Nhiều giải pháp phòng, chống hạn mặn ở Hậu Giang

Trước tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, tỉnh Hậu Giang đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo đủ nước sinh hoạt và sản xuất; phòng, chống xâm nhập mặn, trữ nước ngọt phục vụ cho diện tích lúa và cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản.

Chú thích ảnh
Nạo vét kênh mương nội đồng để chủ động ngăn mặn, trữ ngọt tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh tư liệu: Duy Khương/TTXVN

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, UBND tỉnh đã yêu cầu các vùng bị hạn và xâm nhập mặn phải chuẩn bị Kế hoạch phòng, chống và biện pháp khắc phục nhằm hạn chế thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn gây ra; chủ động ứng phó có hiệu quả bằng các giải pháp phi công trình và công trình đảm bảo không bị bất ngờ và hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chính quyền địa phương cần tuyên truyền vận động người dân dùng mọi biện pháp, dụng cụ tích trữ nước ngọt, đảm bảo đủ nước sinh hoạt trong mùa hạn, mặn năm 2023. Đồng thời, tập trung toàn bộ các nguồn lực, chỉ đạo các đoàn thể tuyên truyền vận động người dân ra sức phòng, chống hạn và xâm nhập mặn có hiệu quả; các đơn vị và cán bộ chuyên môn triển khai khảo sát, quan trắc các vùng bị hạn, mặn thường xuyên cập nhật số liệu hạn, mặn. Kiểm tra, rà soát và có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp ngay tất cả các hệ thống cung cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn, mặn đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân.

UBND tỉnh cũng yêu cầu, các địa phương rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng, các trạm bơm điện, dầu… có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa nhằm trữ nước ngọt trên đồng, ngăn nước mặn xâm nhập lên đồng, bảo vệ tốt cho diện tích lúa. Chuẩn bị xây dựng đập thời vụ, cải tiến, đập kiên cố đối với các kênh, rạch chưa có cống khi độ mặn ngoài sông, kênh chính đạt mức 1,5‰ (phù hợp với điều kiện của địa phương như: giao thông thủy, môi trường, sản xuất, sinh hoạt,…), ngăn tất cả các dòng kênh vào đồng ở các khu vực bị nhiễm mặn, không cho nước mặn lên đồng. Có kế hoạch vận hành đóng, mở các cửa cống thuộc tiểu Dự án Ô Môn - Xà No; đê bao Long Mỹ - Vị Thanh khi mặn ngoài kênh đạt mức 1,5‰.

Ngoài ra, để đảm bảo phòng, chống hạn và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2023 có hiệu quả, tỉnh đầu tư và vận động người dân trên 40,4 tỷ đồng cho các công trình cấp bách; trong đó, trên 16,8 tỷ đồng dành cho đắp đập thời vụ và nâng cấp sửa chữa cống ngăn mặn với 312 công trình cống, đập và 138 nắp bọng; trên 23,6 tỷ đồng để nạo vét kênh cấp 2, cấp 3 ở vùng bị hạn và xâm nhập mặn với 47 công trình.

Theo kết quả quan trắc độ mặn vào 7 giờ 30 phút, ngày 30/3, một số điểm quan trắc có độ mặn trên 1,5‰. 

Cụ thể, tại UBND xã Lương Nghĩa (huyện Long Mỹ) đạt 10,4‰; tại cống Hóc Pó (xã Lương Nghĩa) đạt 7,2‰; bến phà Ngan Dừa (xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ) đạt 2,3‰; nhà thờ Lương Thiện (xã Lương Tâm) đạt 7,7‰. Từ đầu tháng 3 đến nay, nồng độ mặn cao nhất ghi nhận được là 11,6‰ vào ngày 27/3 tại UBND xã Lương Nghĩa.

Hồng Thái (TTXVN)
Kiên Giang: Tập trung ứng phó với khô hạn, xâm nhập mặn
Kiên Giang: Tập trung ứng phó với khô hạn, xâm nhập mặn

Hiện nay, đang ở giai đoạn cao điểm mùa khô 2022 - 2023, tỉnh Kiên Giang tập trung các giải pháp ứng phó, phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn, chủ động đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN