Đến nay các tỉnh trong vùng đã chuyển đổi được hơn 5.000 ha, một số địa phương xây dựng nhiều mô hình chuyển đổi thành công đem lại hiệu quả kinh tế, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa như ở Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình... Đối với cây ăn quả, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), toàn vùng hiện có trên 130.000 ha, chiếm 42% diện tích cây ăn quả miền Bắc. Trong đó, tính riêng cây ăn quả chính thì nhóm cây ăn quả á nhiệt đới chiếm 40,4%, nhóm cây ăn quả nhiệt đới chiếm 31,8%, cây ăn quả ôn đới chỉ chiếm 6,2% diện tích cây ăn quả của vùng. Do điều kiện đặc thù nên vùng Tây Bắc cũng là nơi tập trung một số cây ăn quả ôn đới, á nhiệt đới điển hình với diện tích sản xuất chiếm vị trí chủ yếu.
Là nguồn sinh kế chính của nông dân khu vực miền núi phía bắc, sản xuất ngô của khu vực này cũng có cơ hội rất lớn để phát triển. Nhu cầu về ngô đang tăng nhanh chóng không chỉ ở trong nước mà trên phạm vi toàn cầu, trong khi tiềm năng mở rộng diện tích, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao năng suất ngô của vùng là rất lớn. Vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay là làm sao để phát triển sản xuất ngô một cách bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, cải thiện thu nhập cho người nông dân mà không phương hại đến môi trường sinh thái, tài nguyên đất dốc của vùng.
Theo Bộ NN&PTNT, diện tích đất dốc sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh vùng Tây Bắc, cây ngô chiếm chủ đạo với diện tích đạt 555.000 ha, năng suất đạt bình quân 37 tạ/ha. Điển hình là các tỉnh Sơn La với gần 100.000 ha; Điện Biên, Lào Cai khoảng 30.000 ha/tỉnh. Đất canh tác ngô vùng miền núi phía bắc đa phần có độ dốc lớn, trong đó, đất dốc dưới 15 độ chỉ chiếm 21,9%, đất có độ dốc từ 15 - 25 độ chiếm khoảng 16,4%, còn lại là đất có độ dốc trên 25 độ, chiếm 61,7%.
Với độ dốc lớn như vậy, đất canh tác ngô của vùng đang bị xói mòn, rửa trôi với tốc độ cực nhanh, năng suất suy giảm mạnh, thời gian canh tác bị rút ngắn, đất nhanh thoái hóa. Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do việc canh tác ngô trên đất dốc chưa áp dụng các biện pháp kỹ thuật bảo vệ đất, chống xói mòn, rửa trôi đất, gây suy thoái đất, đặc biệt là độ phì đất.
Nhằm triển khai có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ NN&PTNT khuyến cáo các tỉnh vùng Tây Bắc hạn chế diện tích ngô ở các khu vực đồi đất dốc. Tập trung chuyển đổi và tăng vụ trên đất ruộng, nhất là đất ruộng một vụ, đẩy mạnh áp dụng giống mới, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, thực hiện cơ giới hóa khâu làm đất, tẽ hạt, sấy khô hạt ngô cung cấp cho các cơ sở chế biết thức ăn gia súc.
Phát triển vùng sản xuất rau hàng hóa chuyên canh chất lượng cao ở Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát (Lào Cai); Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải (Yên Bái); Sìn Hồ, Phong Thổ (Lai Châu); Mộc Châu (Sơn La)... Áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến qui trình sản xuất VietGAP, xây dựng thương hiệu cho các loại sản phẩm ở mỗi vùng. Đồng thời, đẩy mạnh việc chuyển diện tích lúa một vụ hiệu quả thấp để sản xuất các loại rau, đặc biệt là rau trái vụ để cung ứng cho thị trường các tỉnh đồng bằng nhằm phát huy lợi thế, tăng tính canh tranh và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Canh tác bền vững
Trong những năm qua, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía bắc đã phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế như Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế (CIRAD), Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế trong nông lâm kết hợp (ICRAF) và độc lập nghiên cứu về các biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc, trong đó tập trung chính với cây ngô.
Qua đó đã xác định được một số biện pháp kỹ thuật có khả năng hạn chế xói mòn, rửa trôi đất trong canh tác ngô, từ đó làm tăng năng suất cây trồng, bảo vệ đất, làm tăng độ phì đất, chống thoái hóa đất dốc và góp phần đảm bảo canh tác bền vững trên đất dốc. Những biện pháp này đã và đang được giới thiệu cho người sản xuất vùng cao, được các địa phương ghi nhận và khuyến cáo vào sản xuất. Điển hình như việc sử dụng kỹ thuật che phủ đất trong canh tác.