Cần Thơ phát huy lợi thế giao thông thủy

Thành phố Cần Thơ cần tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thủy nhằm phát huy lợi thế của mình và đáp ứng yêu cầu trở thành trung tâm Logistics trọng điểm của vùng ĐBSCL.

Còn hạn chế

Thành phố Cần Thơ có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt; đồng thời nằm giáp dòng sông Hậu, từ đây có thể đi đến các cảng Cần Thơ, Mỹ Thới và các cảng khác trên thượng lưu và là tuyến triển vọng nhất nối đến cảng Phnom Penh (Campuchia).

Tính đến nay, có 6 tuyến đường quốc gia dài khoảng 134,9 km qua địa bàn thành phố Cần Thơ do Bộ Giao thông Vận tải quản lý cơ bản đáp ứng yêu cầu khai thác vận tải thủy quốc gia và liên vùng. Còn hệ thống đường thủy nội địa do thành phố quản lý gồm 6 tuyến đạt cấp IV theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường thủy nội địa và 144 tuyến do các quận, huyện quản lý với tổng chiều dài 740,28 km.

Tiếp nhận container hàng hóa tại cảng Tân Cảng - Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Trên thực tế do nguồn lực còn hạn chế nên thành phố Cần Thơ chỉ đầu tư nạo vét một số tuyến chính như: kênh Đứng, kênh Thốt Nốt… còn nhiều kênh còn lại chưa được nạo vét. Chính vì vậy, tình hình khai thác vận tải còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện địa hình sông rạch tự nhiên, đường đi quanh co dẫn đến cự ly hành trình dài. Nhiều tuyến vận tải chịu ảnh hưởng lớn của thủy triều, phương tiện lớn phải chờ nước lên mới hoạt động được, có những đoạn có tốc độ bồi lắng cao, luồng thường xuyên bị cạn. Điều này cho thấy lĩnh vực giao thông thủy hiện vẫn còn đang sử dụng ưu thế sẵn có mà chưa đủ nguồn lực để cải tạo - nâng cấp.

Có thể dẫn chứng như tuyến đường thủy nội địa quốc gia kênh Thị Đội - Ô Môn dài 27,5 km (đoạn qua thành phố Cần Thơ dài 14,5 km) kết nối vận tải giữa thành phố Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang bị khan cạn, luồng hẹp với bề rộng luồng trung bình chỉ đạt 18 mét, sâu khoảng 2 mét làm hạn chế vận tải đối với các phương tiện thủy lưu thông trên tuyến. Tuy nhiên đến nay dù thành phố Cần Thơ đã tranh thủ mọi nguồn lực nhưng chỉ đủ để nạo vét một phần kênh Thị Đội, kênh xáng Ô Môn.

Vận chuyển container hàng hóa tại cảng Tân Cảng - Thốt Nốt (Cần Thơ) trong ngày khai trương. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Tương tự như tuyến sông Hậu đoạn qua địa bàn thành phố phát sinh nhiều khu vực nước nông, khu vực bãi cạn dịch chuyển theo động lực sông về phía hạ lưu làm thay đổi luồng chạy tàu, đặc biệt là khu vực cửa sông (cửa Định An). Đây là một trong những trở ngại lớn đối với giao thông thủy, gây cản trở giao thông, hạn chế khả năng ra vào cảng Cần Thơ, cụm cảng Trà Nóc và các cảng khác phía thượng lưu đối với các tàu trọng tải lớn hơn 10.000 tấn.

Đứng trước những hạn chế nói trên, thành phố Cần Thơ cần phải tập trung mọi nguồn lực đầu tư đúng mức vào lĩnh vực giao thông thủy thì mới từng bước đáp ứng yêu cầu trở thành trung tâm Logistics cho vùng ĐBSCL. Chính vì vậy, vừa qua thành phố đã ban hành quy hoạch mạng lưới đường thủy nội địa thành phố Cần Thơ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, từ nay đến năm 2030. Theo đó, thành phố Cần Thơ có kế hoạch sẽ đầu tư hơn 864 tỷ đồng để cải tạo và phát triển hệ thống đường thủy nội địa, phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa và giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ.

Huy động mọi nguồn vốn để đầu tư

Kế hoạch đầu tư nói trên đã được UBND thành phố Cần Thơ trình HĐND thành phố tại kỳ họp lần thứ II, HĐND thành phố khóa IX nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra từ ngày 20 - 22/7 vừa qua. Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2020 sẽ đầu tư 390 tỷ đồng. Giai đoạn từ năm 2021 - 2030 đầu tư hơn 474 tỷ đồng. Kinh phí trên được thực hiện bao gồm vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương (chi đầu tư phát triển, chi sự nghiệp), vốn vay địa phương, vốn xã hội hóa và nguồn tài trợ nước ngoài (ODA,WB…).

Đối với hệ thống đường thủy do thành phố quản lý sẽ sử dụng khoảng 40% ngân sách thành phố, 20% ngân sách trung ương, 25% vốn xã hội hóa và 17% nguồn vốn khác. Hệ thống đường thủy do quận, huyện quản lý thì sẽ sử dụng 45% ngân sách quận, huyện; 20% ngân sách thành phố, 10% ngân sách trung ương, 15% vốn xã hội hóa và 10% từ nguồn vốn khác.

Để huy động vốn đầu tư, thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục xây dựng thể chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy, xem xét kết hợp nạo vét luồng vận tải thủy với tận thu sản phẩm. Đồng thời, tập trung nguồn vốn ngoài ngân sách vào phát triển cảng, cơ sở công nghiệp đóng mới và sửa chữa phương tiện; thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp đường thủy nội địa, nhằm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng lực huy động vốn cho đầu tư phát triển.

Thành phố cũng ưu tiên bố trí đủ kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho công tác thực hiện quy hoạch mạng lưới đường thủy nội địa đã được UBND thành phố phê duyệt, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách thành phố. Ngoài ra, ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi như vốn ODA, vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa phục vụ vận tải hành khách, vận tải container...

Sau khi triển khai thực hiện, các tuyến giao thông chính sẽ đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống báo hiệu, quản lý, đảm bảo cho phương tiện đi lại 24/24 giờ với tải trọng tối thiểu 50 tấn. Hình thành các tuyến trục chính và các trục kết nối để tăng cường khả năng kết nối thuận tiện từ mọi khu vực ra tới các tuyến đường thủy liên tỉnh, từ trung tâm thành phố đến các quận, huyện, kết nối liên huyện; kết nối tới các khu vực kinh tế, kết nối với cảng thủy nội địa, cảng biển, rút ngắn cự ly vận tải.

Các tuyến nội huyện cũng sẽ liên thông đồng bộ, thuận lợi cho các phương tiện trọng tải từ 10 tấn, tàu khách 50 ghế đến tất cả các trung tâm huyện. Đồng thời, đa dạng hóa lực lượng vận tải và chủng loại phương tiện giao thông đường thủy, đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng vận tải tương ứng mức phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Nâng cao chất lượng phương tiện và dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách, tăng năng suất, giảm giá thành, đảm bảo an toàn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường. Đến năm 2020, vận tải đường thủy nội địa phấn đấu đảm nhận từ 70 - 75% khối lượng vận chuyển hàng hóa và đảm nhận từ 80 - 85% đến năm 2030.
Ngọc Thiện - Đức Anh
Cần Thơ triển khai đề án Bảo tồn chợ nổi Cái Răng
Cần Thơ triển khai đề án Bảo tồn chợ nổi Cái Răng

Việc bảo tồn chợ nổi Cái Răng còn là một chiến lược đưa thành phố Cần Thơ phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hóa địa phương, xứng đáng là thành phố trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long về du lịch. Ngày 9/7 hàng năm sẽ được chọn là Ngày hội du lịch chợ nổi Cái Răng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN