Vĩnh Long chủ động phòng, chống hạn, mặn mùa khô

Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long Lưu Nhuận cho biết, theo dự báo, nguy cơ xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021 sẽ xuất hiện sớm và gay gắt ở Đồng bằng sông Cửu Long, có thể tương đương như mùa khô 2019-2020, ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh.

Chú thích ảnh
Người dân làm túi trữ nước ngọt ngay trong vườn để phục vụ tưới tiêu.

Để chủ động ứng phó, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng 3 kịch bản hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra, nhằm đảm bảo nhu cầu nước cho hoạt động sản xuất và cấp nước sinh hoạt cho người dân trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra.

Theo đó, trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn ít gay gắt, toàn tỉnh chủ động tưới tiêu 112.855 ha đất nông nghiệp (94,2% diện tích) và kiểm soát mặn tốt. Tuy nhiên, trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt như mùa khô năm 2019- 2020, trong biên mặn từ 1 - 10 phần nghìn, toàn tỉnh sẽ có 6/8 địa phương bị ảnh hưởng. Dự báo tỉnh sẽ có gần 95.000 ha cây trồng bị hạn, thiếu nước; khoảng 3.000 ha cây trồng bị nhiễm mặn, tập trung tại các huyện Vũng Liêm, Mang Thít, Long Hồ, Trà Ôn, Tam Bình và thị xã Bình Minh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có gần 90.000 hộ dân tại 51 trạm cấp nước sạch có thời đoạn đã sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn.

Đối với tình huống trên, tỉnh Vĩnh Long tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình nhằm hạn chế thiệt hại đến hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống của người dân.

Theo đó, tỉnh tổ chức vận hành tốt những công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt, cấp nước tưới đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và công trình nước sạch hiện có đảm bảo cấp nước phục vụ sinh hoạt của nhân dân. Đồng thời, tỉnh nạo vét một số kênh chính, kênh tạo nguồn, đắp đập, đê bao ngăn mặn, sửa chữa các cống, đập điều tiết nước. Trong đó, các địa phương ưu tiên đầu tư nạo vét kênh mương, đặc biệt là hệ thống thủy lợi nội đồng, đắp đập thời vụ ngăn mặn và trữ ngọt chống hạn, đảm bảo cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất.

Ngoài ra, tỉnh cấp hỗ trợ bột xử lý nước, dụng cụ chứa nước ngọt cho hộ dân sử dụng nước bị nhiễm mặn và chưa có nước máy, hộ gặp khó khăn về nước sinh hoạt, hộ ở nông thôn chưa có nước máy sử dụng.

Các kịch bản nhằm đảm bảo nước tưới cho diện tích 52.800 ha lúa, trên 24.100 ha cây màu vụ Đông Xuân vụ 2020-2021; hơn 49.000 lúa và gần 20.000 ha cây màu vụ Hè Thu năm 2021 và 59.854 ha cây lâu năm hiện có trong tỉnh. Trong đó, tỉnh đảm bảo ngăn mặn, cấp nước tưới cho hơn 20.000 ha lúa Hè Thu, hơn 3.700 ha cây màu ở các huyện bị nhiễm mặn cao trên 4 phần nghìn như Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Tam Bình và Long Hồ.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng lên phương án đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân khi hạn, mặn xảy ra, đặc biệt chú trọng cấp nước sinh hoạt cho hơn 19.000 hộ dân ở nông thôn hiện chưa có nước máy sử dụng, hộ dân ở trong nội đồng xa kênh, rạch lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt do nguồn nước bị cạn kiệt và bị ô nhiễm, nhiễm mặn.

Tin, ảnh: Phạm Minh Tuấn (TTXVN)
Nông dân trồng dừa mong muốn được hỗ trợ khắc phục hạn, mặn
Nông dân trồng dừa mong muốn được hỗ trợ khắc phục hạn, mặn

Hạn, mặn kéo dài từ đầu năm 2020 đã làm cho hơn 72.000 ha dừa của Bến Tre bị ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Bên cạnh đó, giá dừa đang xuống thấp, người nông dân trồng dừa mong muốn có sự hỗ trợ kinh phí để hồi phục vườn dừa, một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Bến Tre.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN