Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao kết quả mà Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam đã đạt được trong vai trò phối hợp với tất cả các lực lượng: hải quân, kiểm ngư, cảnh sát biển, thậm chí là các tàu cá gần vùng biển xảy ra vụ việc để nhanh nhất cứu chữa người gặp nạn trên biển. Bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Vietnam MRRC và các lực lượng trên biển còn mang trách nhiệm lớn lao hơn là bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước.
"Việt Nam có chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển rất lớn, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo là trách nhiệm chung của toàn thể các lực lượng từ hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, tìm kiếm cứu nạn bảo vệ ngư trường trong khu đặc quyền kinh tế", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Do đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu đề xuất trong tăng cường năng lực cứu hộ, cứu nạn.
"Để đóng được những con tàu có tầm hoạt động xa, bên cạnh việc cân đối, đưa vào kế hoạch trung hạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải cũng cần nghiên cứu, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét từ một số nguồn vốn khác như: vốn vay ưu đãi, hỗ trợ, kể cả đề xuất hợp tác quốc tế với một số nước cung cấp tàu đã qua sử dụng", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ đạo.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho hay, những đóng góp to lớn của Vietnam MRRC trong thời gian qua đã thể hiện tính nhân đạo, vừa hỗ trợ phương tiện, ngư dân, thuyền viên, vừa đảm bảo quốc phòng an ninh.
Trước nhiệm vụ lớn lao mà lực lượng cứu nạn hàng hải được giao phó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng bày tỏ sự trăn trở khi chuẩn bị nhiệm kỳ trung hạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông vận tải dù mong muốn đầu tư thêm hai tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng, song mới chỉ cân đối nguồn vốn đầu tư được một tàu trong 5 năm tới.
"Để đội tàu tìm kiếm cứu nạn trên biển được hiệu quả hơn, bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, Cục Hàng hải Việt Nam cần tiếp tục có văn bản báo cáo Bộ kiến nghị Chính phủ xem xét, đầu tư khi cân đối được nguồn vốn, kể cả ODA, PPP (hợp tác công tư)", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Trước đó, báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và đoàn công tác, ông Bùi Văn Minh, Tổng giám đốc Vietnam MRRC cho biết, với vai trò là lực lượng chủ trì hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển Việt Nam và tham gia phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển quốc tế, dưới sự chỉ đạo của các cấp chức năng, trong giai đoạn 2016 - 2021, lực lượng cứu nạn hàng hải đã xử lý hơn 3.200 vụ việc báo nạn; điều động phương tiện chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn trực tiếp tại hiện trường 432 lần; cứu, hỗ trợ trực tiếp 5.450 người bị nạn trên biển; trong đó có 215 người nước ngoài; cứu và hỗ trợ 446 tàu, trong đó có 11 tàu nước ngoài.
Đặc biệt, trong khoảng thời gian trên, lực lượng cứu nạn hàng hải đã thực hiện cứu nạn trực tiếp 68 vụ việc tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
"Riêng năm 2021, Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải đã xử lý tổng cộng 373 vụ việc báo nạn; cứu, hỗ trợ 568 người bị nạn trên biển, trong đó có 32 người nước ngoài; cứu, hỗ trợ 37 tàu thuyền các loại.
Trong 9 ngày Tết Âm lịch Nhâm Dần, Trung tâm đã duy trì thường trực tìm kiếm cứu nạn 24/24, tiếp nhận 6 thông tin báo nạn, kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý thông tin, không có thiệt hại về người và phương tiện", ông Minh thông tin.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song, theo lãnh đạo Vietnam MRRC, hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển vẫn gặp nhiều khó khăn khi phụ trách khu vực tìm kiếm cứu nạn rộng lớn với 3.260km chiều dài bờ biển, vùng biển rộng hơn 1 triệu km2 nhưng phương tiện cứu nạn hiện chỉ có 7 chiếc; trong đó, chỉ có một tàu được cải tiến két nước, nâng phạm vi hoạt động từ 250 hải lý lên khoảng 400 hải lý.