận đã tái nhiễm virus này.