Tây Bắc ghi ơn những người con trung hiếu

Vùng Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là căn cứ địa cách mạng, an toàn khu của các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược. Trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, với tinh thần “Tây Bắc vì cả nước, cả nước vì Tây Bắc”, quân và dân các dân tộc Tây Bắc đã có nhiều đóng góp, hy sinh để đất nước nở hoa độc lập.

Hành trình tri ân

Những năm qua, việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã trở thành nghĩa vụ, trách nhiệm, niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của toàn dân. Phát huy truyền thống ấy, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. Nhờ đó, cuộc sống của người có công đã không ngừng được cải thiện. Chúng tôi về xã Đồng Tâm - xã điển hình của huyện Lạc Thủy về phong trào xã hội hóa công tác chăm sóc người có công vào một ngày trung tuần tháng 7. Ông Đỗ Đức Tuyển, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết: Hiện xã có 140 đối tượng chính sách; trong đó 13 liệt sỹ, 24 thương binh, 14 bệnh binh, 3 người bị địch bắt tù đày, 37 người hưởng chế độ chất độc da cam và 48 gia đình hưởng chế độ thờ cúng.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc thăm hỏi và tặng quà gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Đoàn Thị Diệp (TP Sơn La, tỉnh Sơn La, chiều 16/7).

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã luôn quan tâm đến công tác chăm sóc gia đình chính sách, người có công. Hàng năm, mỗi dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, xã Đồng Tâm đều tổ chức những hoạt động tri ân như tu sửa bia mộ, nghĩa trang liệt sỹ, tổ chức gặp mặt, tặng quà... Để tổ chức các hoạt động trên, ngoài nguồn quỹ "Đền ơn đáp nghĩa” của xã, công tác vận động, xã hội hóa được xã Đồng Tâm thực hiện một cách hiệu quả. Hàng năm, xã đều đạt trên 90% gia đình và các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức đứng chân trên địa bàn tham gia ủng hộ quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa”.

Với số tiền vận động quyên góp, xã Đồng Tâm đã giúp đỡ gia đình thương binh Vũ Đức Nụ ở thôn Tam Tòa tu sửa, nâng cấp nhà ở; phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự huyện Lạc Thủy và các cơ quan, đơn vị xây dựng nhà tình nghĩa tặng bà Nguyễn Thị Diễm, vợ liệt sỹ ở thôn Đồng Nhất với số tiền hơn 80 triệu đồng. Xã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của huyện chăm sóc vườn cây tình nghĩa cho các gia đình chính sách như gia đình thương binh, nạn nhân chất độc da cam điôxin Trần Văn Tiện ở thôn Đồng Thắng; gia đình thương binh nặng Ngô Văn Hội ở thôn Đồng Tiến... Do vậy, xã Đồng Tâm đã xóa được hộ nghèo thuộc diện chính sách, thương binh, liệt sỹ từ nhiều năm qua. Hiện nay, 100% hộ chính sách, thương binh, liệt sỹ ở xã Đồng Tâm đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân chung cả xã.

Tại xã Liên Hòa, huyện Lạc Thủy, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc gia đình chính sách, người có công cũng đã trở thành phong trào có sức lan tỏa sâu rộng từ nhiều năm qua và đến nay vẫn được thế hệ trẻ tiếp nối. Ông Bùi Văn Tượng, Chủ tịch UBND xã Liên Hòa cho biết: Trên địa bàn xã có một nghĩa trang liệt sỹ hy sinh trong thời kỳ chống Pháp. Mặc dù có những ngôi mộ không phải là người địa phương nhưng xã đã giao cho mỗi gia đình chăm sóc 3 ngôi mộ. Vì vậy, những ngôi mộ đều được chăm sóc và hương khói đầy đủ.

Theo ông Hoàng Quốc Đạt, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Lạc Thủy, từ những hành động cụ thể, việc làm thiết thực, phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa” ở Lạc Thủy ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực trên tinh thần mỗi người dân cùng tham gia, góp phần chung tay với cộng đồng, xã hội chăm lo nâng cao đời sống gia đình chính sách, người có công. Với những kết quả đạt được, liên tục nhiều năm qua, huyện Lạc Thủy được Sở LĐTB&XH tỉnh Hòa Bình công nhận là huyện làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, chăm sóc người có công. Cụ thể, từ năm 2013 đến tháng 6/2017, huyện Lạc Thủy đã huy động được trên 2,5 tỷ đồng hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp 40 nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách; sửa chữa và nâng cấp 3 nghĩa trang liệt sỹ, xây mới đền thờ liệt sỹ huyện và sửa chữa các nhà bia ghi tên liệt sỹ ở các xã, thị trấn. Cũng từ nguồn xã hội hóa, huyện Lạc Thủy đã xây 6 nhà tình nghĩa với tổng số tiền gần 500 triệu đồng...

Hàng năm vào những dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, Quốc khánh 2/9 và Tết cổ truyền của dân tộc, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đều tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình thương, bệnh binh, thương binh nặng tại các trung tâm điều dưỡng ngoài tỉnh, gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng, lão thành cách mạng, các chiến khu cách mạng trong tỉnh; đầu tư, chăm sóc mộ, nghĩa trang liệt sỹ... Chương trình xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cũng đã trở thành truyền thống, được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trong tỉnh tham gia tích cực với số tiền trên 50 tỷ đồng thu được trong 10 năm (2007 - 2016), trong đó nguồn quỹ cấp tỉnh gần 7 tỷ đồng.

Hầu hết người có công và thân nhân của họ đã được hưởng các chế độ ưu đãi, đời sống ổn định và từng bước được cải thiện, góp phần ổn định chính trị, xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Phong trào tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cũng được ủng hộ tích cực; nhiều xã, phường có 100% gia đình thương binh, liệt sỹ được tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa. Trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017), tỉnh Hòa Bình sẽ hỗ trợ xây mới, cải tạo, nâng cấp nhà ở cho 74 hộ người có công trên địa bàn tỉnh còn ở nhà tạm, dột nát. Huy động các nguồn lực từ cộng đồng để hỗ trợ nâng cao mức sống cho 356 hộ gia đình người có công còn mức sống thấp hơn mức trung bình. Đồng thời, thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với người có công, chính sách hậu phương quân đội... phấn đấu đạt 99% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình; 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh được công nhận làm tốt công tác thương binh - liệt sỹ; thu nộp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ở cả ba cấp trong tỉnh đạt 5 tỷ đồng trở lên.

Thắm đượm nghĩa tình

Theo bà Hoàng Thị Hạnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, biết bao người con ưu tú của đồng bào dân tộc Kinh, Thái, Tày, Dao, Khơ Mú... trên vùng Tây Bắc đã cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân; trung kiên anh dũng đã ngã xuống cho đất nước nở hoa độc lập. Sự cống hiến đến tột cùng của hy sinh, mất mát hiện hữu ngay trong những gia đình đã mất đi người thân yêu nhất. Biết bao người phụ nữ đã tiễn đưa chồng, con, lên đường đánh giặc và không bao giờ còn được gặp lại. Biết bao người vợ trẻ chưa được hưởng trọn vẹn hạnh phúc vợ chồng đã phải góa bụa cả đời...

Đồng chí Đinh Đăng Quang, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (thứ 2 từ trái sang) thắp hương viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Triển khai Chỉ thị 02/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và chương trình công tác năm 2017, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã tổ chức đi dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9, Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn. Trong khuôn khổ các hoạt động quốc gia kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, Lễ tri ân người có công với cách mạng vùng Tây Bắc có chủ đề “Mãi ghi ơn những người con trung hiếu” là dịp để các địa phương trong vùng Tây Bắc đẩy mạnh hơn nữa phong trào "Đền ơn đáp nghĩa".

Tiếp tục giúp đỡ các gia đình chính sách, đặc biệt là các gia đình sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng trước đây bị chiến tranh tàn phá nặng nề, vùng thường xuyên bị thiên tai, cuộc sống còn khó khăn... “Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã biểu dương 150 đại biểu là những người có công với cách mạng gồm Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sỹ, thương binh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở và những tấm gương thương binh "tàn nhưng không phế"... trong Lễ tri ân người có công với cách mạng vùng Tây Bắc vừa diễn ra tại Sơn La”, bà Hoàng Thị Hạnh cho biết thêm.

Cũng theo bà Hoàng Thị Hạnh, đây là dịp nhằm nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách. Tôn vinh, cổ vũ, động viên tinh thần của những thương binh “tàn nhưng không phế”, những tấm gương sáng trên các lĩnh vực đang đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của các địa phương trên địa bàn Tây Bắc; tạo điều kiện, cơ hội để người có công với cách mạng giao lưu học tập kinh nghiệm, tham quan di tích lịch sử cách mạng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, góp phần xóa đói, giảm nghèo vùng Tây Bắc. Trong thời gian tới, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt và lâu dài đối với công tác người có công với cách mạng.

Không ngừng hoàn thiện các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội đất nước. Triển khai phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn một cách sâu rộng, mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, các địa phương, đơn vị... Đẩy mạnh hơn nữa nguồn lực xã hội hóa, huy động toàn xã hội cùng tham gia chung tay góp sức chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống của gia đình người có công. Thân nhân liệt sĩ và người có công phải tiếp tục được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời mọi chế độ chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, được hỗ trợ cải thiện nhà ở khi có khó khăn. Phấn đấu để đến năm 2020, tất cả các hộ người có công phải có mức sống cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú...

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc: 

Luôn khắc sâu tri ân người có công với cách mạng

Trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, với tinh thần “Tây Bắc vì cả nước, cả nước vì Tây Bắc”, cùng với cả nước, quân và dân các dân tộc Tây Bắc đã có rất nhiều đóng góp, hy sinh, mất mát. Để có được cuộc sống bình yên ngày hôm nay, Tây Bắc đã có 7.280 Mẹ Việt Nam anh hùng; gần 172.000 liệt sỹ, trên 123.000 thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh; gần 45.000 bệnh binh; hàng nghìn người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; hàng trăm nghìn người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế... Với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ công lao to lớn của các Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách, thân nhân các liệt sỹ, người có công với cách mạng. Những năm qua, việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công đã và đang trở thành nghĩa vụ, trách nhiệm, niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của toàn dân. Lễ tri ân người có công với cách mạng vùng Tây Bắc với chủ đề “Mãi ghi ơn những người con trung hiếu” là dịp để đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; tôn vinh, cổ vũ, động viên tinh thần của những thương binh “tàn nhưng không phế”. 


Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc TTXVN:

Sống mãi những dòng tin, bức ảnh của các nhà báo - chiến sỹ 

Ngay từ khi mới ra đời (15/9/1945), Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) luôn gắn bó, trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Trong suốt những năm giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, không một chiến trường nào, không một địa bàn chiến đấu nào, không một mũi tiến quân nào vắng mặt phóng viên tin, ảnh, nhân viên, kỹ thuật viên của TTXVN. Các phóng viên, nhân viên, kỹ thuật viên của TTXVN đã chiến đấu như những người lính, thực sự là những nhà báo - chiến sỹ. Với cây bút, chiếc máy ảnh, máy kỹ thuật, các nhà báo TTXVN đã có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất, ác liệt nhất của cuộc chiến đấu ghi lại những chiến thắng anh hùng của quân, dân ta trên khắp mọi miền đất nước, vạch trần tội ác, âm mưu của kẻ thù... Những dòng tin, bức ảnh của các nhà báo - liệt sỹ, thương binh của TTXVN là những bằng chứng xác thực của lịch sử, là nguồn động viên lớn lao toàn quân, toàn dân ta tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Hơn 260 nhà báo - liệt sỹ của TTXVN đã ngã xuống, hàng chục thương binh đã để lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước, xây dựng Tổ quốc, là mất mát to lớn nhưng cũng là niềm tự hào và truyền thống vẻ vang của TTXVN, cơ quan báo chí đầu tiên được tặng hai danh hiệu Anh hùng: Anh hùng lực lượng vũ trang và Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Đảng ủy và lãnh đạo TTXVN luôn dành sự quan tâm đặc biệt, luôn chăm lo công tác thương binh - liệt sỹ của ngành, coi đó là trách nhiệm, tình cảm sâu nặng với các gia đình liệt sỹ, thương binh. Các hoạt động xây nhà tình nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, dâng hương, viếng nghĩa trang, đi thăm, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm... đã trở thành việc làm thường xuyên của các đơn vị, của cán bộ, phóng viên, công nhân viên TTXVN... Cán bộ, phóng viên, công nhân viên TTXVN luôn ghi nhớ công ơn của các liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự nghiệp Thông tấn; đã và sẽ phấn đấu hết sức mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để xây dựng TTXVN thành trung tâm thông tin chiến lược tin cậy của Đảng và Nhà nước, xứng đáng với truyền thống đơn vị hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng. 


Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Trưởng Phòng Người có công, Sở LĐTB&XH tỉnh Hòa Bình: 

Chăm lo cho các gia đình chính sách

Từ năm 2007 đến năm 2016, Sở LĐTB&XH tỉnh Hòa Bình đã xác nhận mới 6.505 người có công; thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 12.000 người; điều dưỡng sức khỏe luân phiên tập trung và tại gia đình cho trên 3.000 lượt người/năm với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng. Thực hiện chế độ ưu đãi trong giáo dục, đào tạo đối với 1.200 lượt con của người có công với cách mạng. Đảm bảo chế độ trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho hơn 800 lượt người chính sách... Hàng năm, tỉnh Hòa Bình tổ chức điều dưỡng, phục hồi sức khỏe cho người có công trên 3.000 lượt người với trên 4,5 tỷ đồng/năm; đầu tư trên 35 tỷ đồng để xây dựng Trung tâm Điều dưỡng người có công tại huyện Kim Bôi (Hòa Bình). Bên cạnh đó, thực hiện các chương trình tình nghĩa (năm 2007 - 2016), Hòa Bình đã xây mới hơn 600 nhà với số tiền trên 22 tỷ đồng; sửa chữa 944 nhà với trên 14 tỷ đồng.


Viết Tôn - Thu Hồng - Vũ Hà/Báo Tin Tức
Vốn là yếu tố quyết định để phát triển giao thông vùng Tây Bắc
Vốn là yếu tố quyết định để phát triển giao thông vùng Tây Bắc

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Bắc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là khâu đột phá, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của cả vùng Tây Bắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN