Một tiết mục nghệ thuật tại buổi lễ. |
Tham dự buổi Lễ có các đồng chí: Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Văn Bình; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh vùng Tây Bắc; các đại biểu là Mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân, gia đình liệt sỹ, các thương binh tiêu biểu vùng Tây Bắc.
Phát biểu tại buổi Lễ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Văn Bình nêu rõ: Trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, với tinh thần “Tây Bắc vì cả nước, cả nước vì Tây Bắc”, cùng với cả nước, quân và dân các dân tộc Tây Bắc đã có rất nhiều đóng góp, hy sinh, mất mát. Để có được cuộc sống bình yên ngày hôm nay, Tây Bắc đã có 7.280 Mẹ Việt Nam anh hùng; gần 172.000 liệt sỹ, trên 123.000 thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh; gần 45.000 bệnh binh; hàng nghìn người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; hàng trăm nghìn người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế...
Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc nhấn mạnh: Với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ công lao to lớn của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình chính sách, thân nhân các liệt sỹ, người có công với cách mạng. Những năm qua, việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công đã và đang trở thành nghĩa vụ, trách nhiệm, niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của toàn dân.
Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc khẳng định: Lễ tri ân người có công với cách mạng vùng Tây Bắc với chủ đề “Mãi ghi ơn những người con trung hiếu” là dịp để đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; tôn vinh, cổ vũ, động viên tinh thần của những thương binh “tàn nhưng không phế”.
Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đề nghị: Trong thời gian tới, các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương tiếp tục quan tâm đến người có công với cách mạng; không ngừng hoàn thiện các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội đất nước. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" một cách sâu rộng, mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, các địa phương, đơn vị; huy động toàn xã hội cùng tham gia chung tay góp sức chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống của gia đình người có công.
Sau phần Lễ, chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Tinh thần bất khuất – Khát vọng tự do” đã diễn ra. Cùng với các thế hệ người có công của cả nước, các thế hệ người có công với cách mạng vùng Tây Bắc đã viết nên những bài ca đất nước, bài ca không thể nào quên trong tâm thức của mỗi người con đất Việt. Xen lẫn những bản hùng ca đó là các thước phim giới thiệu về vùng đất Tây Bắc, lịch sử đấu tranh hào hùng của nhân dân Tây Bắc trong các cuộc kháng chiến của dân tộc; hình ảnh cuộc sống của thương binh có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn lạc quan và vươn lên trong cuộc sống, tàn nhưng không phế; hình ảnh con em các Anh hùng, Liệt sỹ tiếp bước cha anh thi đua học tập lao động, sản xuất phát triển Tây Bắc ngày một giàu đẹp.
Tại buổi Lễ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Văn Bình và Ban Tổ chức đã trao quà tri ân, tôn vinh đại biểu là các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình của các liệt sỹ và các thương, bệnh binh.
Trước đó, chiều 16/7, Đoàn đại biểu Ban Chỉ đạo Tây Bắc, lãnh đạo tỉnh Sơn La đã thăm, tặng quà 3 gia đình chính sách tại địa bàn TP Sơn La.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình thăm hỏi và tặng quà gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Đoàn Thị Diệp (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La). |
Cùng ngày, Đoàn đại biểu Ban Chỉ đạo Tây Bắc, lãnh đạo tỉnh Sơn La đã dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Nhà tù Sơn La và thăm Nhà tù Sơn La, Nhà tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sỹ Nhà tù Sơn La, nằm trong quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.