Xác định vai trò, vị trí quan trọng của phát triển nông nghiệp là nền tảng, trụ đỡ để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội bền vững, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 20/01/2021 về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021-2025.
Trên cơ sở này, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành đồng bộ cơ chế, chính sách, đề án phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh có sự chuyển dịch tích cực, theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Giai đoạn vừa qua, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp tỉnh bình quân đạt 4,8%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước. Đến nay, tỉnh Yên Bái đã phát triển được một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh cao sản có quy mô lớn với 10 sản phẩm chủ lực và 10 sản phẩm đặc sản, hữu cơ. Tỉnh đã xây dựng, phát triển được 138 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (20 sản phẩm 4 sao, 118 sản phẩm 3 sao); độ che phủ rừng cao chiếm 63% diện tích tự nhiên của tỉnh, đứng thứ 4 toàn quốc.
Hiện, Yên Bái đã có 88/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 58,7% số xã trong tỉnh, đứng thứ 3/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc; có 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2020 tăng gấp 2 lần so với năm 2015.
Tại buổi làm việc, tỉnh Yên Bái kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ tỉnh trong việc xây dựng Đề án xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao của khu vực miền Bắc tại tỉnh Yên Bái. Đồng thời điều chỉnh, bổ sung chính sách đặc thù hỗ trợ các địa phương trong phát triển, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước; nghiên cứu, tham mưu với Trung ương hoàn thiện các chính sách hỗ trợ về phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch nông thôn gắn với nông nghiệp, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn….
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy khẳng định, phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; hỗ trợ phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực, lựa chọn các sản phẩm đa dạng, phù hợp với các vùng miền; hỗ trợ liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Các chính sách hỗ trợ của tỉnh đã góp phần tích cực trong thay đổi tư duy sản xuất của người nông từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp đỡ hỗ trợ thêm nguồn lực cho huyện vùng cao Mù Cang Chải trong xây dựng nông thôn mới để huyện không còn xã trắng về nông thôn mới; nghiên cứu, tham mưu với Trung ương hoàn thiện các chính sách hỗ trợ về phát triển du lịch nông thôn gắn với nông nghiệp, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với các vùng còn gặp nhiều khó khăn; trong đó có Yên Bái. Tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo để giúp đỡ các hộ nông dân; trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận nhanh với các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh; đẩy mạnh tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với phương châm "giảm chi phí, chế biến tinh, tăng chất lượng", tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, góp phần nâng cao thu nhập, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân.