Giải pháp nâng chất lượng nhân lực vùng ĐBSCL

Sau khi chuyên đề “Đầu tư phát triển nguồn nhân lực vùng ĐBSCL” đăng trên báo Tin tức Cuối tuần số 49, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng việc đào tạo nguồn nhân lực cần được triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND Tp Cần Thơ: 

Thu hút nhân lực chất lượng cao  

Hiện nay các chế độ chính sách chưa khuyến khích cho những người làm khoa học chuyên sâu, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, chế độ tiền lương chưa phù hợp, cơ chế quản lý chưa khuyến khích sự vươn lên của cán bộ, công chức… nên nhân lực chất lượng cao được đào tạo ở nước ngoài phần lớn học xong không về nước. 

Điều này dẫn đến thực trạng là nhiều đơn vị phải sử dụng lại cả các cán bộ đã nghỉ hưu vì thiếu nguồn nhân lực phù hợp. Chính những bất cập trên đã và đang hạn chế sự phát triển nguồn nhân lực không chỉ của riêng thành phố Cần Thơ mà còn của cả vùng. 

Công nhân đang chế biến cá tra xuất khẩu tại công ty Bianfishco, thánh phố Cần Thơ.


Ông Hoàng Minh Châu, nguyên Phó Chủ tịch tập đoàn FPT: 

Đào tạo bám sát nhu cầu doanh nghiệp

Hiện có khoảng cách giữa chương trình đào tạo với nhu cầu làm việc của doanh nghiệp. Chẳng hạn như ngành công nghệ thông tin, nếu trước đây từ một nghiên cứu ra thị trường cần khoảng vài năm thì bây giờ chỉ cần ba tháng. Vì vậy, nếu chương trình dạy không được cập nhật sớm sẽ rất dễ lạc hậu, buộc doanh nghiệp phải tái đào tạo. Hiện môi trường ở các trường đại học vẫn chú trọng đào tạo các nhà nghiên cứu, nhưng nếu làm việc trong cuộc sống, trong doanh nghiệp thì cần phải học thêm những kỹ năng, kiến thúc phù hợp với doanh nghiệp. 

TS Nguyễn Quốc Việt, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội): 

Đột phá về nhân lực để tăng trưởng

Trong ba khâu đột phá nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bao gồm: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thì khâu đột phá về chất lượng nguồn nhân lực là ít động thái nhất trong thời gian vừa qua.  

Đây được coi là khâu quan trọng nhất trong ba khâu đột phá, có vai trò chi phối việc thực hiện các đột phá khác. Vì chính con người tạo ra và thực thi thể chế, xây dựng bộ máy, quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng. Thực hiện tốt đột phá này sẽ làm tăng sức mạnh mềm của quốc gia, tạo ra sức mạnh tổng hợp, có ảnh hưởng quyết định đến việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng - một quan điểm quan trọng mà Đại hội XI đã xác định.  

Trên thế giới, quốc gia nào xây dựng và phát huy tốt nguồn lực con người thì hoàn toàn có thể thực hiện thành công chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa rút ngắn. Những năm qua, chúng ta đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực vẫn còn nhiều bất cập, tỉ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề không hợp lý.  

Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Tp Hồ Chí Minh:

Trách nhiệm doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực

Để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào hoạt động dạy nghề, cần quy định rõ quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp. Truớc hết, doanh nghiệp cần nhận thức dạy nghề chính là đào tạo lao động cho doanh nghiệp. 

Vì thế, muốn tuyển dụng được lao động có tay nghề, doanh nghiệp phải có trách nhiệm tham gia vào dạy nghề. Cùng với đó, Nhà nước cần có cơ chế đảm bảo lợi ích, đặc biệt là lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, cụ thể như giảm trừ thuế cho doanh nghiệp… khi tham gia đào tạo cùng nhà trường.  

Thạc sĩ Hà Thị Thuỳ Dương, Học viện Chính trị khu vực IV:

Quy hoạch mạng lưới trường lớp, ngành nghề 

Việc quy hoạch mạng lưới các trường lớp, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực của vùng nên gắn chặt với quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL trong tương lai. Theo đó, trên cơ sở quy hoạch của vùng và dự báo về nhu cầu nhân lực trong các ngành nghề của vùng trong tương lai để xây dựng hệ thống các ngành nghề cần được đào tạo tại các cơ sở đào tạo của vùng. 

Từ đó, quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo theo hướng mỗi cơ sở đào tạo tập trung ưu tiên phát triển đào tạo một số ngành nghề chuyên ngành nhất định có thế mạnh và tiềm năng về đội ngũ cán bộ, giảng viên, trang thiết bị. Hiện nay nhu cầu về nguồn nhân lực trong nông nghiệp của vùng ĐBSCL là rất lớn, vì vậy các cơ sở đào tạo trước mắt cần ưu tiên đào tạo những ngành nghề liên quan đến kỹ thuật nông nghiệp hiện đại. 

Ngoài ra, phát triển nguồn nhân lực vùng ĐBSCL hiện nay cần chú trọng đào tạo ngắn hạn với tạo nguồn phát triển lâu dài, cân đối phát triển giáo dục đào tạo với tăng cường dạy nghề. Để đáp ứng yêu cầu trước mắt về nguồn nhân lực và đảm bảo cơ cấu trình độ đào tạo hợp lý cần phát triển đa dạng các loại hình dạy nghề, mở rộng mạng lưới đào tạo sau phổ thông phải được khẳng định là giải pháp tích cực. 

Chủ động và linh hoạt trong tuyển sinh học nghề, nhất là dạy nghề trình độ trung cấp cho các đối tượng đã tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng không có điều kiện học tiếp lên trung học phổ thông. Đồng thời chú trọng việc dạy nghề để cung ứng nguồn lao động cho các khu, cụm công nghiệp tại địa phương và kể cả cho các tỉnh, vùng khác.

Anh Đức
Tháo gỡ “điểm nghẽn”  nguồn nhân lực ở đồng bằng sông Cửu Long
Tháo gỡ “điểm nghẽn” nguồn nhân lực ở đồng bằng sông Cửu Long

“Điểm nghẽn” lớn nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều năm qua là chất lượng nguồn nhân lực chưa đảm bảo yêu cầu phát triển của vùng, đặc biệt trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN