Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số ở Sơn La

Trong hai ngày 13 và 15/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La đã giám sát việc thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025” tại huyện Quỳnh Nhai và Mường La.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi giám sát. 

Huyện Quỳnh Nhai có 11 đơn vị hành chính cấp xã, 109 bản, xóm; có 14.600 hộ, 67.159 nhân khẩu, với 6 dân tộc cùng sinh sống; dân tộc thiểu số chiếm trên 96%, trong đó dân tộc Thái chiếm 80,22%. Năm 2021, số hộ nghèo trên địa bàn huyện là 1.228, chiếm 8,41%; hộ cận nghèo là 1.618, chiếm 11,08%.

Thực hiện Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025", huyện Quỳnh Nhai đã ban hành các kế hoạch, văn bản về việc phối hợp triển khai thực hiện Đề án tại các xã: Mường Giàng, Mường Sại và Nặm Ét; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, can thiệp, triển khai mô hình.

Từ năm 2018 đến nay, huyện Quỳnh Nhai đã mở 7 hội nghị tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cho 380 đại biểu là người có uy tín, hộ đồng bào dân tộc thiểu số; 3 buổi ngoại khóa tại Trường Trung học cơ sở ở các xã Mường Giàng, Mường Sại, Nặm Ét; thành lập, duy trì hoạt động Câu lạc bộ bình đẳng giới tại bản Bung Lanh, xã Mường Giàng với 120 hộ tham gia; củng cố, kiện toàn các Tổ hòa giải tại cơ sở... Việc triển khai Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bình đẳng giới; nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Ông Vi Đức Thọ, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, Trưởng đoàn giám sát Đề án tại huyện Quỳnh Nhai, đề nghị huyện tiếp tục tăng cường phối hợp với các sở, ngành của tỉnh thực hiện Đề án; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số; lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các mục tiêu của bình đẳng giới nói chung và Đề án 1898 nói riêng. Qua đó, hình thành và nhân rộng các mô hình, cách thức hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới tại các xã, bản, xóm; trước mắt cần hỗ trợ giải quyết các vấn đề bạo lực gia đình, bảo vệ phụ nữ và trẻ em đặc biệt là trẻ em gái…

Còn tại Mường La, thực hiện Đề án giai đoạn 2018 - 2022, huyện đã tăng cường đánh giá và triển khai về thực trạng bình đẳng giới trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, y tế, gia đình, văn hóa - thông tin.

Theo đó, toàn huyện có 2 nữ giới tham gia Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, chiếm 40%; 13 nữ giới tham gia Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, chiếm 37,1%; 122 nữ giới tham gia Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, chiếm 33,4%. Toàn huyện có 120 cán bộ quản lý giáo dục, trong đó cán bộ nữ chiếm 48,3%; tổ chức 10 lớp xóa mù chữ với 244 học viên tham gia; 100% các xã, thị trấn bố trí công chức văn hóa kiêm nhiệm công tác gia đình kết hợp thực hiện công tác bình đẳng giới. Huyện cũng có 5 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững tại xã Pi Toong với 60 thành viên; 2 địa chỉ tin cậy cộng đồng tại xã Mường Bú và Hua Trai; 29 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình kết hợp nhóm liên gia tự quản tại các bản, tiểu khu. Giai đoạn 2018 - 2022, toàn huyện có 7.500 lượt người được đào tạo nghề và chuyển giao khoa học, công nghệ; 8.000 lượt người được truyền thông về pháp luật dân số, sức khỏe tiền hôn nhân, hậu quả tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, chăm sóc sức khỏe sinh sản; không xảy ra các vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em và các vụ bạo lực cơ sở giới tại nhà trường, cộng đồng…

Triển khai nhiệm vụ của Đề án giai đoạn 2022 - 2025, huyện Mường La tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến bình đẳng giới; lồng ghép nội dung tuyên truyền tại các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân tộc cho cán bộ bản, xã, tập trung tại các vùng đặc biệt khó khăn; xây dựng các mô hình câu lạc bộ bình đẳng giới trên địa bàn…

Chú thích ảnh
Đồng chí Hoàng Thị Đôi, Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc. 

Tại buổi giám sát, các đại biểu đã thảo luận các nội dung: tỷ lệ hộ gia đình thiểu số rất ít người, đặc biệt là dân tộc La Ha, được tiếp cận thông tin về giới, pháp luật về bình đẳng giới; tuyên truyền kỹ năng sống về giới, bình đẳng giới trong các trường học bán trú và dân tộc nội trú; tập huấn cho đội ngũ cán bộ tham gia Đề án; tư vấn, can thiệp triển khai mô hình điểm; thanh tra, kiểm tra và nguồn kinh phí triển khai Đề án…

Bà Hoàng Thị Đôi, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, Trưởng đoàn giám sát Đề án tại huyện Mường La cho biết: Thực hiện Quyết định số 1898 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân huyện Mường La đã rất tích cực, nỗ lực triển khai Đề án và lồng ghép với các chương trình, dự án, mô hình sinh kế đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Khi triển khai thực hiện đã có những hiệu quả rõ rệt; công tác phổ biến thông tin về pháp luật, bình đẳng giới đã được tuyên truyền đầy đủ đến các hộ đồng bào dân tộc La Ha nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số nói chung trên địa bàn huyện. Đặc biệt, thực trạng bình đẳng giới có nhiều khởi sắc, các vụ việc buôn bán phụ nữ, trẻ em, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống không xảy ra; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm.

Tin, ảnh: Quang Quyết (TTXVN)
Hành trình bình đẳng dân tộc và bình đẳng giới
Hành trình bình đẳng dân tộc và bình đẳng giới

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước toàn thể đồng bào cả nước và toàn thể thế giới: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN