Anh Nguyễn Quốc Phong chăm sóc đàn bò của gia đình. |
Năm 2017, anh Phong là một trong những nhà nông trẻ xuất sắc của cả nước vinh dự nhận Giải thưởng Lương Định Của do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng.
Anh Phong sinh ra và lớn lên ở vùng quê ấp Cây Gòn, xã Hiếu Trung, huyện Tiểu Cần (tỉnh Trà Vinh), trong một gia đình thuần nông. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Lương thực thực phẩm và thuỷ sản ở Vĩnh Long năm 2004, anh xin vào làm việc tại Công ty Chế biến cá đóng hộp tỉnh Tiền Giang. Tuy công việc ổn định nhưng anh vẫn đau đáu ước mơ được lập nghiệp và làm giàu trên mảnh đất quê nhà. Tuổi thơ vốn gắn bó với mảnh vườn, thửa ruộng nên anh luôn suy nghĩ làm thế nào để nông dân quê mình đỡ vất vả, thu nhập cao hơn, thanh niên địa phương có thể sống được với nghề nông, không phải thoát ly tha hương kiếm sống. Năm 2007, anh quyết định về quê và lập nghiệp trên mảnh ruộng của gia đình với nhiều ấp ủ.
Những ngày đầu về quê, vợ chồng anh được cha mẹ cho một căn nhà và 4,5 công đất canh tác (1 công=1.000m2). Với ít kiến thức có được từ lúc học Trung học nghề ở Vĩnh Long và tìm hiểu thông tin qua báo đài, tài liệu nông nghiệp, anh Phong quyết định dùng số tiền dành dụm được đầu tư xây dựng chuồng nuôi 20 con lợn nái trong lồng sắt – một mô hình khá mới mẻ tại địa phương lúc đó. Đàn lợn phát triển khá tốt, lứa sinh sản đầu tiên đã đem về lợi nhuận cho gia đình anh gần 100 triệu đồng. Từ số tiền ấy, anh đầu tư nuôi lợn thịt và nhân đàn lên thành 100 con. Duy trì đàn lợn nái 20 và đàn lợn thịt 100 con, hàng năm anh xuất bán 3 đợt, thu lãi khoảng 500 triệu đồng.
Không chỉ thành công từ mô hình nuôi lợn, anh Phong còn trồng lúa rất giỏi. Với bản tính cần cù, thông minh, ham học hỏi, anh Phong đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng giống lúa chất lượng cao và tham gia cánh đồng lớn nên năng suất lúa đạt rất cao. Vụ lúa Đông Xuân vừa qua, năng suất ruộng lúa gia đình anh đạt 8 tấn/ha, cao hơn năng suất bình quân chung của toàn tỉnh hơn 2 tấn/ha. Hiện thương lái đã đặt mua toàn bộ diện tích với giá 6.000 đồng/kg. Mỗi năm, ruộng lúa của gia đình anh cho lợi nhuận không dưới 50 triệu đồng.
Cuối năm 2016, khi nguồn thu nhập từ đàn lợn không còn nhiều như trước, anh Phong chủ động tìm hiểu, học tập các mô hình nông dân sản xuất giỏi thông qua các buổi hội thảo, tham quan do Xã Đoàn Hiếu Trung tổ chức để tìm cho mình hướng đi mới. Vẫn duy trì đàn lợn nái nhưng năm 2017, anh nuôi thêm 2.000 con gà theo mô hình đệm lót sinh học và 3.000 con lươn theo hình thức nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt.
Anh Nguyễn Quốc Phong chăm sóc ruộng lúa sắp thu hoạch của gia đình. |
Để tăng sức đề kháng cho đàn gà và lươn, anh Phong nuôi 3 con bò sinh sản, dùng phân bò để nuôi trùn quế làm nguồn thức ăn cho gà và lươn. Theo anh Phong, ngoài việc tiết kiệm đáng kể chi phí thức ăn cho đàn vật nuôi, trùn quế có hàm lượng dinh dưỡng rất cao nên giúp đàn gà và lươn phát triển khá tốt, hạn chế được dịch bệnh, nhờ vậy tỷ lệ hao hụt rất ít. Từ lúc bắt đầu nuôi đến nay anh Phong đã xuất bán 1 đợt lươn thương phẩm, thu lãi 32 triệu đồng và 3 đợt gà thịt, lãi gần 100 triệu đồng. Anh Phong cho biết, thị trường đầu ra của lươn thương phẩm tương đối ổn định nên thời gian tới sẽ mở rộng diện tích nuôi. Khó khăn nhất hiện nay là nguồn luơn giống phải đặt mua ở tỉnh Vĩnh Long nhưng không có sẵn nên khá khan hiếm.
Anh Nguyễn Quốc Nhiệm - Bí thư Xã Đoàn Hiếu Trung nhận xét: Tuy trẻ tuổi nhưng anh Phong rất chịu khó nghiên cứu và tâm huyết với nghề nông. Với tố chất cần cù, thông minh, khả năng nắm bắt tiến bộ khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường nhanh nhạy nên các mô hình sản xuất của anh luôn mang lại hiệu quả khá cao, làm tấm gương sáng để những nhà nông trẻ ở địa phương học tập và làm theo. Điều đáng quý nhất ở anh Nguyễn Quốc Phong là khi sản xuất hiệu quả, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật cho nông dân địa phương, nhất là những nhà nông trẻ.
Với vai trò Phó Bí thư Chi đoàn ấp, từ thành công của bản thân, thời gian qua, anh Nguyễn Quốc Phong đã hỗ trợ nhiều đoàn viên trong Chi đoàn ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, giúp đoàn viên trong ấp tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất. Nhờ vậy, thu nhập của đoàn viên trong ấp được nâng cao, nhiều thanh niên trên địa bàn đã “sống” được với nghề nông, không phải bỏ quê mưu sinh như trước.
Gia đình anh Thạch Dương Khang, đoàn viên ấp Cây Gòn, là hộ Khmer nghèo nhiều năm ở xã Hiếu Trung. Anh Khang chia sẻ, tuy bản thân là thanh niên nhưng phải nuôi bà ngoại già yếu nên dù làm thuê làm mướn vất vả vẫn luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau. Năm 2015, nhờ được anh Phong tận tình hướng dẫn kỹ thuật và truyền đạt kinh nghiệm trong nuôi gà bằng đệm lót sinh học và nuôi lợn nái, gia đình tôi đã chăn nuôi đạt hiệu quả và thoát nghèo vào năm 2016.
Anh Nguyễn Quốc Phong (trái) nhận Giải thưởng Lương Đình Của. |
Năng nổ và nhiệt tình, năm 2015, các đoàn viên trong ấp đã tín nhiệm bầu anh Phong làm Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi gồm 12 thành viên. Anh Nguyễn Quốc Phong thường xuyên duy trì các buổi họp với thành viên trong tổ và nông dân trong ấp để chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cùng giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Nhiều thành viên trong tổ đã học hỏi, triển khai nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt theo mô hình của anh Nguyễn Quốc Phong đạt hiệu quả.
Nói về anh Nguyễn Quốc Phong, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Trà Vinh Lâm Hữu Phúc cho biết: Anh Phong là niềm tự hào của thanh niên tỉnh Trà Vinh trên con đường lập thân, lập nghiệp. Ngoài thành tích tiêu biểu trong lao động, sản xuất, anh còn đóng góp tích cực vào hoạt động Đoàn, Hội ở địa phương. Bản thân anh luôn phát huy tinh thần xung kích của thanh niên, năng động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, những mô hình sản xuất hiệu quả của anh Phong đã có sức lan tỏa và được nhân rộng. Đây là động lực để thanh niên huyện Tiểu Cần phấn đấu lao động, sản xuất, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện xây dựng thành công huyện nông thôn mới trong năm 2018.