Phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long

Nhân dịp năm mới 2017 ông Sơn Minh Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về những nỗ lực của Ban chỉ đạo trong năm 2016 nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế đất nước.

Ông Sơn Minh Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN

Xin ông đánh giá chung về những chương trình, kế hoạch hành động của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2016?

Thực hiện nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ giao, năm 2016 Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tập trung phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong vùng triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo cho vùng ĐBSCL. Nhiều chương trình, chính sách do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì thực hiện đã mang lại hiệu quả tích cực. Cụ thể như: tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL để mời gọi đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch cho vùng, thu hút sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ngoài ra, với vai trò là Ủy viên Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đặc biệt quan tâm theo dõi những tác động, xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông  đối với ĐBSCL; phối hợp tổ chức các hội thảo liên quan đến biến đổi khí hậu để đề xuất các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu - nước biển dâng; kịp thời tổng hợp, đề xuất Trung ương về tình hình thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL.

Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng đã làm tốt vai trò là đầu mối liên kết, phối hợp xây dựng và trình Đề án liên kết vùng ĐBSCL phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo, trái cây, thủy sản và nâng cao năng lực nông dân, đặc biệt là phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 -2020. Bên cạnh đó, năm 2016 còn phối hợp tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để giải quyết các vấn đề cấp bách của vùng liên quan đến giao thông, logistics, đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn.

Bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội cho vùng. Những năm qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã vận động các tập đoàn, doanh nghiệp, ngành ngân hàng tài trợ kinh phí để xây dựng nhà đại đoàn kết cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, cán bộ, chiến sĩ ở vùng biên giới, biển đảo. Tính theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, vùng hiện nay còn khoảng 433.000 hộ nghèo và 217.000 hộ cận nghèo.

Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã dành những quan tâm, chăm lo đặc biệt gì đối với đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2016?

Đồng bào dân tộc thiểu số ở ĐBSCL chủ yếu là người Khmer, Hoa, Chăm với tổng số trên 1,4 triệu người, chiếm khoảng 8,09% dân số của vùng. Thời gian qua, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng đã thực hiện tốt các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước cũng như về công tác dân tộc thông qua các chương trình, dự án về phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, tín dụng, giảm nghèo... Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số phần lớn ở nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh, còn thiếu các dịch vụ để nâng cao đời sống. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Nhu cầu học chữ dân tộc, nghiên cứu văn hóa truyền thống, nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thông tin, nghệ thuật dân tộc ngày càng nhiều, nhưng việc đáp ứng các nhu cầu đó còn nhỏ lẻ.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, nhiều năm qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tích cực đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là Chương trình 135, các chính sách đặc thù tại các xã nghèo, đặc biệt khó khăn; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho vùng theo chính sách đặc thù, dạy nghề cho lao động nông thôn, giảm nghèo bền vững.

Tăng cường công tác vận động quần chúng, tổ chức các cuộc họp mặt tuyên truyền, thăm hỏi nhân dịp lễ, Tết. Đề xuất các nội dung cụ thể để đáp ứng nhu cầu học chữ dân tộc, hưởng thụ văn hóa, thông tin, nghệ thuật của đồng bào các dân tộc trong vùng.

Thời gian qua, báo Tin Tức - Thông tấn xã Việt Nam đã thực hiện chuyên đề Tây Nam Bộ. Xin ông cho biết những chuyên đề này có hữu ích và góp phần hỗ trợ cho Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở ĐBSCL như thế nào? 

Các năm qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ có phối hợp với một số cơ quan báo chí thực hiện tuyên truyền theo định kỳ và đột xuất đối với các sự kiện do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì và phối hợp tổ chức. Đặc biệt, các Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ cũng đã ký kết Quy chế phối hợp thông tin tuyên truyền với Thông tấn xã Việt Nam từ năm 2013. Cụ thể hóa Quy chế phối hợp này là chuyên đề Tây Nam Bộ được thực hiện trên báo Tin Tức thời gian qua, đã góp phần không nhỏ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan.

Riêng năm 2016, chuyên đề Tây Nam Bộ đã thực hiện các bài viết như: “Đồng bằng sông Cửu Long sẵn sàng hội nhập”, “Để đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”, “Phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bằng sông Cửu Long”, “Đưa khoa học vào nông nghiệp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long”, “Liên kết để phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long”...

Đây là những chuyên đề đã phản ánh sâu rộng, phong phú về đồng bằng sông Cửu Long, ghi nhận những mặt tích cực, nỗ lực của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ trong việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Chuyên đề này cũng chỉ ra những bất cập, phản hồi ý kiến từ cơ sở, các đề xuất, kiến nghị, giải pháp phát triển bền vững vùng. Ngoài ra, chuyên đề cũng góp phần giới thiệu, quảng bá tiềm năng, mời gọi đầu tư cho ĐBSCL.

Tiếp nối những thành tựu đạt được trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ mong muốn chuyên đề của báo Tin Tức tiếp tục bám sát, đồng hành cùng với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ để có những thông tin tuyên truyền hữu ích, đóng góp cho sự phát triển và đổi thay ngày càng khởi sắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Xin cảm ơn ông!



Anh Đức (thực hiện)
Cần Thơ kỳ vọng trở thành trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long
Cần Thơ kỳ vọng trở thành trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long

Năm 2016, với sự chỉ đạo, điều hành kịp thời sát sao của các cấp lãnh đạo, sự vào cuộc quyết liệt, năng động của các cơ quan chức năng, địa phương và sự ủng hộ của nhân dân, TP Cần Thơ đã góp phần giúp Cần Thơ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN