Chú thích: Nạo vét kênh Thơm Rơm thuộc huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ. Thanh Liêm/TTXVN. |
Bà Nguyễn Thu Phương, Cục Quản lý tài nguyên nước - Bộ Tài Nguyên và Môi Trường:
Cần các giải pháp đồng bộ
Vấn đề đầu tiên là cần tập trung xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch tài nguyên nước vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu và tác động do các hoạt động khai thác sử dụng nước của các quốc gia ở thượng nguồn; đồng thời tập trung điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, nhất là các tầng chứa nước nằm sâu để phục vụ cấp nước sinh hoạt ở các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn. Kết hợp kết quả này để xây dựng các công trình khai thác nước ngầm nhằm sẵn sàng ứng phó với xâm nhập mặn khi cần thiết.
Bên cạnh đó, cần rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, đặc biệt là quy hoạch thủy lợi, cấp nước, giao thông thủy, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên cơ sở khả năng thực tế của nguồn nước và những dự báo về biến động nguồn nước, xâm nhập mặn do tác động của biến đổi khí hậu - nước biển dâng theo các kịch bản đã được công bố, nhất là những khuyến nghị của Hà Lan trong “Kế hoạch ĐBSCL”.
Ngoài ra, cần thành lập ủy ban lưu vực sông Cửu Long để tăng cường công tác điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra trên đồng bằng nhằm giải quyết hài hòa, có hiệu quả, bền vững các vấn đề về tài nguyên nước giữa các bên liên quan, giữa thượng lưu, hạ lưu và giữa khai thác với bảo vệ. Xây dựng và vận hành mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước; tăng cường chia sẻ thông tin, dữ liệu toàn vùng; xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp dùng chung cho cả vùng về khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước, đất đai và cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa Trung ương và địa phương, các ngành.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ):
Tìm cách giữ nước cho đồng bằng sông Cửu Long
Các vùng trũng ở khu vực này hiện chỉ có Đồng Tháp Mười (gồm 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang) là còn có cơ may trữ được nước. Đây là vùng trũng sâu, các đê bao ít, chỉ có vùng phía tây Đồng Tháp Mười là có đê bao, còn vùng phía đông giáp Long An thì chưa có đê bao nhiều. Vùng này cần được giữ lại và không phát triển thêm đê bao mà nên thiết lập một số công trình để giữ nước khi có làm “của để dành” cho mùa khô sắp tới. Lượng nước này dùng bổ sung cho những vùng bị thiếu nước và cũng không cần mở rộng diện tích canh tác lúa như hiện nay. Thậm chí, chỗ nào không đủ nước thì sẵn sàng bỏ lúa để trồng loại hoa màu khác tiết kiệm nước hơn. Đó là cơ may để có thể giảm bớt thiệt hại do khô hạn.
GS.TS Nguyễn Ngọc Trân:
Thành lập liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười
Đây là tiểu vùng nằm ở đầu nguồn ĐBSCL bao gồm phần lớn diện tích của 3 tỉnh: Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang (không có các huyện giữa sông Tiền, sông Hậu của Đồng Tháp, không bao gồm vùng hạ của Long An và cũng không có các huyện và thị xã phía đông của Tiền Giang). Vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng và việc sử dụng nguồn nước sông Mê Kông trên thượng nguồn trong những thập niên gần đây, cùng với toàn cầu hóa kinh tế càng làm cho sự liên kết hợp tác trong phát triển nói chung, nông nghiệp nói riêng ở ĐBSCL, đã tất yếu càng trở nên bức thiết hơn bao giờ.
Như vậy theo đó thì cần xây dựng 7 chương trình của mục tiêu tiểu vùng Đồng Tháp Mười bao gồm: chương trình sản xuất lúa gạo; chương trình trái cây đặc sản; thủy sản; chương trình trồng lại rừng tràm, trữ nước ngọt và khôi phục chuỗi dinh dưỡng đa dạng vốn có, kết hợp phát triển du lịch sinh thái; chương trình nước sạch; chương trình cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông thủy, bộ; chương trình giải quyết vùng trũng về giáo dục và đào tạo nghề. Các chương trình này phải được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương phê duyệt nhằm nâng cao giá trị pháp lý để các tỉnh triển khai.
PGS.TS Trịnh Công Vấn, Viện trưởng Viện đổi mới công nghệ thủy lợi Mê Kông:
Nạo vét kênh rạch nhằm duy trì sự phát triển châu thổ
Trong bối cảnh ĐBSCL chịu nhiều thách thức từ quản lý sử dụng nguồn nước từ thượng lưu, nước biển dâng, lún sụt đất, xâm nhập mặn... việc nạo vét kênh rạch ở khu vực này càng trở nên cần thiết và luôn là sự đầu tư không hối tiếc. Vì vậy, kiến nghị Bộ NN&PTNT xây dựng một đề án hay chương trình để Chính phủ phê duyệt nhằm quản lý vận hành và duy tu hệ thống kênh rạch ở ĐBSCL trong đó xây dựng một chương trình dài hạn cho công tác nạo vét.
Như vậy trong đề án hay chương trình này cần đạt được một số mục tiêu chính gồm, xây dựng cơ sở dữ liệu về toàn bộ hệ thống kênh rạch ở ĐBSCL; phân loại các kênh có nhiệm vụ chủ yếu cho tiêu thoát lũ, cung cấp nước, trữ nước và vận tải thủy; phân cấp được quản lý Trung ương (Bộ NN&PTNT, GTVT...), cấp tỉnh, thành và cấp quản lý thấp hơn đối với việc vận hành khai thác và duy tu hệ thống kênh rạch ở ĐBSCL; xác định được kế hoạch nạo vét kênh rạch dài hạn, trung hạn và trước mắt kèm theo là kế hoạch cung cấp nguồn kinh phí cho công tác nạo vét hàng năm trong chương trình 5 - 10 năm.
Đồng thời xây dựng được một quy hoạch các “ngân hàng đất” tại ĐBSCL. Những quy định về quản lý đất dùng làm “ngân hàng đất” cũng như những diện tích không phải là “ngân hàng đất” nhưng được giải phóng và thu hồi bằng kinh phí Nhà nước để làm bãi đổ đất khi nạo vét kênh. Cuối cùng là xây dựng được các quy định liên quan đến cơ chế, chính sách để phục vụ cho quản lý công tác nạo vét nói chung, đầu tư, quản lý và vận hành khai thác các “ngân hàng đất” theo hướng tăng cường sự tham gia của khối tư nhân theo các hình thức như đầu tư công - tư (PPP).
Bà Nguyễn Hồng Lý, Phó Chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam:
Giúp nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất
Bước đầu đã có nhiều nông dân ở những vùng ven biển, xâm nhập mặn đã chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính vì vậy, đối với ngành chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, lai tạo, nhân rộng các giống cây trồng có khả năng chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập úng, có sức đề kháng sâu bệnh; tiếp tục triển khai các mô hình canh tác lúa - tôm; chuyển đổi nuôi tôm tự phát sang nuôi tôm đúng kỹ thuật GAP. Đồng thời tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi cách sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp.