Theo tờ SCMP, trên mạng xuất hiện một đoạn video lan truyền rộng rãi, ghi lại cảnh một phụ nữ quẫn trí tại một địa diểm cách ly cộng đồng ở Penny’s Bay trên đảo Lantau. Người này hét vào mặt các nhân viên bảo vệ khu cách ly: “Tôi phát điên mất”.
Vào tuần trước, đã có 4 người định tự tử chỉ trong khoảng thời gian 27 giờ tại Penny’s Bay. Cảnh sát và nhân viên cứu hỏa đã được gọi đến để khuyên can một phụ nữ 59 tuổi đang dọa nhảy lầu. Trong khi đó, một người đàn ông đã phản đối bằng cách ngủ bên ngoài khu cách ly vì không được hỗ trợ cấp thuốc điều trị bệnh mãn tính.
Khi nhắc tới hàng loạt vụ định tự tử tại Penny’s Bay, Giáo sư Paul Yip Siu-fai, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phòng chống Tự tử tại Đại học Hong Kong (HKU), cho biết: “Đó là phần nổi của vấn đề. Sức khỏe tâm thần nói chung là không tốt”.
Còn Tiến sĩ Judith Blaine, tác giả bài báo khoa học đầu tiên về tác động của đợt cách ly bắt buộc dài nhất thế giới vào năm 2021, cho biết cách ly kéo dài có tác động tiêu cực sâu sắc đến sức khỏe tinh thần của con người. Bà nói: “Ở Hong Kong, mọi người không được kiểm tra vấn đề sức khỏe tâm thần trước khi họ đi cách ly bắt buộc”.
Trong khi đó, tại Australia, những người dễ bị tổn thương hoặc những người có tình trạng sức khỏe tâm thần đều có chỗ cách ly riêng: căn hộ có cửa sổ mở, không có dao. Hàng ngày, nhân viên phụ trách sẽ gọi điện tới khu cách ly để kiểm tra và hỏi thăm người đang cách ly.
Giáo sư Yip kêu gọi hỗ trợ thêm cho những người dễ mắc phải các vấn đề sức khỏe tâm thần hoặc có ý định tự tử. Do các đường dây nóng trợ giúp ở Hong Kong đã quá tải, ông Yip đề nghị mở đường dây nóng thông qua nhắn tin.
Trước đó, trong đợt bùng phát SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) ở Hong Kong vào năm 2003, số vụ tự tử đã gia tăng. Các chuyên gia cho rằng chúng ta chưa thực sự hiểu được tác động tâm lý và xã hội của COVID-19.
Theo bà Blaine, ngoài COVID-19, tâm lý lo lắng vì xa gia đình khi phải đi cách ly ở Penny’s Bay khiến nhiều người tiềm ẩn nguy cơ tự tử rất cao.
Các chuyên gia lo lắng về vấn đề tâm thần ở những người phải cách ly trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở Hong Kong.
Hong Kong ghi nhận 55.353 ca mắc mới ngày 2/3, mức cao chưa từng có kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Trưởng Đặc khu, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết chính quyền thành phố sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo cung cấp thực phẩm tươi sống, nhu yếu phẩm hằng ngày cũng như đáp nhu cầu xã hội cho người dân.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga khẳng định Hong Kong sẽ thực hiện xét nghiệm bắt buộc toàn dân trong tháng 3, không phong tỏa toàn thành phố, nhưng sẽ thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu đáng kể dòng người lưu thông. Chính quyền Hong Kong sẽ cung cấp đầy đủ thông tin trước khi chính thức tiến hành xét nghiệm toàn dân. Bà đồng thời nhấn mạnh mọi hành động đều sẽ quan tâm đến vai trò Hong Kong là trung tâm tài chính quốc tế trong kết nối với thế giới, phải tính đến hoạt động của các thành phần kinh tế và tác động hằng ngày đối với người dân, kêu gọi công chúng không quá lo lắng.
Người đứng đầu chính quyền Đặc khu cũng thừa nhận rất khó ước tính Hong Kong sẽ ghi nhận bao nhiêu ca bệnh sau đợt xét nghiệm bắt buộc toàn dân. Số ca nhiễm mới được xác nhận ở Hong Kong đã lên tới hàng chục nghìn ca mỗi ngày. Trong thời gian tới, thành phố sẽ không có đủ chỗ cách ly cho bệnh nhân và người tiếp xúc gần, vì vậy các cơ quan chức năng sẽ phân chia và giải quyết hợp lý, hỗ trợ việc điều trị tại nhà.