Điển hình là anh Tặng Văn Sinh (người dân tộc Dao), Bí thư Chi đoàn bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện biên giới Mường Lát và chị Lê Thị Vân, Bí thư Chi đoàn khu phố 1, thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân. Đây là những cán bộ đoàn gương mẫu, luôn đi đầu trong phát triển kinh tế, góp phần đưa phong trào khởi nghiệp ngày càng phát triển hơn.
Anh Tặng Văn Sinh, bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện biên giới Mường Lát đã chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình. Sinh ra trong gia đình nghèo tại khu vực biên giới, anh Sinh sớm chịu nhiều vất vả. Tốt nghiệp Trường Trung học Phổ thông Mường Lát, anh đã đi làm thuê khắp nơi để mưu sinh, nhưng vẫn không đủ tiền lo cho gia đình.
Năm 2016, anh quyết định về quê lập nghiệp, qua sự tư vấn của gia đình và bạn bè, anh đã xây dựng mô hình trang trại tổng hợp, trồng cây cây xoan, lát, bưởi, nuôi thêm lợn, gà, vịt. Đến năm 2018, anh Sinh nhận thấy ở khu vực biên giới ít người trồng cây quýt đường, nếu thực hiện sẽ có khả năng thành công và cung cấp ra địa bàn huyện sản phẩm quýt an toàn. Anh mạnh dạn vay vốn để mua 200 cây quýt đường về trồng, kết hợp trồng rừng, chăn nuôi. Đến nay, trang trại của anh đã có 450 cây quýt đường, gần 2 ha rừng trồng cây xoan và lát, gần 20 con lợn, 100 con gà, 2 sào ruộng… Đến nay, thu nhập bình quân của gia đình anh đạt khoảng 70 triệu đồng/năm.
Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Tặng Văn Sinh còn là một Bí thư Chi đoàn năng nổ trong các hoạt động đoàn của xã. Anh thường xuyên cùng đoàn xã tham gia tập hợp thanh niên trong bản để dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm, đóng góp nhiều ngày công vào chương trình xây dựng nông thôn mới.
Anh Lâu Văn Phía, Bí thư Huyện Đoàn Mường Lát cho biết, địa bàn huyện Mường Lát có khoảng trên 20 mô hình phát triển kinh tế do đoàn viên, thanh niên làm chủ, trong đó có mô hình của anh Tặng Văn Sinh đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Sinh còn hướng dẫn nhiều thanh niên khác khởi nghiệp.Thời gian tới, Huyện Đoàn Mường Lát tiếp tục hỗ trợ tối đa cho các đoàn viên, thanh niên thực hiện các mô hình phát triển kinh tế mới, đặc biệt là mô hình Bí thư Chi đoàn tiên phong khởi nghiệp tại các thôn, bản có các thanh niên người dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái sinh sống.
Cũng là người đi đầu trong phong trào khởi nghiệp tại địa phương, chị Lê Thị Vân, khu phố 1, thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Hồng Đức đã xin vào làm tại Văn phòng Tập đoàn NETAFIM (Israel) tại Việt Nam, chuyên về công nghệ cao. Năm 2017, chị quyết định về quê lập nghiệp, vay vốn người thân để xây dựng mô hình chuyển giao kỹ thuật, cung cấp thiết bị nông nghiệp công nghệ cao. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, được sự động viên, giúp đỡ của gia đình, chị đã xây dựng được một cơ sở chuyển giao công nghệ, cung cấp thiết bị công nghệ cao (thi công nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới, cung cấp vật tư sản xuất) và chuyển giao khoa học kỹ thuật mới cho nông dân phát triển kinh tế.
Năm 2019, mô hình chuyển giao kỹ thuật, cung cấp thiết bị nông nghiệp công nghệ cao của chị Lê Thị Vân ngày càng phát triển. Nhiều người dân, doanh nghiệp ở các tỉnh, thành như Phú Thọ, Hà Nội, Vĩnh Long đã đến mua thiết bị và nhận chuyển giao công nghệ. Chị đã thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ Nông nghiệp công nghệ cao RICH FARM, đảm nhận thiết kế, thi công nhà kính, nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, phun công nghệ cao cho cây trồng và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Công ty của chị hiện thu nhập đạt 1,2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho gần 40 lao động với mức lương 7-10 triệu đồng/người/tháng. Mô hình chuyển giao kỹ thuật, cung cấp thiết bị nông nghiệp công nghệ cao của chị đã đoạt Giải 3 cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên" lần thứ 5, năm 2019 do Tỉnh Đoàn Thanh Hóa phát động. Đặc biệt, trong năm 2020, chị Vân vinh dự là một trong những thanh niên tiêu biểu nhận Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng.
Với vai trò Bí thư Chi đoàn phố 1, thị trấn Sao Vàng, chị Lê Thị Vân luôn chia sẻ, động viên, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn; ủng hộ kinh phí cho Đoàn thị trấn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cho thiếu niên, nhi đồng hàng năm; tài trợ xây công trình hệ thống tưới cho Đoàn thị trấn... Đặc biệt, chị Lê Thị Vân đã tích cực tham gia vận động người dân phòng, chống dịch COVID-19...
Theo thống kê của Tỉnh đoàn Thanh Hóa, tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.200 mô hình Bí thư Chi đoàn tiên phong khởi nghiệp, nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các Bí thư Chi đoàn làm kinh tế đã thành công, sau đó hướng dẫn lại cách làm cho các thanh niên khác trên địa bàn để cùng vươn lên thoát nghèo.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh Đoàn Thanh Hóa Hoàng Văn Thanh cho biết: Xác định khởi nghiệp, lập nghiệp là vấn đề trọng tâm của công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nên Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt quỹ tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp với nguồn vốn là 50 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội, các ngân hàng thương mại để có thêm nguồn lực giúp các Bí thư Chi đoàn tiếp cận vốn vay. Bên cạnh đó, Tỉnh Đoàn Thanh Hóa đã tổ chức 7 cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên. Nhờ đó, nhiều mô hình kinh tế mới, cách làm hay của các Bí thư Chi đoàn và thanh niên đã xuất hiện, từ đó có thể nhân rộng ra địa bàn.
Thời gian tới, Tỉnh Đoàn Thanh Hóa sẽ tiếp tục tham mưu với cấp ủy chính quyền để có thêm nguồn vốn hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trên toàn tỉnh quan tâm, tổ chức các diễn đàn, lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật, nâng cao chất lượng mô hình, qua đó giúp các Bí thư Chi đoàn và thanh niên có thêm nghị lực vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.