Thay đổi tư duy và cơ cấu cây trồng sau hạn, mặn

Đề xuất các giải pháp, mô hình phù hợp

Thay đổi tư duy kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mô hình canh tác phù hợp với từng vùng sinh thái nhằm đảm bảo phát triển bền vững ngành nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long là những yêu cầu cấp bách được đặt ra hiện nay.

TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Đảm bảo an ninh lương thực

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo báo cáo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 - 2020 cấp quốc gia và cơ bản đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý. Theo đó, tới đây sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng khoảng 400.000 ha diện tích đất trồng lúa, nhưng sẽ bảo vệ, không làm mất các điều kiện phù hợp để khi cần thiết vẫn trồng lúa trở lại được, nhằm vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa. Cụ thể, hiện nay diện tích trồng lúa của cả nước là hơn 4,03 triệu ha. Theo tính toán, đến năm 2020, đất trồng lúa cả nước là hơn 3,76 triệu ha, nếu năng suất bình quân khoảng 60 tạ/ha thì sản lượng lúa vẫn đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia. Hơn nữa, việc giảm bớt diện tích đất trồng lúa nước cũng sẽ giúp tiết kiệm nước canh tác, là một cách thức mềm dẻo để ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Điều này cũng có nghĩa là không gian sinh hoạt, không gian canh tác nông nghiệp cũng cần thay đổi theo, kéo theo việc điều chỉnh - bổ sung hàng loạt quy hoạch đô thị - nông thôn - phát triển kinh tế ngành.

Công nhân Hợp tác xã Kinh tế xanh, xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu phun thuốc sát trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi. Ảnh: Nguyễn Thanh Liêm - TTXVN

Những việc kể trên là rất cần nhưng vẫn chưa đủ. Chúng ta không thể tiếp tục duy trì lề lối canh tác cũ. Chẳng hạn, nếu như muốn nuôi gia súc, người nông dân cần tính toán cách thức dự trữ nước cho chúng; diện tích trồng cà phê cũng phải tính, không thể phát triển tràn lan và nên áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước… Làm lúa nước cũng thế, chúng ta có nên lựa chọn những giống ngắn ngày, làm tới 3 vụ để rồi chỉ thu được lúa gạo phẩm cấp thấp nữa hay không? Hoàn toàn có thể chỉ làm hai vụ, chọn giống tốt, tập trung xây dựng và củng cố thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Tôi tin rằng như thế giá trị thu được cũng không hề kém. Nhưng xin nhấn mạnh là phải làm điều này dựa vào quy luật của thị trường chứ bằng biện pháp hành chính thì sẽ thất bại.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Tiếp tục đẩy mạnh vận động, tuyên truyền

Thời gian qua các tỉnh đã chủ động chuyển đổi cây trồng phù hợp với vùng khô hạn là cách làm đúng hướng. Đặc biệt, địa phương cần bám sát cơ sở, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc mà từng địa phương đang gặp phải để chuyển đổi cây trồng vật nuôi đúng hướng.

Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo Cục Trồng trọt và Tổng cục Thủy lợi làm việc với các tỉnh về quy hoạch vùng sản xuất, chuyển đổi cây trồng; xác định rõ từng vùng sinh thái để đưa cây trồng vào sản xuất phù hợp, các loại giống đề xuất cần rút gọn, không nên giới thiệu quá nhiều loại giống cây trồng khiến người dân không biết đâu mà lựa chọn. Đặc biệt, phải đảm bảo lương thực, thu nhập cho người dân không bị thiếu đói, tái nghèo.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang: Tập trung xây dựng mô hình thích nghi với biến đổi khí hậu

Hiện nay để ứng phó với BĐKH nước biển dâng, ngành nông nghiệp Kiên Giang cũng đã tập trung nghiên cứu nhiều giải pháp, trong đó có xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tập trung xây dựng các mô hình, như mô hình luân canh tôm lúa. Theo đó, chúng ta sẽ triển khai mô hình này dựa vào điều kiện sinh thái ở từng vùng của tỉnh.


Ông Trần Hoàng Bá, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang: Khó khăn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Tình trạng xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên trong những năm gần đây. Địa phương đã có chủ trương vận động người dân giảm bớt một vụ lúa để chuyển sang các loại cây trồng khác. Đồng thời, hàng năm, Sở NN&PTNT tỉnh đều tổ chức hội nghị mời các xã ven biển tập trung về bàn giải pháp, khuyến cáo lịch thời vụ, những diện tích đất nào do điều kiện xạ sớm không được thì chuyển vụ. Tuy nhiên, việc chuyển vụ ở địa phương hiện còn nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở mức vận động người dân, do vướng đầu ra. Ở địa phương vẫn chưa có doanh nghiệp nào chịu đầu tư vào lĩnh vực này nên chúng tôi chưa xác định được nên chuyển loại cây, con gì để khuyến cáo cho bà con. Bên cạnh đó, việc sản xuất các loại cây họ đậu, bắp phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng không hấp dẫn người dân, doanh nghiệp do giá thành cao hơn so với giá nhập khẩu.

Ông Hồ Hoàng Ưng, Phó Chủ tịch huyện Châu Thành A, tỉnh Trà Vinh: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm

Một số hộ dân tham gia mô hình chuyển đổi để được hỗ trợ cây, con giống, vay vốn ngân hàng mà chưa tìm hiểu về hiệu quả của mô hình, chưa có mô hình trình diễn để bà con tham quan, học hỏi. Người dân phản ánh việc hoàn vốn vay ngân hàng chưa hợp lý. Hộ vay chăn nuôi phải hoàn vốn trong vòng 6 tháng nhưng từng ấy thời gian chưa đủ để hộ chăn nuôi thu hồi vốn từ nuôi lợn, gà. Những hộ chuyển đổi cây trồng phải hoàn vốn trong vòng 2 năm, tuy nhiên trong 2 năm thì cây trồng có thể chưa thu hoạch.

GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ: Coi hạn, mặn là cơ hội

Tại sao ngăn nước mặn cấy lúa, phải coi nước mặn là bạn giúp nông dân ven biển làm giàu từ con tôm. Thời gian dài, ngân sách đầu tư số tiền lớn để ngọt hóa bán đảo Cà Mau nhưng hạn mặn năm nay, nước ngọt vẫn không đủ để giữ ngọt.

Chúng ta chỉ nên tập trung trồng lúa tại các vùng đất phù sa ven sông hoặc ven kênh lớn bảo đảm có nước ngọt hoàn toàn quanh năm và tránh các vùng ven biển nước ngọt rất bấp bênh. Tại các vùng nhiễm mặn nếu nuôi tôm bền vững thì nhà nước nên xây dựng hệ thống vuông tôm có kênh thủy lợi kèm theo mới tránh được bệnh tôm như hiện nay.

Còn hướng phát triển bền vững tại vùng ven biển nhiễm mặn trong mùa khô, chúng tôi cũng đề xuất một vụ lúa trong mùa mưa. Khi dứt mưa, thu hoạch lúa xong, lúc ruộng lúa đang còn sình lầy thì nông dân cho nước mặn lên ruộng để nuôi tôm, cá kèo, cua… đạt lợi tức trên 3 lần lúa với nước mặn. Như thế chúng ta không cần chống mặn bằng những biện pháp quá tốn kém để cố trồng thêm vụ lúa. Ngoài ra, vùng đất giồng cát ven biển thì nhà nước có thể tổ chức cho nông dân trồng màu (củ hành, tỏi, sắn...) hoặc cây ăn trái (xoài, nhãn, vú sữa, chuối...) liên kết với các doanh nghiệp chế biến bảo quản các sản phẩm này đưa ra thị trường trong nước hoặc xuất khẩu.

PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu BĐKH ĐBSCL: Cần tính toán chiến lược lâu dài cho ĐBSCL

Không còn đắp đê bao tràn lan ở vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên để làm lúa ba vụ nữa mà tạo vùng dự trữ nước ngọt và xem xét lại hệ thống kênh thoát lũ biển Tây bây giờ lũ không còn lại thành kênh xâm nhập mặn. Theo đó, điều chỉnh quy hoạch, bố trí lại sản xuất và quá trình này, cần lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam: Nâng cao nhận thức cho người dân

Bên cạnh các giải pháp về công trình thì giải pháp phi công trình, tức tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân để họ chủ động đối phó xâm nhập mặn; chủ động tranh thủ tối đa các nguồn nước ngọt để tưới cho cây trồng và cái thứ hai nữa để người dân hiểu về kĩ thuật để chủ động canh tác thích ứng xâm nhập mặn.
Anh Đức - Phúc Sơn
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN