Tuổi trẻ sông Tiền khởi nghiệp - Bài cuối: Hệ sinh thái khởi nghiệp giúp doanh nghiệp trẻ phát triển bền vững

Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế để hình thành phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thời gian qua nhiều địa phương đã xây dựng hệ sinh thái gắn với phong trào khởi nghiệp. Từ đó, có sự hỗ trợ liên kết giữa các địa phương, các dự án khởi nghiệp sẽ có thị trường rộng lớn để kinh doanh, doanh nghiệp trẻ sẽ có dịp cọ xát, học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển.

Tạo môi trường khởi nghiệp thuận lợi

Chú thích ảnh
Chị Lê Ngọc Hiền (phường Trường An, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) khởi nghiệp với mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN

Chị Lê Ngọc Hiền (phường Trường An, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, hành trình khởi nghiệp của thanh niên hiện còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do khó tiếp cận các kênh ủng hộ, hỗ trợ của cơ quan nhà nước, chính quyền, đòi hỏi bản thân người khởi nghiệp phải luôn năng động và chịu khó tìm hướng tiếp cận phù hợp.

Theo chị Lê Ngọc Hiền, để hỗ trợ lâu dài cho thanh niên trong phong trào, các cấp, ngành cần có cách hỗ trợ phù hợp, chú trọng tiếp cận với những ý tưởng của các bạn trẻ và hướng dẫn để phát triển theo hướng phù hợp với thị trường và định hướng của tỉnh. Tỉnh cần quan tâm xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững cho thanh niên, trong đó nên phát vai trò của Đoàn Thanh niên. Đoàn nắm bắt những ý tưởng có khả năng hiện thực hóa để kịp thời cỗ vũ và hỗ trợ để thanh niên có thêm “lửa” để thực hiện. Ngoài ra, những thanh niên khởi nghiệp cần có sự liên kết với nhau, tạo nên môi trường khởi nghiệp sôi động có thể chia sẻ kinh nghiệm với nhau hoặc cùng hỗ trợ nhau trong tiêu thụ sản phẩm.

“Mình ấp ủ ý định xây dựng một chợ phiên để tiêu thụ sản phẩm của các bạn trẻ khởi nghiệp. Ở đó, sản phẩm được chắt lọc, là những mặt hàng uy tín, có chất lượng để cùng nhau đi tìm ra những phân khúc khách hàng tiềm năng của mình. Qua các phiên chợ, các bạn trẻ có thể học hỏi được những kinh nghiệm của nhau; đồng thời, cũng thấy được điểm mạnh, điểm yếu trong sản phẩm, hướng tiêu thụ của mình để thay đổi phù hợp với nhu cầu của thị trường, từ đó hướng đến sự phát triển lâu dài và bền vững" - chị Lê Ngọc Hiền chia sẻ.

Ông Hà Quốc Cường, Bí thư Tỉnh Đoàn Bến Tre cho hay, xuất phát điểm thanh niên địa phương thấp, do vậy khi bắt đầu, tỉnh tập trung cho thanh niên khởi nghiệp thoát nghèo. Bằng nhiều hình thức như hỗ trợ vốn, con giống, tập huấn kiến thức về khởi nghiệp để cho thanh niên biết vận dụng vào thực tiễn, sau đó từ nền tảng sẵn có chuyển qua giai đoạn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khi đó các bạn khởi nghiệp sẽ ít gặp rủi ro. Mặt khác, tỉnh thành lập không gian hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Bến Tre (Mekong Inovation Hub), tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh. Đây là điểm sinh hoạt chung của thanh niên khởi nghiệp trong tỉnh, hàng tuần tập hợp để chia sẻ nghiệm trong quá trình vận hành. Khi phát sinh những khó khăn của doanh nghiệp khởi nghiệp gặp phải, cần tháo gỡ vướng mắc, Tỉnh Đoàn sẽ mời các chuyên gia, các doanh nghiệp trong tỉnh chia sẻ kinh nghiệm để hỗ trợ các bạn khởi nghiệp trẻ vượt qua khó khăn. Với cách làm trên, thời gian qua, mặc dù dịch bệnh diễn biến phúc tạp gây ảnh hưởng đến hoạt động khởi nghiệp của các bạn trẻ, các bạn khởi nghiệp đã có sự hỗ trợ qua lại , từ đó vượt qua khó khăn không để doanh nghiệp khởi nghiệp nào phải giải thể.

Bên cạnh hoạt động hỗ trợ nhau trong tỉnh, Tỉnh Đoàn còn phối hợp với các tỉnh trong khu vực, tổ chức hoạt động chung hỗ trợ khởi nghiệp, tổ chức các phiên chợ chung để giới thiệu sản phẩm; đặt các sản phẩm khởi nghiệp của Bến Tre tại các tỉnh và các tỉnh có sản phẩm khởi nghiệp tại tỉnh để thanh niên khởi nghiệp có dịp giao lưu học hỏi giới thiệu sản phẩm, để tiêu thụ sản phẩm của nhau, sẵn sàng hỗ trợ nhau khi gặp khó khăn.

Tại Đồng Tháp, địa phương đã tạo điều kiện, cơ hội giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các hoạt động, chuỗi sự kiện như: Phiên chợ Nông sản an toàn; mỗi xã một sản phẩm; hội chợ, triển lãm ngoài tỉnh và ở nước ngoài; thành lập các trung tâm giới thiệu hàng hóa ở các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội; ký kết giao thương với các hệ thống siêu thị lớn; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp từ ý tưởng, phát triển sản phẩm, thành lập doanh nghiệp, đăng ký nhãn hiệu, nâng chất lượng, cải tiến bao bì,… cùng các kỹ năng lãnh đạo, quản lý, quản trị, kỹ năng bán hàng, tiếp thị, quảng bá…

Chính từ sự hỗ trợ của các nguồn lực bên ngoài, cùng nội lực bên trong đã giúp lực lượng thanh niên khởi nghiệp Đất Sen hồng dần thể hiện sự tự tin hơn, mạnh mẽ hơn, sáng tạo hơn trong cách nghĩ, cách làm. Các sản phẩm ngày càng được hoàn thiện từ chất lượng đến mẫu mã, bao bì; từng bước mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư đổi mới và mở rộng thị trường; mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn từ nguồn tài nguyên bản địa. Theo đó, giai đoạn năm 2018 - 2020, Đồng Tháp có 161 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao; trong đó, ghi nhận nhiều sản phẩm OCOP được chuẩn hóa, hoàn thiện từ các sản phẩm khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp

Chú thích ảnh
Anh Phan Nhựt Thanh ở xã Tường Lộc, huyện Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long) đã tự tích lũy vốn và kinh nghiệm để tìm đến con đường hiện thực hóa giấc mơ làm nông nghiệp "sạch". Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, mối quan tâm hàng đầu của tỉnh là việc hình thành một cộng đồng khởi nghiệp năng động. Cộng đồng này được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp dẫn đầu, doanh nghiệp khởi nghiệp tiêu biểu, với tinh thần chào đón, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp mới cùng tham gia. Bên cạnh đó, Đồng Tháp quan tâm đến việc phát huy tài nguyên bản địa, tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường; từ những sản phẩm có tiềm năng, sẽ áp dụng những công nghệ mới, những mô hình quản trị mới, thích ứng với cuộc cách mạng số.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, khởi nghiệp không chỉ là chuyện của doanh nghiệp mà là chuyện của địa phương với phương châm "bước qua rào cản tư duy nhiệm kỳ, chính quyền các cấp cần là cầu nối để đồng hành cùng các dự án khởi nghiệp". Câu chuyện khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp là cả một quá trình, làm sao tạo ra sự lan toả nhưng đảm bảo tính kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đảm bảo dự án khởi nghiệp không phải lủi thủi, đơn thương độc mã trên thương trường, đó chính là định hướng phát triển chiều sâu mà tỉnh đã và đang thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho hay, tỉnh đang mở cửa đón làn sóng khởi nghiệp của thanh niên, do đó sẽ tiếp tục có những chính sách, hoạt động cụ thể hỗ trợ cho phong trào này phát triển bền vững. Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng đồng hành với thanh niên, tích cực triển khai các chủ chương, chính sách, cơ chế về hỗ trợ phong trào khởi nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ thanh niên tiếp cận nguồn vốn và các chính sách khởi nghiệp; các ngành phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội duy trì và phát triển có hiệu quả các dự án khởi nghiệp đoạt giải, có khả năng sinh lợi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền, để phong trào khởi nghiệp thật sự bền vững rất cần sự nỗ lực của bản thân thanh niên. Các bạn trẻ phải có ý tưởng, dám đương đầu với khó khăn và chấp nhận những thất bại, đặc biệt phải có đam mê và sáng tạo để luôn bắt nhịp được thị trường đang cần gì và đáp ứng được những gì thị trường cần; đồng thời tạo mối gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo nên cộng đồng khởi nghiệp bền vững.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Khởi nghiệp tỉnh Bến Tre Phan Văn Mãi cho rằng, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn, Hội đã vào cuộc đồng bộ, quyết liệt để triển khai chương trình đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp của Tỉnh ủy bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Nhận thức của cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên về khởi nghiệp ngày càng đầy đủ và tích cực hơn; tinh thần khởi nghiệp đã được khơi dậy mạnh mẽ. Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo gắn với tài nguyên bản địa, ứng dụng khoa học công nghệ, gắn thị trường. Ngoài ra, hoạt động khởi nghiệp đã góp phần làm mới phong trào thanh niên, nâng cao vị thế tổ chức Đoàn, góp phần phát triển kinh tế xã hội trên quê hương “Xứ Dừa”.

Để hoạt động khởi nghiệp ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, các bạn thanh niên tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp gắn với xây dựng thái độ khởi nghiệp nghiêm túc, chuẩn bị bài bản - khởi nghiệp chuyên nghiệp; cùng với đó, tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để xây dựng các mô hình khởi nghiệp phù hợp. Để định hướng và quy tụ thanh niên khởi nghiệp bằng nhiều phương thức; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tiếp cận các cơ chế chính sách.

Ngoài ra, các doanh nghiệp khởi nghiệp tiên phong và các doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ cần có sự kết nối chia sẻ, để hỗ trợ tài lực, vật lực giúp các bạn trẻ khởi nghiệp vượt qua khó khăn. Các doanh nghiệp cùng nhau chung tay xây dựng hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp tại các tỉnh, từ đó tham gia kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp cho toàn vùng, toàn khu vực, tạo nền móng vững chắc cho thanh niên khởi nghiệp bền vững trong tương lai.

Phúc Hậu - Thúy Hằng - Chương Đài (TTXVN)
Tuổi trẻ sông Tiền khởi nghiệp - Bài 1: Khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương
Tuổi trẻ sông Tiền khởi nghiệp - Bài 1: Khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương

Phát huy tinh thần xung kích, tự thân lập nghiệp tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, thanh niên sông Tiền đã làm chủ bản thân, đồng lòng khởi nghiệp đóng góp công sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN