Thuận lợi thông thương
Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Các tuyến giao thông đường bộ đối ngoại quan trọng được đầu tư hoàn thành, đặc biệt là các tuyến cao tốc góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, hình thành các hành lang phát triển kinh tế trong Vùng.
Nhắc đến Yên Bái vào những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều người không khỏi ái ngại bởi đường sá đi lại khó khăn, chia cắt, phần lớn các huyện vùng cao chưa có đường đến trung tâm xã. Điều đó không chỉ khiến việc đi lại của nhân dân gặp nhiều trở ngại, mà còn hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội. Với phương châm “giao thông luôn đi trước một bước”, quyết tâm mở đường cho phát triển kinh tế, tỉnh Yên Bái đã từng bước khắc phục khó khăn, tận dụng, lồng ghép các nguồn lực để nâng cấp, sửa chữa, mở mới các tuyến đường.
Ông Ngô Hạnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, xác định phát triển giao thông là một trong những khâu đột phá chiến lược của tỉnh, là huyết mạch của nền kinh tế. Do vậy, phát triển hạ tầng giao thông luôn được tỉnh đặc biệt ưu tiên đầu tư, nhất là mạng lưới giao thông đường bộ. Đến nay, hàng nghìn kilômét đường giao thông liên vùng, liên huyện, liên xã được kết nối, mang lại sức sống mới, diện mạo mới, mở ra cơ hội thông thương, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Là xã vùng sâu, vùng xa nhất của huyện đặc biệt khó khăn Mù Cang Chải (Yên Bái), xã Chế Tạo cách trung tâm huyện hơn 30 km. Ông Sùng A Dinh, Chủ tịch UBND xã Chế Tạo chia sẻ, trước kia chưa có đường ô tô, người dân nơi đây phải đi bộ mất gần một ngày, giờ đây đi được bằng ô tô, xe máy thì chỉ mất hơn hai tiếng. Nhờ đó, hàng hóa hai chiều được thông thương, người dân hưởng lợi từ việc mua hàng hóa rẻ hơn và bán nông lâm sản giá cao hơn, góp phần rất lớn cho phát triển kinh tế và nâng cao mức sống của người dân.
Thực tế cho thấy, mạng lưới giao thông đường bộ tỉnh Yên Bái được ưu tiên đầu tư khá đồng bộ, từng bước hoàn chỉnh, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng, liên vùng được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, tạo động lực, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế-xã hội, tạo tiền đề để Yên Bái phát triển nhanh hơn trong giai đoạn tới.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn, tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với bộ, ban, ngành Trung ương để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải quốc gia kết nối vùng, liên vùng trên địa bàn tỉnh theo nội dung Nghị quyết số 11-NQ/TW. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tiếp tục được xác định là một trong ba khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội như Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã đề ra.
Phú Thọ là tỉnh trung du miền núi phía Bắc, có địa hình trung chuyển giữa vùng đồng bằng với trung du, miền núi. Xác định phát triển hạ tầng giao thông là chiến lược đột phá, giúp giao thương thuận lợi, thu hút đầu tư và tạo liên kết vùng bền vững… những năm qua, Phú Thọ đã tập trung ưu tiên nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, kết nối thuận tiện từ đô thị đến nông thôn, kết nối liên vùng, liên tỉnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, cũng như nhu cầu vận tải, sản xuất kinh doanh, phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ…
Giai đoạn 2015-2020, Phú Thọ đã huy động đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho giao thông để xây dựng mới, nâng cấp cải tạo và bảo trì 410 km đường, 32 cầu trên các tuyến quốc lộ được Bộ Giao thông Vận tải ủy thác quản lý. Nhiều dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của không chỉ riêng tỉnh Phú Thọ, mà cả các tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc.
Theo ông Trịnh Thế Truyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ, một trong những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, ưu tiên các công trình quan trọng có tính kết nối liên kết vùng, trong đó có giao thông. Điều này thể hiện quan điểm xuyên suốt của tỉnh là đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt, trong đó hạ tầng giao thông phải đi trước một bước để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước” là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn, giúp rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi và đồng bằng, tạo sự kết nối vùng, liên vùng nhanh và bền vững…
Để tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững, thời gian tới, Phú Thọ sẽ tiếp tục triển khai đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, mang tính chiến lược, kết nối các địa phương trong tỉnh và kết nối Phú Thọ với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ khẳng định: Tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm đang triển khai, tiến hành khởi công mới các dự án để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu Vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Liên kết vùng bền vững
Với mục tiêu đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối của vùng và cả nước, kết nối trực tiếp với thị trường Trung Quốc, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI xác định, phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là một trong những lĩnh vực đột phá. Lào Cai đã tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo thành mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước và quốc tế.
Theo ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai, đặt trong tổng thể vùng, Lào Cai là tỉnh vùng cao miền núi, hội tụ đầy đủ 4 loại hình giao thông là đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và trong một vài năm tới sẽ có đường hàng không, hạ tầng giao thông nội địa và quốc tế thuận lợi, đa dạng.
Đặc biệt, khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào khai thác tháng 9/2014, đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương ở khu vực Tây Bắc nói chung, Lào Cai nói riêng. Ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế trong nước, tuyến đường này còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế đối ngoại của các nước ASEAN và Trung Quốc, góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa giữa các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông.
Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong khu vực, trong đó có Lào Cai, phát huy tiềm năng lợi thế, thu hút mạnh các nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển giao thương quốc tế. Nhiều tuyến đường kết nối với tuyến cao tốc này đã và đang được triển khai, từng bước tạo nên mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn liên kết giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước và quốc tế. Mới đây nhất là 2 tuyến đường kết nối Lai Châu và Nghĩa Lộ (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai vừa được khởi công.
Ngoài ra, trong định hướng phát triển hạ tầng giao thông vùng trung du và miền núi phía Bắc, sẽ có thêm nhiều dự án như: Dự án đường nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; cao tốc Bảo Hà - Lai Châu - Ma Lù Thàng; dự án nâng cấp, cải tạo các Quốc lộ 4, 4D, 4E, 70, 279; xây dựng hầm Hoàng Liên nối Sa Pa với Lai Châu, đầu tư phát triển các cụm cảng thủy nội địa, cụm cảng cạn… Đặc biệt, việc triển khai xây dựng Cảng Hàng không Sa Pa sẽ đưa Lào Cai trở thành địa phương có đủ 4 loại hình giao thông, mở ra thời kỳ mới, cơ hội mới để Lào Cai và các tỉnh trong vùng phát triển toàn diện.
Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch tỉnh Lào Cai cho hay, Cảng Hàng không Sa Pa được đầu tư, đưa vào hoạt động sẽ có sức lan tỏa rất lớn đối với tỉnh Lào Cai nói riêng, khu vực Tây Bắc và cả nước nói chung, từng bước góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông; thúc đẩy liên kết vùng của Lào Cai với các địa phương của Việt Nam và vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc.
Theo Chương trình hành động Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp để phát triển hệ thống giao thông, tạo điều kiện thuận lợi liên kết vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Cụ thể, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đến năm 2030 hoàn thành các tuyến đường cao tốc, tiền cao tốc; tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường bộ nối các địa phương với đường cao tốc, các đường vành đai biên giới, các tuyến quốc lộ quan trọng kết nối các địa phương trong Vùng.
Bài 3: Xóa “vùng lõi nghèo” của cả nước