Dưới đây là nội dung bài trả lời phỏng vấn.
Xin Đại sứ cho biết mục đích, ý nghĩa và nội dung chính của Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu năm 2022?
Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu là một trong những sự kiện quốc tế quan trọng được tổ chức hàng năm từ năm 1990, luôn nhận được sự quan tâm và tham gia của các nữ lãnh đạo nhà nước, Chính phủ và các doanh nghiệp từ khắp mọi nơi trên thế giới. Trong những năm gần đây, có khoảng 1.000 nữ chính khách và doanh nhân đến từ hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Hội nghị mỗi năm.
Với mục tiêu tạo diễn đàn kết nối và trao đổi giữa nữ lãnh đạo các cơ quan chính phủ và nữ lãnh đạo các doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, mở rộng cơ hội kinh tế cho phụ nữ, khuyến khích vai trò lãnh đạo và đóng góp của phụ nữ trong phát triển kinh tế quốc gia và kinh tế toàn cầu, những năm gần đây Hội nghị tập trung vào các chủ đề liên quan tới hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao kỹ năng quản lý doanh nghiệp, kỹ năng lãnh đạo của phụ nữ, thúc đẩy cơ hội kinh doanh cho phụ nữ….
GSW 2022 diễn ra từ ngày 23 – 25/6 do Thái Lan đăng cai tổ chức với chủ đề “Phụ nữ: Tạo cơ hội trong thực trạng mới”. Chương trình gồm gồm 10 phiên toàn thể, một phiên thảo luận cấp Bộ trưởng và 8 phiên thảo luận chuyên đề, tập trung vào các nội hàm thiết thực, được cộng đồng quốc tế dành nhiều quan tâm trong giai đoạn hiện nay như: đối tác công – tư trong việc tăng cường cơ hội kinh tế cho phụ nữ; những thách thức và xu hướng mới nổi; công tác quản lý trước thách thức từ môi trường rủi ro; tận dụng công nghệ để mở rộng kinh doanh quốc tế; sự hỗ trợ của công nghệ trong duy trì các doanh nghiệp quy mô nhỏ; bảo vệ các hoạt động thương mại trong kỷ nguyên số; duy trì lực lượng lao động đa thế hệ...\
Đại sứ đánh giá như thế nào về sự tham gia của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu, đặc biệt là vai trò của phụ nữ trong quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19?
Việt Nam thường tham dự Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu ở cấp cao do Phó Chủ tịch nước ta làm Trưởng đoàn và có nhiều đóng góp thực chất. Năm 2008, Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị tại Hà Nội với chủ đề “Phụ nữ và Châu Á – Động lực của nền kinh tế toàn cầu”. Năm 2021, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân làm Trưởng đoàn Việt Nam tham dự GSW lần thứ 21 tại Lisbon (Bồ Đào Nha) và có nhiều đóng góp tích cực, được Hội nghị đánh giá cao. Ghi nhận những đóng góp tích cực của Đoàn Việt Nam trong 20 năm qua, năm 2021, Việt Nam đã được trao giải Quốc gia Lãnh đạo nhằm tôn vinh những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Việt Nam đặc biệt coi trọng bảo đảm bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua và được dự báo sẽ là một trong những nước hoàn thành sớm Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) về bình đẳng giới.
Đại dịch COVID-19 chính là hồi chuông cảnh tỉnh sâu sắc, thúc giục các quốc gia và cộng đồng quốc tế phải chung tay hành động mạnh mẽ không chỉ kiểm soát dịch bệnh, giữ vững ổn định xã hội, mà còn cần phục hồi và phát triển theo hướng bền vững, bao trùm và sáng tạo, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với tăng trưởng xanh, trong đó phụ nữ không chỉ cùng vươn lên hội nhập, bắt kịp mà còn đi đầu, tham gia dẫn dắt những xu hướng phát triển của thời đại. Tại GSW năm 2021, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân kêu gọi quốc tế cần phát huy hơn nữa vai trò và sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của của phụ nữ trong ngăn ngừa xung đột và giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống, tạo nền tảng vững chắc để chuyển đổi các nền kinh tế.
Trong quá trình phục hồi sau đại dịch, phụ nữ cần được tạo mọi điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn lực, tri thức và ứng dụng khoa học công nghệ, được trang bị kỹ năng để khởi nghiệp và phát triển kinh tế số cũng như được tôn vinh xứng đáng khi có các sáng kiến xuất sắc về bảo đảm đa dạng giới trong lãnh đạo doanh nghiệp và các phụ nữ làm chủ các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ đóng góp tích cực cho xã hội, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường.
Theo Đại sứ, việc Phó Chủ tịch nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu lần này có ý nghĩa như thế nào đối với việc thúc đẩy bình đẳng giới và tạo những cơ hội mới cho phụ nữ ở Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung?
Thế giới đã đạt nhiều tiến bộ trong thúc đẩy bình đẳng giới, song các nỗ lực đảm bảo bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ còn gặp nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19 hiện nay. Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như vấn đề chênh lệch giới tính khi sinh; khoảng cách giới trong thu nhập và trong điều kiện sống giữa các vùng miền; đảm bảo đời sống cho phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa…
Việc Việt Nam tham gia GSW một cách tích cực, ở cấp cao với sự tham gia của nhiều bộ, ban, ngành, tổ chức, doanh nhân nữ tiêu biểu…, thể hiện quyết tâm của ta trong thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới trên toàn cầu thông qua tăng cường sự lãnh đạo và tham gia của phụ nữ, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, đẩy mạnh trao quyền kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì phát triển bền vững, đặc biệt là các nội dung liên quan tới hỗ trợ các nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương như phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, người tị nạn và người nhập cư. Hội nghị năm nay với chủ đề “Phụ nữ: Tạo cơ hội trong thực trạng mới” sẽ là dịp tốt để Việt Nam đưa ra nhiều hơn nữa những đề xuất và sáng kiến nhằm tạo thêm nhiều cơ hội cho phụ nữ Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung được trao quyền mạnh mẽ hơn trong quá trình phục hồi sau đại dịch và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Nhân dịp tham dự Hội nghị GSW, Phó Chủ tịch nước sẽ có các cuộc gặp song phương với lãnh đạo nước chủ nhà Thái Lan. Đại sứ đánh giá như thế nào về sự phát triển quan hệ Việt Nam – Thái Lan những năm gần đây, cả trên bình diện song phương và trong khuôn khổ ASEAN?`
Việt Nam và Thái Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 6/8/1976, trải qua hơn 45 năm hợp tác và phát triển, mặc dù trải qua những thăng trầm do biến động tại khu vực và mỗi nước, song quan hệ Việt Nam-Thái Lan vẫn luôn được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước gìn giữ, củng cố, ngày càng tin cậy và đến nay đã phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân vv...
Hai nước đã có nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thái Lan (06/8/1976 - 06/8/2021). Mặc dù trong bối cảnh dịch COVID-19, hai bên thường xuyên duy trì các cuộc tiếp xúc cấp cao và các cơ chế hợp tác song phương. Chuyến thăm Thái Lan và tham dự Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước tái khởi động các chuyến thăm cấp cao, tiếp xúc song phương sau đại dịch COVID-19. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sang thăm Thái Lan dự Hội nghị cấp cao APEC tháng 11/2022.
Thái Lan là quốc gia duy nhất mà Chính phủ Việt Nam có cơ chế họp Nội các chung rất hiệu quả, với sự chủ trì của hai Thủ tướng và tất cả các thành viên chính phủ hai nước tham dự. Lãnh đạo hai nước đã thống nhất tổ chức họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ tư vào thời gian phù hợp; sớm ký Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2021-2025; và hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2023.
Hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư là một trong những trụ cột, nền tảng giữa hai nước. Trong 6 tháng đầu năm nay, bất chấp tình hình dịch bệnh COVID-19, kim ngạch thương mại song phương ước đạt khoảng 10 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Hai bên đang đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 25 tỷ USD vào năm 2025. Bên cạnh đó, hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch… diễn ra sôi động, giao lưu nhân dân sâu đậm dựa trên sự gần gũi về địa lý, sự tương đồng về văn hóa, xã hội, ẩm thực.
Với vị trí địa lý thuận tiện, Thái Lan và Việt Nam nằm trong nhóm 12 thị trường du lịch hàng đầu của nhau. Lượng khách du lịch Thái Lan đến Việt Nam đứng thứ 10 trong số khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam và đứng thứ 4 trong nhóm các nước ASEAN. Một điểm nhấn trong quan hệ đang ngày càng tốt đẹp giữa hai nước là sự phát triển không ngừng của cộng đồng người Việt tại Thái Lan, những người con xa xứ luôn hướng về cội nguồn và có nhiều đóng góp cho địa phương nơi sinh sống, là cầu nối quan trọng cho tình hữu nghị hai nước.
Trong khuôn khổ hợp tác tại ASEAN, Việt Nam và Thái Lan hợp tác chặt chẽ và luôn ủng hộ lẫn nhau tại ASEAN và các cơ chế hợp tác Tiểu vùng sông Mekong, có chung quan điểm trong việc thúc đẩy xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm ở khu vực, phát huy tiếng nói trong các vấn đề chung của khu vực cũng như đang nỗ lực hợp tác để xây dựng một khu vực ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay, quan hệ Việt Nam - Thái Lan sẽ có nhiều động lực mới để phát triển toàn diện và vững chắc hơn nữa trong tương lai, bổ sung cho nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở khu vực cũng như trên thế giới.
Cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan là một cộng đồng vững mạnh, luôn hướng về quê hương đất nước và góp phần thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước, Đại sứ đánh giá như thế nào về việc này?
Có thể nói kiều bào Thái Lan đã có những đóng góp quan trọng trong hai cuộc kháng chiến và ngày nay khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới, hội nhập quốc tế. Cộng đồng người Việt Nam ở Thái Lan có lịch sử lâu đời và hội nhập tốt với sở tại, đóng góp cho sự phát triển quan hệ Việt Nam - Thái Lan, luôn hướng về quê hương, đất nước. Trong thời gian khó khăn chung do đại dịch COVID-19 vừa qua, cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, có những đóng góp nổi bật hướng về quê hương đất nước cũng như đóng góp tại sở tại. Có thể điểm qua một số hoạt động chính ủng hộ về nước như ủng hộ lũ lụt ở miền Trung Việt Nam năm 2020, ủng hộ Quỹ vaccine trong nước số tiền hơn 1 triệu baht Thái (hơn 1 tỷ đồng) năm 2021 và ủng hộ xuồng chủ quyền huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 đầu năm 2022.
Bà con có nhiều người thành đạt và có nhiều tham gia tích cực trong chính quyền, trí thức khoa học kỹ thuật, nhiều người trở thành doanh nhân giàu có, tướng lĩnh, có vị trí trong xã hội. Do tạo lập được hệ thống tổ chức tốt, có khả năng về kinh tế và vai trong xã hội, hệ thống kiếu bào ta đã có đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế xã hội tại nhiều địa phương, được chính quyền và nhân dân sở tại đánh giá cao. Nhiều nơi, người Thái gốc Việt được bầu vào các vị trí trong chính quyền sở tại. Ngoài ra, tại một số địa phương, chính quyền bạn đã chủ động mời Hội Việt kiều tham gia vào thành phần các hoạt động và tổ chức tại địa phương.
Từ khi các hạn chế để phòng chống dịch COVID-19 dần được nới lỏng, từ đầu tháng 5/2022 đến nay đã có các chuyến công tác của lãnh đạo các cấp trong nước kết hợp thăm cộng đồng và kiều bào, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho bà con. Sắp tới, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ sang Thái Lan tham dự Hội nghị Thượng định Phụ nữ Toàn cầu, đồng thời sẽ có chuyến thăm cộng đồng người Việt tại tỉnh Udon Thani. Đây là một trong những tỉnh có đông kiều bào và Khu Di tích Bác Hồ, có các hoạt động phong trào sôi nổi, đặc biệt phong trào dạy học tiếng Việt. Udon Thani cũng là nơi thuận lợi để cộng đồng ta tại các tỉnh đông bắc Thái Lan cùng tham gia, bà con rất phấn khởi chuẩn bị cho sự kiện này.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của TTXVN.