Mô Rai là xã biên giới của tỉnh Kon Tum với 21 km đường biên, tiếp giáp huyện Tà Veng (tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia). Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm gần 70%; trong đó, có một dân tộc đặc biệt ít người là Brâu đang sinh sống. Do cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội tại địa phương còn nhiều hạn chế nên các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội tăng trưởng chưa ổn định, công tác xây dựng xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn. Xã Mô Rai hiện có 412 hộ với 1.342 khẩu thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo (theo tiêu chí mới), chiếm gần 27%.
Trong năm 2021, cấp ủy, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể xã Mô Rai đã phối hợp với lực lượng biên phòng thực hiện nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tiêu biểu như các chương trình "Con nuôi Biên phòng", "Nâng bước em đến trường", "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", "Bò giống cho người nghèo", "Trồng xen canh Điều - Mỳ cao sản", "Đảng viên đội công tác địa bàn tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn và đỡ đầu kết nghĩa hộ gia đình nghèo khu vực biên giới", "Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp người dân tộc thiểu số đỡ đầu, kết nghĩa hộ gia đình nghèo phát triển kinh tế".
Bên cạnh đó, lực lượng Biên phòng và chính quyền xã Mô Rai cũng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi người dân trong tham gia thực hiện "Ngày Biên phòng toàn dân". Qua đó, 4 tập thể và 20 hộ gia đình đã tự nguyện đăng ký tham gia cùng phối hợp với bộ đội biên phòng tham gia quản lý, bảo vệ khu vực biên giới và coi đây như là đất đai, tài sản của từng gia đình, từng làng. Đến nay, 4 làng và 20 hộ dân đã trực tiếp nhận quản lý, bảo vệ 21km biên giới. Cấp ủy Đồn Biên phòng Mô Rai đã giới thiệu 7 đảng viên tham gia sinh hoạt đảng tạm thời tại các chi bộ thôn làng biên giới; 1 cán bộ tăng cường xã; 1 đồng chí tham gia ban chấp hành đảng bộ xã; từ đó, góp phần quan trọng vào việc xây dựng củng cố hệ thống chính trị ở các làng trên địa bàn.
Đại tá Phạm Cảnh Toàn, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum cho biết, thông qua Chương trình "Ngày hội Biên phòng toàn dân", các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các chủ trương, luật pháp về biên giới, lãnh thổ nhanh chóng được đưa vào cuộc sống; từ đó, nhân dân xây dựng ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; chính trị được giữ vững ổn định; đảm bảo chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển.
Thời gian tới, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum tiếp tục huy động sức mạnh của các cấp, ngành trên địa bàn trong việc giúp bà con nhân dân khu vực biên giới phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân đồng bào nơi biên giới thay đổi nếp nghĩ, cách làm; đồng thời, có những lời động viên, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc nhằm phát huy tinh thần tự giác của toàn thể nhân dân trong tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Dịp này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phối hợp chính quyền địa phương tại 13 xã biên giới trao tặng 2 căn nhà Đại đoàn kết, trị giá 50 triệu đồng/căn; một mô hình sinh kế bò giống sinh sản; 120 suất quà tặng hộ nghèo; trao quà, tiền hỗ trợ cho 75 cháu theo chương trình "Nâng bước em tới trường", 15 cháu là con nuôi Đồn Biên phòng và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum khen thưởng 39 tập thể, 65 cá nhân tại khu vực biên giới.
Thực hiện chương trình hướng về biên giới, nhóm "Cộng đồng xanh" Biên Hòa - Đồng Nai cũng hỗ trợ 5 bộ đèn năng lượng mặt trời; 200 kit xét nghiệm COVID-19 cho người dân vùng biên giới Kon Tum. Tổng kinh phí huy động được trong Chương trình "Ngày hội Biên phòng toàn dân năm 2022" đạt khoảng 500 triệu đồng.