Nông dân trồng dừa mong muốn được hỗ trợ khắc phục hạn, mặn

Hạn, mặn kéo dài từ đầu năm 2020 đã làm cho hơn 72.000 ha dừa của Bến Tre bị ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Bên cạnh đó, giá dừa đang xuống thấp, người nông dân trồng dừa mong muốn có sự hỗ trợ kinh phí để hồi phục vườn dừa, một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Bến Tre.

Chú thích ảnh
Nhiều vườn dừa ở xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm bị giảm năng suất, chất lượng. Ảnh: Công Trí/TTXVN

Sau 5 tháng đầu tư công sức, kinh phí để phục hồi cho vườn dừa khô nguyên liệu hơn 1,2 ha bị ảnh hưởng hạn mặn, ông Võ Văn Tâm, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) tốn chi phí hơn 20 triệu đồng. Đến nay, cây dừa chỉ mới bắt đầu hồi phục.
 
Ông Tâm cho biết, do ảnh hưởng nước mặn ngấm vào trong đất, do đó cần rất nhiều phân bón để giảm độ mặn, độ chua của đất, giúp cây không bị teo đọt, để cây đủ sức ra hoa. Trong mấy tháng qua, sản lượng dừa giảm, trái nhỏ, nguồn thu vào cây dừa không đủ chi phí mua phân bón để chăm sóc cây. Do vậy, mức độ đầu tư của gia đình cũng không nhiều, bón phân có hạn do kinh tế eo hẹp. Ngoài ra, hiện nay giá dừa đang giảm, nhưng lúc này cần đầu tư thêm phân bón, bồi bùn phủ lên gốc dừa để giúp cây dừa chống chịu hạn, mặn trong thời gian tới. 
 
Ông Tâm cho hay, để phục hồi nhanh chóng vườn dừa cần kinh phí từ 30-40 triệu đồng/ha. Do vậy, ông mong muốn có nguồn kinh phí hỗ trợ người dân, giúp người dân trồng dừa phục hồi được vườn dừa, duy trì phát triển kinh tế.
 
Theo ông Lê Văn Na, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, cây dừa đang dần phục hồi, nhưng kinh phí của người dân đã hạn hẹp, không còn đủ sức để tiếp tục đầu tư cho cây dừa. 
 
Ông Na cho hay, kinh tế gia đình phụ thuộc vào 8.000m2 đất trồng dừa, sau hạn mặn thu nhập gia đình giảm do dừa bị ảnh hưởng chất lượng, sản lượng trái giảm. Do đó, gia đình chỉ mới rải được 2 lần phân bón trong mùa mưa. Hiện nay, giá dừa lại giảm thu nhập mỗi tháng của gia đình chỉ còn từ 3-4 triệu đồng. Ông Na chia sẻ, nếu có sự hỗ trợ kinh phí từ nhà nước để người dân đầu tư thêm cho cây dừa thì kinh tế của người dân sẽ đỡ vất vả hơn vào dịp cuối năm.

Chú thích ảnh
Nhiều vườn dừa ở xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm bị giảm năng suất, chất lượng. Ảnh: Công Trí/TTXVN

Theo ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đợt hạn mặn mùa khô năm 2019-2020 gây ra tác động, thiệt hại rất lớn đề đời sống, kinh tế của người dân. Tỉnh Bến Tre đã hỗ trợ kinh phí hơn 38,4 tỷ đồng cho người dân theo Nghị định 02/2017/NĐ của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, đối với loại cây rau màu, cây ăn trái lâu năm (Sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh…). 
 
Riêng đối với cây dừa là một trong những cây trồng chủ lực gắn với đời sống và thu nhập của người dân, trong đợt hạn mặn vừa qua, làm ảnh hưởng đến hơn 72.500 ha dừa bị giảm năng suất, chất lượng, đa phần giảm từ 30-70%. Tuy nhiên, theo nghị định 02/2017/NĐ của Chính phủ, cây dừa không đảm bảo điều kiện để được hỗ trợ khôi phục sản xuất. Do dừa bị giảm năng suất, chất lượng, từ đầu năm 2020 đến nay thu nhập người dân trồng dừa giảm từ 50-60%. Cùng với tác động dịch bệnh COVID-19 người trồng dừa gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc chăm sóc vườn dừa sau hạn mặn còn hạn chế. 
 
Trước thực trạng trên, tỉnh Bến Tre có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ 72 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, để hỗ trợ cho người dân phân bón chăm sóc, khôi phục vườn dừa sau hạn mặn.

Huỳnh Phúc Hậu (TTXVN)
Sóc Trăng chủ động phòng chống nguy cơ hạn, mặn xâm nhập mùa khô 2020-2021
Sóc Trăng chủ động phòng chống nguy cơ hạn, mặn xâm nhập mùa khô 2020-2021

Ngày 5/10, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 36/CT-TTg, ngày 11/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN