Hai Nghị quyết trên của tỉnh Lạng Sơn tập trung vào các chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng; hỗ trợ phát triển thương hiệu mở rộng thị trường; hỗ trợ thành lập mới và đưa trí thức trẻ vào làm việc tại các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP; hỗ trợ đầu tư ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm kinh tế cao, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...
Sau 3 năm thực hiện các nghị quyết, tổng kinh phí mà tỉnh Lạng Sơn cân đối hỗ trợ đến nay là trên 38 tỷ đồng. Theo các cơ quan chuyên môn, các chính sách hỗ trợ trong nghị quyết là thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế địa phương và được nhiều sự quan tâm của các tổ chức cá nhân đầu tư dự án nông nghiệp.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn Phùng Thị Thanh Nga cho biết, trong thời gian thực hiện các nghị quyết, Sở đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức các cuộc họp rà soát các vướng mắc, qua đó tháo gỡ những khó khăn. Qua kiểm tra thực tế, các đơn vị đã chủ động tuyên truyền phố biến rộng rãi nghị quyết đến người dân và doanh nghiệp với nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau…
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn Lý Việt Hưng, các chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích đầu tư nông nghiệp, nông thôn đã dần đi vào cuộc sống và phù hợp với nhu cầu sản xuất. Đến nay đã có 18 trí thức trẻ ở 17 hợp tác xã được tỉnh phê duyệt hỗ trợ làm việc có thời hạn tại các hợp tác xã; có 20 chủ thể sản phẩm OCOP được hỗ trợ… Hiện đơn vị đang thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí thực hiện chứng nhận các sản phẩm chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic của 10 đơn vị, tổ chức của các huyện trong tỉnh.
Các cơ quan chuyên môn tỉnh Lạng Sơn cũng thẳng thắn đánh giá những tồn tại hạn chế khi triển khai các Nghị quyết hỗ trợ như vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân chưa tiếp cận được hết một số nhóm hỗ trợ; một số địa phương thẩm định hồ sơ còn nguyên tắc, cứng nhắc; các đối tượng thụ hưởng là Hợp tác xã, các hộ sản xuất quy mô nhỏ nên không có khả năng thực hiện hồ sơ thụ hưởng; việc lập hồ sơ đề xuất thụ hưởng và quy trình thủ tục còn gặp nhiều khó khăn…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh nhấn mạnh, mục tiêu của các nghị quyết là thu hút các nguồn lực đầu tư để phát triển, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung nâng cao giá trị nông sản của tỉnh, tạo động lực phát triển nông nghiệp nông thôn, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Chính vì vậy thời gian tới, các đơn vị có liên quan cần tập trung thực hiện tốt hơn việc tuyên truyền và triển khai sâu rộng có hiệu quả các nghị quyết đến những đối tượng được thụ hưởng; các địa phương thành lập các tổ giúp đỡ cấp xã để giải quyết những thủ tục, hồ sơ cho người dân và doanh nghiệp khi có nhu cầu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội cùng đồng hành với doanh nghiệp thu hút đầu tư, phát triển hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung. Các huyện, thành phố phải nâng cao năng lực,chất lượng thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cử cán bộ làm đầu mối tiếp nhận thông tin để hướng dẫn kịp thời các địa phương trong giải quyết khó khăn. Đặc biệt, Sở Xây dựng tỉnh Lạng Sơn sớm nghiên cứu hướng dẫn hồ sơ thủ tục thực hiện hưởng ưu đãi về đầu tư xây dựng công trình theo đúng quy định.