Năm nay, đến thời điểm này, gia đình ông vẫn chưa tìm được lao động, đành phải phải vận động người thân và hàng xóm cùng hái để trao đổi công, tuy nhiên cũng gặp nhiều khó khăn, chỉ mượn được thêm 2 công phụ hái. Ông Nguyễn Đức Cường cho biết, nói chung năm nay, lao động vẫn còn khai thác mủ cao su, hoặc đi kiếm việc khác để làm cho ổn định thu nhập quanh năm.
Bà Nguyễn Thị Yến, người hàng xóm thường xuyên phụ giúp gia đình ông Cường trong các vụ mùa hái tiêu. Nhưng từ khi vườn cao su nhà khoảng từ 200 đến 300 cây bước vào giai đoạn khai thác thì cũng ít phụ, chỉ có thời gian rãnh rỗi, gần cuối mùa mới qua phụ hái. Bà Yến cho biết, “Mùa hái tiêu ở xóm tôi thì có 3 người bạn thân thì đến mùa là kêu thuê hái tiêu.
Năm nay khác với mấy năm trước, một phần do vụ mùa cao su cạo kéo dài hơn. Ngoài ra, hiện nhiều người đi làm thuê hầu như không mặn mà lắm với việc làm thuê theo thời vụ”.
Cùng cảnh ngộ với nhiều gia đình trồng tiêu, ông Phạm Văn Duân, Ấp 3, xã Thanh Hòa chua xót hơn nhìn 800 trụ tiêu của gia đình đang chín đỏ, nhiều trái khô trên cây và chuẩn bị rụng xuống đất.
Đến thời điểm này gia đình chạy đôn chạy đáo vẫn chưa tìm được công lao động. Theo ông Duân, nếu hồ tiêu khi chín mà không thu hoạch kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hạt cũng như ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây.
Ông Phạm Văn Duân chia sẻ: “Tiêu đến thời vụ hái rồi mà vẫn không tìm được công, mà trễ thì một số bông chín sớm, chín quá thì hạt sẽ rụng, sẽ ảnh hưởng đến vấn đề năng suất. Ngoài ra, khi chín quá, khâu chế biến vò, sấy sẽ bị hao hụt, giảm sản lượng xuống. Nên nếu như nhân công có sẵn, tiêu chín tới đâu mình hái tới đó là tốt nhất”.
Hiện nay, không chỉ riêng người dân trồng cây hồ tiêu trên địa bàn huyện Bù Đốp mà một số huyện có diện tích trồng tiêu lớn như Lộc Ninh, Hớn Quản… cũng đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động hái thuê.