Đối với Đề án 938, các ban, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong triển khai thực hiện, cơ bản đạt 5/6 mục tiêu Đề án đặt ra giai đoạn 2017-2022. Theo đó, toàn tỉnh đã tổ chức gần 400 buổi tập huấn, lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, truyền thông với sự tham gia của hơn 125.000 hội viên, phụ nữ, học sinh, các báo cáo viên tuyên truyền viên pháp luật, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền nội dung phòng, chống buôn bán người, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xóa bỏ tập tục lạc hậu, phụ nữ và bình đẳng giới; phòng ngừa xâm hại tình dục, đuối nước và an toàn giao thông ở trẻ em; hướng dẫn thực hiện các tiêu chí “5 không - 3 sạch”; nêu rõ bản chất, thủ đoạn của các đối tượng cho vay nặng lãi, các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, từ đó hướng dẫn người dân hạn chế vay tiền, mua nợ hàng hóa lãi suất cao, không tham gia tín dụng đen.
Đề án cũng chú trọng xây dựng các mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Theo đó, công tác hòa giải cơ sở cũng được các sở, ngành, đơn vị quan tâm. Toàn tỉnh Gia Lai hiện có gần 1.700 tổ hòa giải, với gần 10.000 hòa giải viên, trong đó hơn 2.000 hòa giải viên là nữ. Các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai đã thực hiện tốt chức năng lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em, trong đó có 15 văn bản lên tiếng và vào cuộc bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích chính đáng cho phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là trong các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em gái trong 3 năm vừa qua...
Đối với Đề án 939, tỉnh Gia Lai cơ bản đã đạt 7/8 chỉ tiêu của Đề án đề ra, các cấp Hội Phụ nữ đã tạo điều kiện cho chị em tiếp cận với nguồn tín dụng thông qua hoạt động phối hợp với Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Gia Lai, kết nối với Hội Nữ doanh nhân tài trợ 100 triệu đồng/2 ý tưởng của hội viên phụ nữ khởi nghiệp. Trong 3 năm qua, từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ cho 250 ý tưởng khởi nghiệp với tổng số vốn 11,4 tỷ đồng; 11 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ với dư nợ 73,5 tỷ đồng và 1 hợp tác xã với dư nợ 2,5 tỷ đồng, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế địa phương.
Tại hội nghị, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cũng đưa ra những khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện 2 đề án, như việc phối hợp với các cơ quan có liên quan trong tổ chức thực hiện các đề án chưa thường xuyên, chặt chẽ; các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em như bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn vẫn còn diễn ra khiến công tác thực hiện các đề án vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Để các đề án thực sự đi vào đời sống, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ trên địa bàn, tỉnh Gia Lai đã đưa ra một số mục tiêu, giải pháp trong thời gian kế tiếp. Đối với Đề án 938, Gia Lai phấn đấu đến năm 2027 có 290.000 hội viên phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức về sự cần thiết phải giữ gìn và rèn luyện phẩm chất, đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật. Ít nhất 160.00 phụ nữ được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình. 100% cán bộ chuyên trách của các cơ quan tham gia Đề án được bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Đối với Đề án 939, tỉnh Gia Lai tiếp tục hỗ trợ 300 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh hỗ trợ thành lập tối thiểu 20 mô hình kinh tế tập thể, trong đó 5 hợp tác xã được các cấp Hội hỗ trợ thành lập; đề xuất 1 giải pháp liên quan hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; tổ chức ít nhất 3 cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp cho phụ nữ.