Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án "Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư trở về và gia đình của họ" do KOICA tài trợ thông qua IOM.
Các đại biểu tập trung thảo luận về những khó khăn của phụ nữ di cư hồi hương, những thách thức trong thực hiện các hoạt động dự án. Trọng tâm là thảo luận về cơ chế, cách thức phối hợp và vai trò trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành liên quan trong quá trình vận hành “Văn phòng dịch vụ một điểm đến” (Văn phòng OSSO). Văn phòng này đang trong quá trình thành lập để hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, phụ nữ di cư hồi hương hiện nay chủ yếu là nhóm di cư lao động và di cư kết hôn. Hàng năm, Việt Nam có khoảng 500.000 người di cư ra nước ngoài lao động, trong đó, lao động nữ chiếm khoảng 30% tùy theo thị trường và giai đoạn.
Mỗi năm, hàng chục nghìn công dân Việt Nam đã kết hôn với người nước ngoài, trong đó, trên 90% là phụ nữ. Tuy nhiên, nhiều người khi trở về Việt Nam gặp khó khăn, có người thất nghiệp hoặc thiếu việc làm vì họ không có môi trường hoặc cơ hội để áp dụng kỹ năng, kinh nghiệm đã học được từ nước ngoài.
Phân tích tình hình của phụ nữ Việt Nam di cư kết hôn hồi hương và con cái của họ năm 2017 cho thấy, khoảng 50% phụ nữ kết hôn di cư trở về Việt Nam sẽ định cư ở nơi khác không phải quê hương họ do thiếu cơ hội việc làm, kỳ thị hoặc định kiến gia đình, xã hội. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm và các khó khăn như thiếu tư vấn pháp lý, tâm lý khi người di cư hồi hương giải quyết các vấn đề của mình, của gia đình có thể đẩy họ trở lại nghèo đói, tổn thương. Vì vậy, họ rất cần sự hỗ trợ thích đáng.
Theo bà Vũ Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng, từ năm 2015 đến năm 2019, Hải Phòng đã giải quyết được hơn 6.000 việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, trong đó có hơn 3.000 việc đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với công dân Hàn Quốc. Thực tế cho thấy, sau khi kết hôn, nhiều trường hợp cô dâu lấy chồng Hàn Quốc có hôn nhân không hạnh phúc. Nhiều trường hợp ly hôn do bất đồng ngôn ngữ, sự khác biệt về văn hóa truyền thống, phong tục tập quán. Nhiều phụ nữ bị chồng hoặc gia đình chồng ngược đãi dẫn đến việc họ phải trốn về Việt Nam trong hoàn cảnh không có giấy tờ tùy thân, mặc cảm với xã hội, sau đó phải bỏ đi nơi khác để sinh sống, làm ăn.
Hiện, địa bàn Hải Phòng có những phụ nữ hồi hương đang trong tình trạng quan hệ hôn nhân chỉ tồn tại trên mặt pháp lý (giấy chứng nhận kết hôn), còn thực tế, quan hệ hôn nhân của họ đã chấm dứt. Tình trạng này phát sinh nhiều hệ lụy trong cuộc sống hôn nhân tại Việt Nam, đặc biệt đối với trẻ em sinh ra ở Hàn Quốc khi trở về. Đa số trẻ em thiếu các giấy tờ liên quan đến nhân thân nên ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của bản thân như quốc tịch, khai sinh, học hành, bảo hiểm y tế.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu lên một số vấn đề phụ nữ di cư hồi hương thường gặp phải, như: giải quyết việc nuôi con, phân định tài sản chung, riêng; giải quyết hồ sơ xin học đối với trẻ em là con chung của phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài.
Bà Bùi Thị Hòa chia sẻ, một trong những giải pháp quan trọng để triển khai hoạt động hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ là thành lập, vận hành Văn phòng OSSO. Văn phòng này sẽ được triển khai tại 5 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hải Phòng, Hậu Giang, Hải Dương và Hà Nội.
Văn phòng OSSO do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm vận hành với các nhiệm vụ dự kiến như: hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ cách tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ cần thiết như: pháp lý, tâm lý, giáo dục, dạy nghề, chăm sóc, nuôi dạy con; nâng cao năng lực phát triển toàn diện cho phụ nữ di cư. Văn phòng cung cấp các thông tin cần thiết cho phụ nữ di cư như: chế độ, chính sách hỗ trợ phụ nữ di cư, các chương trình, đề án của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hỗ trợ phụ nữ; kết nối giữa phụ nữ di cư với các sở, ngành, tổ chức, địa phương thông qua các dịch vụ.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng Phạm Hải Yến cho rằng, đây là mô hình mới, chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Do vậy, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chỉ đạo tăng cường kết nối 5 tỉnh, thành phố xây dựng Văn phòng OSSO tiến tới triển khai mô hình hiệu quả nhất. Để vận hành văn phòng OSSO hiệu quả, bà Phạm Hải Yến đề nghị tổ chức IOM, KOICA hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực và truyền thông.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng sẽ dành cơ sở vật chất đáp ứng đầy đủ nhu cầu của dự án, đồng thời cử cán bộ có kinh nghiệm tham gia. Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận, huyện tăng cường truyền thông để những người có nhu cầu tiếp cận được dự án.