Tuổi trẻ sông Tiền khởi nghiệp - Bài 1: Khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương

Phát huy tinh thần xung kích, tự thân lập nghiệp tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, thanh niên sông Tiền đã làm chủ bản thân, đồng lòng khởi nghiệp đóng góp công sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Chú thích ảnh
Chị Lê Ngọc Hiền (ngoài cùng, bên trái) một trong nhiều thanh niên tỉnh Vĩnh Long đã lựa chọn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để khởi nghiệp và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế tích cực. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN

Với niềm đam mê, quyết tâm khởi nghiệp cùng sự sáng tạo, các bạn trẻ đã mạnh dạn chọn con đường khởi nghiệp bằng cách tạo nên những giá trị mới cho các sản phẩm mình làm ra, đa dạng hóa các kênh tiêu thụ để đem lại hiệu quả kinh tế cao, được thị trường đón nhận. Nhiều mô hình khởi nghiệp sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực tại tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Những điểm sáng khởi nghiệp

Bằng những tài nguyên sẵn có và ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, các bạn thanh niên đã mạnh dạn sáng tạo, dám nghĩ, dám làm tạo bước đi vững chắc trên thương trường khởi nghiệp. Nhiều mô hình khởi nghiệp hiệu quả được các bạn thanh niên học hỏi, áp dụng và nhân rộng.

Mạnh dạn từ bỏ công việc ổn định tại một doanh nghiệp, chị Lê Thị Huế My xã Hữu Định, huyện Châu Thành (Bến Tre) cùng chồng về quê mở xưởng sản xuất chế tạo các dòng máy chạm gỗ, máy tiện gỗ công nghệ tự động hóa (CNC: Computer Numberial Control), máy khắc lazer và cung cấp, lắp đặt thiết bị tự động. Không dừng lại ở việc chế tạo máy, chị Huế My còn ứng dụng các sản phẩm máy móc do tự mình làm ra để làm ra sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gáo dừa. 

Chị Huế My cho hay, gáo dừa là một phế phẩm từ trái dừa nhưng đây là vật liệu bền, chắc, dùng làm đổ mỹ nghệ rất đẹp, và làm các vật dụng dùng hàng ngày để thay thế các sản phẩm làm từ nhựa, kim loại, gốm… Sau 3 năm khởi nghiệp, đến nay, chị Huế My đã có 7 nhóm sản phẩm chính từ gáo dừa với hàng trăm sản phẩm khác nhau như: Bộ vật dụng dùng trong nhà bếp (dao, nĩa…), bộ vật dụng dùng trong bàn ăn (chén cơm, tô, đũa…), bộ vật dụng trang trí… Mỗi năm, chị xuất bán hơn 700.000 sản phẩm các loại, đến thị trường ngoài nước (châu Âu, Mỹ…) chiếm từ 70 - 80%. 

Để có đủ nguồn hàng, chị liên kết với các cơ sở gia công sản phẩm theo thiết kế, chuyển giao máy móc để các cơ sở sử dụng làm ra các sản phẩm nhanh hơn, chất lượng ổn định, đáp ứng yêu cầu thị trường. Chị Huế My chia sẻ, tận dụng tốt các tài nguyên bản địa, kết hợp sáng tạo ứng dụng khoa học kỹ thuật sẽ tạo nền tảng vững chắc để khởi nghiệp thành công hơn.

Nắm bắt nhu cầu thị trường đang có nhu cầu sử dụng nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, chị Lê Ngọc Hiền (phường Trường An, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) đã quyết định khởi nghiệp với mô hình trồng dưa lưới trong nhà màn. Đam mê làm nông nghiệp sạch, chị từng bước chinh phục các kỹ thuật ươm giống, chăm sóc dưa và đề ra ý tưởng tiêu thụ sản phẩm. Mỗi năm, vườn dưa lưới sản xuất 4 vụ, mỗi vụ thu hoạch hơn 5 tấn trái, đem lại lợi nhuận hơn 150 triệu đồng/năm.

Sau hơn 2 năm khởi nghiệp, chị Lê Ngọc Hiền đã trải qua không ít thất bại nhưng vẫn quyết tâm theo đuổi tư duy giữ vững giá trị cho sản phẩm. Chị đã linh động thay đổi và phát triển mô hình theo hướng làm nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch trải nghiệm để đáp ứng nhu cầu thị trường, từ đó tạo ra được những giá trị mới, con đường tiêu thụ mới cho những sản phẩm làm ra.

Để tạo điểm nhấn cho du khách khi đến tham quan vườn, chị đã tích cực chuẩn bị không gian bên trong và ngoài vườn, mở một quán nhỏ với các tiểu cảnh sinh động để khách tham quan có nơi dừng chân nghỉ ngơi. Tại đây, khách tham quan có nhu cầu tìm hiểu về kỹ thuật trồng các loại cây theo hướng nông nghiệp công nghệ cao đều được chị hướng dẫn tận tình. Khách có thể mua các loại nông sản và thưởng thức ngay tại vườn, dùng những món nước ép từ nguồn nguyên liệu sẵn có, chụp ảnh lưu niệm và thư giãn sau thời gian làm việc căng thẳng. 

Chị Lê Ngọc Hiền chia sẻ, để tạo gắn kết giữa người bán và người mua, chị chọn con đường không chỉ bán sản phẩm mà là bán câu chuyện, bán thương hiệu. Tất cả sản phẩm bán ra đều có câu chuyện về dòng đời, về quy trình sản xuất và đều gắn với thương hiệu nên người tiêu dùng vẫn chọn mua dù giá cao hơn giá thị trường.

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, Nguyễn Văn Trí, 28 tuổi, ở ấp An Thạnh, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đồng Tháp đã từ bỏ công việc làm thuê ở đất Mỹ Tho, Tiền Giang và "bén duyên" với những con ốc bươu đen, xây dựng thành công mô hình nuôi ốc tại xã An Nhơn, mỗi năm thu về cả trăm triệu đồng. 

Trí kể, năm 2019, hành trình lập thân, lập nghiệp của anh bắt đầu từ 0,5 kg trứng được mua ở Vĩnh Long. Vì chưa có kinh nghiệm trong kỹ thuật ấp giống, lúc đầu thất bại, sau nhiều lần nghiên cứu, học hỏi các nơi, Nguyễn Văn Trí đã thành công với mô hình nuôi ốc của mình. Là người tiên phong khởi nghiệp từ con ốc tại xã An Nhơn, nhưng anh không giữ "độc quyền" và sẵn sàng cung ứng nguồn giống, đồng thời thu mua ốc thương phẩm tạo đầu ra cho người nuôi ốc tại địa phương, nhất là thanh niên tại địa bàn chưa có việc làm ổn định. Thế là, "Tổ hợp tác nuôi ốc thương phẩm" trên địa bàn xã ra đời vào tháng 9/2020. Lúc đầu, tổ hợp tác chỉ có 4 thanh viên tham gia, đến cuối tháng 3, số lượng thành viên đã lên con số 24 người. Hằng ngày, Trí thu mua ốc thương phẩm từ các thành viên tổ hợp tác để cung cấp cho các thị trường như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,…

Chị Nguyễn Thị Hồng Muội, Bí thư Huyện Đoàn Châu Thành (Đồng Tháp) cho biết, đây là một trong các mô hình khởi nghiệp có hiệu quả trên địa bàn huyện. Mặc dù quy mô còn khiêm tốn nhưng đối với một địa phương thuần nông nghiệp như Châu Thành, đây chính là cách để giúp thanh niên nông thôn có việc làm, từng bước xây dựng kinh tế cho bản thân, gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp

Tại Vĩnh Long, phát huy vai trò đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp, Đoàn Thanh niên các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, phổ biến kiến thức về khởi nghiệp cho thanh niên, hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho thanh niên được gần 60 mô hình với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Đoàn Thanh niên phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tổ chức cho Đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên vay vốn học tập, lao động sản xuất với tổng dư nợ ủy thác của Đoàn đạt trên 172 tỷ đồng. Cùng với đó, các cấp bộ Đoàn còn tích cực cỗ vũ tinh thần đổi mới, sáng tạo trong đoàn viên, thanh niên thông qua việc phát triển các ý tưởng, dự án, triển khai Cuộc vận động "Mỗi thanh niên một ý tưởng, sáng kiến"; tổ chức Liên hoan "Tuổi trẻ sáng tạo"… 

Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Long Nguyễn Huỳnh Thu chia sẻ, thời gian tới, các cấp bộ đoàn tiếp tục thực hiện hoạt động hỗ trợ thanh niên, nhất là thanh niên các địa phương vùng sâu, vùng xa tham gia khởi nghiệp, từng nơi nghiên cứu cách hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của thanh niên, tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối và đồng hành với thanh niên trong quá trình lập thân, lập nghiệp.

Theo Bí thư Tỉnh Đoàn Đồng Tháp Huỳnh Minh Thức, để hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp thuận lợi, Tỉnh Đoàn hỗ trợ thanh niên tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế và khởi nghiệp, nguồn vốn vay giải quyết việc làm kênh Trung ương Đoàn, với tổng số tiền vay các dự án là hơn 2,8 tỷ đồng; 14 dự án trong hạn hoạt động hiệu quả, hỗ trợ cho trên 150 thanh niên, giúp thanh niên có vốn sản xuất, kinh doanh… Tổng dư nợ nhận ủy thác qua Ngân hàng Chính sách do Đoàn Thanh niên quản lý hơn 700 tỷ đồng, với trên 31.000 hộ vay tại 692 tổ tiết kiệm và vay vốn góp phần giúp thanh niên vốn sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lao động, học tập.  

Bí thư Tỉnh Đoàn Đồng Tháp cho hay, trong phong trào khởi nghiệp nhiều thanh niên có tâm lý nghi ngại, sợ thất bại nên chưa mạnh dạn khởi nghiệp; việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ vào trong các mô hình sản xuất, kinh doanh chưa nhiều để tạo ra những sự khác biệt về sản phẩm…Do vậy, để tạo môi trường khởi nghiệp thuận lợi cho thanh niên, các ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp tăng cường hỗ trợ đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp; tạo kết nối với các chuyên gia, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế để tư vấn, hỗ trợ, định hướng hoàn thiện dự án, kết nối với các kênh tiêu thụ cho sản phẩm khởi nghiệp của thanh thiếu niên. Mặt khác, địa phương xây dựng mạng lưới liên kết giữa các doanh nghiệp với tinh thần hỗ trợ, chia sẻ để doanh nghiệp lớn đi trước giúp đỡ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới khởi nghiệp.

Bí thư Tỉnh Đoàn Bến Tre Hà Quốc Cường cho biết, cụ thể hóa Chương trình số 10 của Tỉnh ủy Bến Tre về "Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp ", Tỉnh Đoàn triển khai chương trình đến tất cả thanh niên tại địa phương, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho thanh niên phát triển các ý tưởng khởi nghiệp của mình. Bên cạnh đó,Tỉnh Đoàn tổ chức các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, từ đó có dịp cọ xát các ý tưởng gặp gỡ các chuyên gia để hoàn thiện ý tưởng dự án khởi nghiệp; đồng thời, kết nối với các nhà đầu tư, các nguồn quỹ khởi nghiệp để hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên.

Từ năm 2014 đến nay, Tỉnh Đoàn đã hỗ trợ cho 32 dự án từ nguồn vốn Chương trình khởi nghiệp, lập nghiệp cho thanh niên nông thôn hơn 625 triệu đồng; giải ngân 1,45 tỷ đồng từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho thanh niên có vốn phát triển kinh tế. Các huyện, thành phố hỗ trợ vốn, đào tạo kỹ năng cho 1.230 dự án, ý tưởng với tổng số tiền 19,26 tỷ đồng.

Qua 5 năm triển khai thực hiện, Bến Tre đã tạo được cộng đồng khởi nghiệp trong thanh niên. Các nhóm thanh niên khởi nghiệp tốt thành công thành lập Câu lạc bộ Khởi nghiệp tiên phong tỉnh Bến Tre có 31 thành viên là các doanh nghiệp trẻ; doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp.

Đến nay, mạng lưới Câu lạc bộ Khởi nghiệp Tiên phong được hình thành tại 9/9 huyện, thành phố và đang hướng đến việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp tiên phong trong toàn tỉnh. Các thành viên khởi nghiệp hiệu quả sẽ hỗ trợ tích cực cho các bạn thanh niên đang có ý tưởng khởi nghiệp và muốn khởi nghiệp trong tương lai.

Bài cuối: Hệ sinh thái khởi nghiệp giúp doanh nghiệp trẻ phát triển bền vững

Phúc Hậu - Thúy Hằng - Chương Đài (TTXVN)
Lan toả tinh thần thanh niên khởi nghiệp
Lan toả tinh thần thanh niên khởi nghiệp

Khởi nghiệp không chỉ là con đường chinh phục ước mơ của thanh niên Việt Nam mà còn là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và hiện thực hóa khát vọng lớn của dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN