Cần Thơ đột phá phát triển giao thông

Lĩnh vực giao thông được xem là một trong những mũi đột phá giúp Cần Thơ nâng cao vị thế, phát triển về mọi mặt, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đi trước một bước

Có thể nói, lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) TP Cần Thơ đã đi trước một bước với việc hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều công trình dự án lớn trên địa bàn, giúp mở đường cho thành phố phát triển, cải thiện nhanh vị thế xứng đáng là trung tâm đầu mối giao thông của vùng.

Cụ thể, tuyến giao thông quan trọng TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ (hướng đông), kết nối 2 trung tâm kinh tế lớn ở khu vực phía nam đã được Bộ GTVT quan tâm đầu tư và bố trí nguồn vốn, đến nay đã được cải thiện đáng kể nhờ hoàn thành tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 đoạn Trung Lương - Cần Thơ và đặc biệt là tập trung tháo gỡ khó khăn để hoàn thành đưa vào sử dụng cầu Cần Thơ. 

Cầu Cần Thơ. Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Hướng giao thông thứ 2 từ Cần Thơ đi về phía nam qua các tỉnh Nam sông Hậu như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau cũng đã được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng. Hướng về phía bắc, mở rộng quốc lộ 91 từ Cần Thơ đi An Giang và dự án này hiện nay đang được triển khai thi công. Còn hướng phía tây, đến nay đã hoàn thành tuyến quốc lộ 61 đoạn Cần Thơ - Vị Thanh (Hậu Giang). Như vậy, về giao thông đường bộ, bước đầu TP Cần Thơ đã kết nối được với các tỉnh thành trong khu vực theo 4 hướng, trở thành trung tâm đầu mối giao thông kết nối các tỉnh thành trong khu vực. Thời gian tới, Bộ GTVT quyết tâm hoàn thành cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống (cầu Cần Thơ 2) hình thành trực giao thông thông suốt từ Kiên Giang, An Giang đi qua Cần Thơ về TP Hồ Chí Minh, mở ra một hướng giao thông đường bộ quan trọng cho Cần Thơ và các tỉnh trong khu vực. 

Trong lĩnh vực hàng không, Cần Thơ cũng đã cải tạo nâng cấp hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng sân bay quốc tế Cần Thơ. Đây là sân bay được đầu tư không chỉ phục vụ kết nối giao thông của Cần Thơ mà cho cả khu vực ĐBSCL với các khu vực khác trong nước và quốc tế. Bước đầu, sân bay quốc tế Cần Thơ đã mở được các tuyến bay Cần Thơ - Hà Nội, Cần Thơ - Đà Nẵng, Cần Thơ - Phú Quốc, Cần Thơ - Đài Loan và trong tương lai không xa sẽ tiếp tục kết nối Cần Thơ với các khu vực khác trong cả nước và các nước trong khu vực.

Xứng tầm là trung tâm vùng ĐBSCL

Theo ông Lư Thành Đồng, Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ, địa phương này đang triển khai kế hoạch đầu tư trên 13.000 tỷ đồng phát triển giao thông thủy bộ và hàng không từ nay đến năm 2020 nhằm xứng tầm là trung tâm vùng ĐBSCL theo quy hoạch của Chính phủ. 

Theo đó, bằng nhiều nguồn vốn, chủ yếu huy động ngoài ngân sách, từ nay đến cuối năm 2017, Cần Thơ xây dựng đường ô tô đến trung tâm 2 xã chưa có đường ô tô; nâng cấp các tỉnh lộ 919, 922, 923, 924, 926, 932, 934, Trà Nóc - Thới An Đông - Lộ Bức từ cấp V (mặt đường rộng 5,5 m) lên cấp IV đồng bằng (mặt đường rộng 7,5 m) với tổng chiều dài 170 km. Các trục dọc trong nội thành như quốc lộ 91, 91B, Mậu Thân, Nguyễn Văn Cừ, được mở rộng lộ giới từ 40 - 72 m. Các trục ngang như đại lộ Hòa Bình, đường 30 Tháng 4, Trần Phú, Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, 3 Tháng 2 được chỉnh trang, hoàn thiện với lộ giới từ 40 - 53 m. Cần Thơ xây dựng bến xe mới tại quận Cái Răng rộng 20 ha; các bến xe hiện hữu trong nội ô sẽ được chuyển thành bến xe buýt. Mỗi quận, huyện đều bố trí một bến xe khách có diện tích từ 1 - 2 ha. Bến tàu du lịch bố trí tại bến Ninh Kiều, bến tàu khách sẽ chuyển về bến phà Hậu Giang hiện hữu. 

Ngoài ra, các cảng Cần Thơ, Hoàng Diệu, Trà Nóc, Cái Cui cũng được nâng cấp theo chiều sâu. Trong đó, nâng cấp cảng Cần Thơ thành cảng tổng hợp quốc gia, có công suất vận chuyển 11,5 triệu tấn hàng hóa/năm; xây dựng thêm 1 bến tàu dài 410 m tại cảng Hoàng Diệu cho tàu 5.000 tấn/chiếc cập cảng, nâng năng lực hàng hóa thông qua cảng 2,4 triệu tấn/năm; nâng cấp cảng Trà Nóc thành cảng chuyên vận chuyển xăng dầu, có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng 10.000 tấn/chiếc cập cảng. Bên cạnh đó, Cần Thơ mở tuyến giao thông thủy quốc tế trên sông Hậu và giao thông nội địa với các tuyến kênh Cái Sắn, sông Cần Thơ, kênh xáng Xà No, rạch Ô Môn, Thốt Nốt đồng thời nạo vét các kênh rạch khác tại các quận, huyện, bảo đảm cho các phương tiện từ 5 tấn trở lên lưu thông thuận lợi; nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa trên sông Hậu, sông Cần Thơ, kênh Xà No, kênh Rạch Sỏi - Hậu Giang, sông Ô Môn, kênh Thị Đội, luồng Định An, sông Ba Láng, sông Cần Thơ, rạch Cầu Nhiếm, sông Trà Nóc, kênh Thốt Nốt, kênh Bà Đầm. 

Sau năm 2017, Cần Thơ xây dựng cầu qua cù lao Tân Lộc, cầu chữ Y nối liền cồn Cái Khế với cồn Ấu và Xóm Chài thuộc quận Cái Răng, cầu Trần Hoàng Na, cầu Xóm Chài; nâng cấp dường Nam sông Hậu dài 9,5 km theo chuẩn đường từ cấp IV lên cấp III đồng bằng (mặt đường rộng 11,5 m); nâng cấp 10,2 km đường Cần Thơ - Vị Thanh lên cấp III đồng bằng đồng thời nâng cấp, mở rộng sân bay Cần Thơ đạt cấp 4E theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), nâng công suất vận chuyển lên 1 triệu hành khách/năm cùng 400.000 tấn hàng hóa/năm; xây dựng cảng chuyển tải ngoài khơi cửa Định An cho tàu có tải trọng 60.000 tấn/chiếc neo đậu.
Ngọc Thiện
Phát huy lợi thế giao thông thủy - bộ
Phát huy lợi thế giao thông thủy - bộ

Tập trung đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, khai thác hiệu quả hệ thống giao thông thủy sẽ giúp phát huy lợi thế của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN