Đáng lo ngại, nhiều diện tích cây ăn quả đặc sản của người dân ở huyện Châu Thành như sầu riêng, chôm chôm đang thiếu nước tưới nghiêm trọng, có nguy cơ bị thiệt hại nặng trong thời gian tới.
Tỉnh đang khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó nhằm hạn chế những tác động do xâm nhập mặn gây ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân.
Cây trồng “khát nước”
Khoảng một tháng trở lại đây, nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của hằng trăm hộ dân ở khu vực thượng nguồn sông Ba Lai đang dần khan hiếm nghiêm trọng. Nguyên nhân là do nguồn nước sông Hàm Luông đã bị nhiễm mặn dẫn đến các cống phải đóng kín để ngăn nước mặn xâm nhập vào mương vườn.
Chính vì vậy, nhiều hộ dân trồng cây ăn quả đặc sản như sầu riêng, chôm chôm ở xã xã Tiên Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre như “ngồi trên đống lửa” khi mà lượng nước ngọt ở các mương vườn đang dần cạn kiệt trước cái nắng gay gắt của những ngày cao điểm hạn mặn cuối tháng 3.
Cây sầu riêng vốn mẫn cảm với nước mặn nên khoảng gần một tháng qua, ông Văn Công Tư, xã Tiên Long, huyện Châu Thành đứng ngồi không yên vì nước kênh có độ mặn 0,4 phần ngàn đã ngấp nghé ngoài bờ ranh.
Ông Văn Công Tư cho hay, gia đình canh tác 6.000 m2 sầu riêng đang ra hoa nên rất cần tưới nước thường xuyên. Bình thường, mỗi ngày ông Tư sử dụng khoảng 20 m3 nước ngọt được lấy từ con kênh trước lộ để tưới. Tuy nhiên, khoảng gần một tháng qua nước ngoài kênh đã bị nhiễm mặn trong khi nước dự trữ trong vườn đã sử dụng hết nên ông đành để vườn sầu riêng của mình "chịu khát". Nếu mặn không giảm, chỉ khoảng một tuần nữa là cây chịu không nổi, ông Tư than thở.
Tương tự như nhiều hộ khác, ông Trần Văn Thu, ấp Tiên Phú 1, xã Tiên Long cũng đang sốt ruột tìm cách cứu 5 công sầu riêng khoảng hai năm tuổi nằm gần khu vực cống Bến Rớ đang thi công, dần khô héo lá vì không có nước tưới. Ông Thu đề nghị ngành chức năng cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công cống Bến Rớ để giữ nước ngọt cho bà con sản xuất.
Ông Lê Văn Toán, Trưởng ấp Tiên Hưng, xã Tiên Long cho biết, tình trạng hạn mặn hiện rất gay gắt, ảnh hưởng đến tất cả các loại cây trồng đặc biệt là cây sầu riêng, chôm chôm. Đây là các loại cây trồng nhạy cảm với nước mặn, nếu nước có độ mặn 0,5 phần nghìn trở lên khi tưới cây sẽ suy và chết.
Cũng theo ông Lê Văn Toán, chỉ tính riêng ấp Tiên Hưng đã có khoảng 15 ha đất bị ảnh hưởng bởi nước mặn. Hiện nguồn nước rất hiếm hoi, cống ngăn mặn đã đóng, lượng nước bên trong sử dụng thời gian ngắn cũng hết. Hiện tại, người dân địa phương đang tìm mọi cách để “cứu khát” cho cây trồng của mình. Một số hộ tự đi tìm nguồn nước, hộ nào có ghe thì đi chở về tưới cho cây, còn không thì phải chuẩn bị đi mua nước tưới tạm cho cây không bị khô héo dù rất tốn chi phí.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho biết, trước tình trạng vùng trồng sầu riêng tại huyện Châu Thành, Chợ Lách bị ảnh hưởng bởi nước mặn, đơn vị đã khảo sát thực tế tại các nhà vườn.
Sau khi khảo sát thực tế, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nhà vườn phải kết hợp giải pháp công trình và phi công trình. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Quang Đức, hiện hệ thống cống ngăn mặn chưa hoàn chỉnh nên rất khó để thực hiện giải pháp công trình. Do đó, ông Đức đề nghị người dân phải đẩy mạnh giải pháp phi công trình bằng cách không xử lý cho ra trái trong tháng 3.
Bên cạnh đó, nhà vườn cần chủ động tranh thủ những thời điểm nước mặn giảm để trữ nước. Việc trữ nước cũng cần làm theo đúng kỹ thuật, nếu có điều kiện, tốt nhất nên lót bạt dưới mương vườn để trữ đủ nước và hạn chế nước mặn thấm qua đất.
Khẩn trương ứng phó
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn mùa khô 2022 - 2023 đến sớm hơn trung bình nhiều năm. Từ nửa cuối tháng 12/2022, mặn đã bắt đầu xâm nhập vào khu vực gần cửa sông; xâm nhập mặn sâu nhất ở mức xấp xỉ mùa khô 2020 - 2021. Tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn có thể diễn biến phức tạp phụ thuộc vào lượng nước điều tiết từ khu vực thượng nguồn, lượng mưa trong khu vực và hoạt động của gió mùa đông bắc. Do đó, xâm nhập mặn có khả năng tăng bất thường.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, trước tình hình xâm nhập mặn, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh về phòng, chống xâm nhập mặn mùa khô năm 2022 - 2023.
Các địa phương chủ động theo dõi tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính, tiếp tục duy trì đo kiểm tra độ mặn tại các công trình đầu mối và các vị trí đầu nguồn nước tưới để có cơ sở vận hành, các cống; phối hợp chặt chẽ trong việc vận hành các cống kịp thời ngăn mặn và đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho từng khu vực.
Một số địa phương tổ chức đo mặn tại các tuyến kênh, rạch nội đồng nhằm cung cấp số liệu cho người dân để chủ động ứng phó; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức thăm vườn, thăm đồng, hướng dẫn nông dân chăm sóc tốt cây trồng, vật nuôi trong điều kiện xâm nhập mặn; phát động ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, phát hoang, vớt rác, tuyên truyền giữ vệ sinh trên các tuyến kênh nội đồng nhằm hạn chế ô nhiễm, tăng cường lưu thông nguồn nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, qua kiểm tra thực tế ở vài điểm trọng yếu cho thấy, phòng, chống hạn mặn của chính quyền các cấp cho đến người dân, đặc biệt là ở người dân, đã rất chủ động trong việc phòng tránh hạn mặn. Đối với giải pháp công trình, hầu hết các công trình đã đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp thời gian, nhất là cao điểm vào tháng 3.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, hạn mặn của năm nay diễn biến rất phức tạp, không theo quy luật. Đặc biệt, năm 2023 ngoài xâm nhập mặn còn gắn theo triều cường, triều cường lên rất cao thì đây là tác động kép. Do vậy, đòi hỏi trong quá trình lãnh đạo, xử lý phải nâng cao ý thức của cán bộ và nhân dân trong việc phòng tránh hạn mặn.
Về giải pháp công trình, để khẩn trương ngăn mặn, trữ ngọt, phục vụ nước sinh hoạt, sản xuất của người dân, chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 9 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và đơn vị thi công là Công ty cổ phần Hassyu Việt Nam đã khẩn cấp thi công cửa cống tạm tại cống Bến Rớ, xã Tiên Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Qua đó, ngăn xâm nhập mặn trực tiếp từ phía sông Hàm Luông qua cống Bến Rớ vào khu vực thượng nguồn sông Ba Lai.
Ông Trương Quang Thọ, Chỉ huy phó công trình thi công cống Bến Rớ cho hay, đơn vị đang hỗ lực huy động tối đa máy móc thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh thời gian thi công, kể cả ban đêm để hoàn thành thi công cửa cống tạm, chặn dòng không cho mặn xâm nhập trực tiếp từ phía sông Hàm Luông vào khu vực thượng nguồn sông Ba Lai vào ngày 22/3 và phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án cống Bến Rớ vào tháng 4/2023.
Việc khẩn trương xây cửa cống ngăn dòng tại cống Bến Rớ, góp phần ngăn mặn, trữ ngọt cung cấp nước tưới tiêu cho hàng nghìn ha vườn cây ăn trái và cung cấp nguồn nước ngọt cho Trạm bơm nước thô Cái Cỏ (thuộc Công ty cổ phần Cấp nước Bến Tre) với công suất 47.000 m3/ngày đêm phục vụ nước sinh hoạt cho hàng chục nghìn hộ dân khu vực này.
Bên cạnh đó, ngành chức năng tỉnh Bến Tre cũng chủ động cấp nước ngọt hỗ trợ ngưởi dân các khu vực bị nhiễm mặn. Hiện tại khu vực cấp nước số 2 thuộc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre, gồm các xã Lương Phú, Châu Hòa, Châu Bình, Bình Thành, huyện Giồng Trôm nguồn nước cấp đã nhiễm mặn; cá biệt tại xã Lương Phú độ mặn lên đến 3,6 phần nghìn. Do đó, người dân rất khó khăn để sử dụng nước phục vụ ăn uống, sinh hoạt.
Để đáp ứng nhu cầu nước ngọt thiết yếu cho người dân,Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre đang bơm nước ngọt thô vào nhà máy nước Lương Phú, huyện Giồng Trôm để cung cấp nước cho xã Lương Phú và một phần xã Thuận Điền.