Hội thảo do Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và hội chợ triển lãm Cần Thơ, trường Đại học Soon Chun Hyang (Hàn Quốc) phối hợp tổ chức. Đây là lần thứ hai hội thảo được tổ chức tại Cần Thơ sau lần đầu tiên vào tháng 10/2014.
Hội thảo Quốc tế “Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long”. |
Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế năng động, phát triển, là vùng có tiềm năng, thế mạnh phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp thực phẩm, phát triển du lịch và là vùng sản xuất lương thực trọng điểm quốc gia. Với diện tích 40.000 km2 và dân số khoảng 18 triệu người, hàng năm, khu vực này đóng góp 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản và 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Thời gian qua, giữa thành phố Cần Thơ và Hàn Quốc, đặc biệt là trường Đại học Soon Chun Hyang đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, gắn bó. Việc hợp tác này không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của Cần Thơ mà còn cho cả vùng.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, hội thảo là cơ hội trao đổi hai chiều, ngoài thảo luận về định hướng phát triển Đồng bằng sông Cửu Long một cách bền vững và các giải pháp để Cần Thơ sớm trở thành đô thị thông minh - trung tâm của vùng, thì còn là dịp để thành phố lắng nghe những ý kiến, đóng góp của các chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp của cả Hàn Quốc và Việt Nam.
Ông Kyoil Suh, Hiệu trưởng trường Đại học Soon Chun Hyang cho biết, Tuần lễ hỗ trợ, hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang diễn ra tại Cần Thơ đã tạo sự kết nối giữa trường học, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức giữa hai nước. Đây là chương trình nhằm tiếp tục phát triển mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc. Đồng thời, tạo điều kiện để hai nước giao lưu, hoạc hỏi kinh nghiệm và tri thức nhằm mục đích hợp tác phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, về phía Hàn Quốc cũng sẽ chuyển giao kỹ thuật hiện đại đến Việt Nam.
Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, PGS. TS Hà Thanh Toàn đánh giá, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều khó khăn. Theo đó, quy mô, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế còn nhỏ, yếu, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; nông ngiệp còn nhiều khó khăn trong xây dựng thương hiệu và giải quyết đầu ra cho nông sản; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đang được cải thiện nhưng vẫn còn chưa đồng bộ… là những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát triển chung của khu vực, làm giảm thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Do đó, Đồng bằng sông Cửu Long cần có sự liên kết hợp tác trong nước và quốc tế để tạo thêm động lực thúc đẩy kinh tế vùng. Trong đó, phải quan tâm đến vấn đề liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho vùng.
Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ cho biết, thời gian qua, nhà trường đã đặt mối quan hệ hợp tác với rất nhiều nhiều viện, trường của Hàn Quốc. Các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi học viên và giảng viên đã liên tục được thực hiện.
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Lee Huyk, đánh giá Cần Thơ, trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là địa phương có tiềm năng phát triển rất mạnh trong thời gian tới. Theo ông Lee Huyk, hiện tại Hàn Quốc đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với 50 tỷ USD. Tuy nhiên, tại Cần Thơ thì nhà đầu tư Hàn Quốc mới chỉ có 9 dự án với hơn 340 triệu USD là chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của cả hai bên.
Ông Lee Huyk khẳng định, sẽ nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc và Cần Thơ ngày càng sâu, rộng và mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, giúp cho các nhà đầu tư Hàn Quốc có cái nhìn mới về Cần Thơ.
Ông Trần Hữu Hiệp, Uỷ viên chuyên trách kinh tế - Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ nhận định, Đồng bằng sông Cửu Long có những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội. Đồng bằng sông Cửu Long có cả 3 cánh cửa phát triển: Đường hàng không, hàng hải và hành lang biên giới Tây Nam. Cơ sở hạ tầng, các đường trục chính ở Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế nhưng so với trước đây đã có sự phát triển và đang tiếp tục được đầu tư, xây dựng. Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng về nông nghiệp, thủy sản, kinh tế biển. Bên cạnh đó, nguồn lực từ năng lượng tái tạo, điện gió cũng đã được vùng khai thác hiệu quả.
Theo ông Trần Hữu Hiệp, muốn phát triển hiệu quả vùng kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long cần phải nhận diện rõ thách thức và trở ngại của vùng, đồng thời thích ứng và biến đổi thành cơ hội phát triển. Các thách thức về cơ sở hạ tầng, những vướng mắc khi chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại hay chất lượng nhân lực, năng lực quản trị cũng sẽ biến thành cơ hội nếu các đơn vị, doanh nghiệp nỗ lực hợp tác phát triển.
Ông Hiệp đề xuất, thời gian tới, cần tiếp tục sử dụng hiệu quả quỹ đất trồng lúa, tăng diện tích luân canh lúa - màu và lúa - thủy sản; chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung, tăng cường kiểm soát dịch bệnh, xử lý tốt môi trường trong chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường hợp tác, đầu tư, thương mại, du lịch theo các chuỗi giá trị để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.