Dân tái định cư Tây Bắc vẫn thiếu ruộng

Có một thực tế đang diễn ra ở vùng Tây Bắc: Tại nơi ở cũ, đồng bào dân tộc thiểu số không lo thiếu đói vì ruộng nương nhiều, sống cạnh sông suối nên thuận lợi để phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Trong khi tái định cư thủy điện, lên vùng đất mới, thiếu đất sản xuất nên bà con khó khăn về lương thực, đối mặt với đói nghèo.

Mòn mỏi chờ cấp đất sản xuất
Đến nơi ở mới, tuy cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, nhưng người dân ở vùng tái định cư luôn thiếu đất sản xuất và lương thực nên đời sống rất khó khăn, nhiều hộ có nguy cơ tái nghèo.

Đất cấp cho người dân tái định cư chủ yếu ở địa hình dốc, bạc màu nên năng suất thấp.



Bị ảnh hưởng bởi công trình thủy điện Sơn La, 77 hộ đồng bào dân tộc Thái ở bản Nghe Toỏng, xã Mường Chiêng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) chuyển ra bản Phiêng Nèn 2, xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai) từ năm 2009. Đến nay, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn vì mỗi hộ mới được cấp 350 m2 đất ở, còn đất sản xuất thì vẫn chưa được cấp. Theo các hộ dân, đã nhiều năm chuyển lên vùng đất mới nhưng họ vẫn “đỏ mắt” chờ đợi chính quyền cấp đất sản xuất, để ổn định cuộc sống. Thanh niên đi khắp nơi làm thuê để kiếm sống, số còn lại thì ở nhà vất vả chạy ăn từng ngày. Làm trưởng bản từ năm 1976 đến năm 2014, ông Lò Văn Sặng, 75 tuổi vẫn đau đáu với công tác xóa đói giảm nghèo của gia đình và bà con dân bản. Ông Sặng cho biết: “Gần 8 năm rồi bà con tái định cư vẫn chưa được cấp đất sản xuất cũng như được hỗ trợ sản xuất 25 triệu đồng. Người dân chờ từng ngày, mong sớm được cấp đất để trồng trọt và chăn nuôi”. Cùng cảnh ngộ này, còn có nhiều hộ dân khác trong bản. Nhà ông Sặng có 5 khẩu, được đền bù 200 triệu đồng, lên nơi mới làm nhà không đủ tiền, phải đi vay thêm 50 triệu đồng. “Người dân chúng tôi không đủ tiền làm nhà, lấy đâu ra tiền mua đất sản xuất. Nếu tình hình này không được cải thiện thì dân nghèo lại nghèo hơn”, ông Sặng cho hay.

Xã Ta Gia, huyện Than Uyên (Lai Châu) bị ảnh hưởng bởi công trình thủy điện Huổi Quảng nên phải tái định cư 400 hộ lên 7 điểm mới. UBND xã Ta Gia cho biết, về nơi ở mới, các hộ làm được cái nhà thì hết tiền, ruộng của dân sở tại bán đắt nên không có tiền mua, trong khi đó ruộng cũ đã ngập hết, cuộc sống bà con dân tộc ngày càng khó khăn. Theo tiêu chí cũ, cả xã có 20% hộ nghèo, nhưng theo tiêu chí mới thì số hộ nghèo sẽ tăng lên 40%. Ông Lò Văn Xương, Bí thư Đảng ủy xã Ta Gia thống kê hàng loạt những hộ nghèo, phải chật vật lo miếng ăn hàng ngày. Hộ ông Hoàng Văn Ón ở bản Cò Cai, 6 khẩu nhưng không có ruộng, gia đình chọn nghề đánh cá, chờ hỗ trợ tái nghèo của Nhà nước và con đi học mang gạo hỗ trợ học sinh bán trú về cho bố mẹ ăn…

Tái định cư, chính quyền thị xã Mường Lay cấp cho dân phường Sông Đà 1,8 ha ruộng toàn đá.



Chủ tịch UBND phường Sông Đà, thị xã Mường Lay (Điện Biên) Vũ Tiến Hưng không khỏi lo lắng. Phường Sông Đà trước kia là phường phát triển sầm uất nhất thị xã Mường Lay, giờ đây tái định cư thủy điện Sơn La xong lại trở thành khó khăn. Ông Hưng cho biết: “Phường có 54/297 hộ làm nông nghiệp, trước kia có hơn 100 ha ruộng trồng lúa 2 vụ, cộng thêm nghề đánh bắt cá trên sông Đà nên bà con không thiếu đói. Nay tái định cư thủy điện, dân được cấp 1,8 ha ruộng nhưng toàn đá nên không trồng được loại cây nào. Mặc dù được đầu tư công trình thủy lợi phục vụ tướitiêu, nhưng mùa nào cũng thất thu, các hộ dân phải chạy ăn từng ngày”. Bà Điêu Thị Gióng, 47 tuổi, dân tộc Thái, ở tổ 6, phường Sông Đà, cho biết: “Nhà tôi có 9 khẩu, tái định cư lên đây được cấp gần 700 m2 ruộng và phải đối trừ tiền đền bù 10 triệu đồng. Để ruộng hoang thì tiếc, làm thì tốn công tốn của. Nếu tình trạng này kéo dài thì chúng tôi thiếu đói là điều dễ hiểu…”.

Phá rừng lấy đất sản xuất

Tái định cư lên vùng đất mới, không có ruộng sản xuất nên nhiều hộ chuyển về chỗ cũ phá rừng, dựng lán, làm nương để trồng trọt và chăn nuôi kiếm sống. Ông Lò Văn Xương, Bí thư Đảng ủy xã Ta Gia cho hay: “Do không có đất sản xuất nên các hộ tái định cư tự phát phá rừng nghèo để làm nương. Một số hộ bỏ đất tái định cư, ra đường chiếm đất dựng nhà buôn bán”. Bí thư Đảng ủy xã Ta Gia khẳng định, hầu hết các hộ tái định cư thủy điện trên địa bàn đều lấn chiếm, phá rừng để lấy đất sản xuất. Vì nghèo, không có ăn nên mới làm liều, chính quyền lập biên bản thì họ nói ngồi nhà có mà chết đói!?

Theo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, vùng Tây Bắc có 25.000 hộ tái định cư của các thủy điện: Sơn La, Lai Châu, Huổi Quảng, Bản Chát, Tuyên Quang, Bản Vẽ. Hiện nay, do chính sách hỗ trợ đời sống đã hết nên số hộ tái định cư nghèo tăng lên hàng năm. Tỷ lệ hộ nghèo vùng tái định cư tiêu chí cũ là 18 - 22% (tỷ lệ hộ nghèo trung bình toàn vùng Tây Bắc là 14,9%), tiêu chí mới chuẩn nghèo đa chiều của vùng tái định cư là 36%.

Tại bản Khì 1, xã Phúc Than, huyện Than Uyên (Lai Châu) có 51 hộ chuyển về từ bản Khì, xã Tà Hừa, huyện Than Uyên từ tháng 12/2011, để nhường đất cho thủy điện Bản Chát. Theo ông Lò Văn È, Trưởng bản Khì, 5 năm trôi qua, cuộc sống của người dân khó lại hoàn khó. Trưởng bản È đưa sổ ghi chép ra đếm từng hộ nghèo, tính theo chuẩn nghèo đa chiều hiện nay thì số lượng tăng gấp đôi là 20 hộ. Ông thống kê, có 15 hộ ít ruộng phải thuê ruộng để làm mới đủ ăn, 2 hộ không có ruộng thì đói ăn quanh năm. Vì nghèo đói nên bản Khì có 10 hộ đã chuyển về nơi ở cũ, phá rừng, dựng lán, làm nương để trồng trọt và chăn nuôi kiếm sống. Trưởng bản È nói: “Tôi mong chính quyền cấp đất sản xuất để tôi gọi người dân về ổn định đời sống”.

Giải pháp lâu dài

Ông Lò Văn Xương cho rằng, chính quyền các cấp cần nhanh chóng thống kê diện tích rừng nghèo, khoanh vùng xây dựng hệ thống tưới tiêu để cấp đất sản xuất cho các hộ. Làm được điều này sẽ giúp bà con vừa có đất sản xuất, vừa có nơi chăn nuôi gia súc, gia cầm, rừng không bị chặt phá. Đặc biệt, công tác đào tạo nghề cho người dân tái định cư thủy điện phải phù hợp với tình hình địa phương. Chọn các mô hình kinh tế hiệu quả, hỗ trợ vốn, giống và khoa học kỹ thuật để nhân rộng, giúp đồng bào dân tộc dần ổn định đời sống nơi vùng đất mới.

Bản Pá Xôm, xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên (Lai Châu) có 63 hộ tái định cư từ cuối năm 2010 để nhường đất cho công trình thủy điển Bản Chát. Gần 6 năm qua, nhưng đời sống người dân vẫn khó khăn vì thiếu đất sản xuất. Theo ông Hoàng Văn Thạng, Bí thư chi bộ bản Phá Xôm, địa phương cần rà soát lại diện tích đất canh tác thực của các hộ dân sở tại, vì thực tế có nhiều hộ đất sản xuất còn khá lớn, có hộ bỏ hoang nhưng không giao lại địa phương để cấp cho các hộ khác. Sau khi rà soát tổng thể sẽ phân chia lại để vừa bảo đảm hiệu quả sử dụng đất, vừa bảo đảm tăng quỹ đất sản xuất cho các hộ dân tái định cư. Khi có đất sản xuất thì mới có khả năng bảo đảm an ninh lương thực cho các hộ tái định cư.

Ông Hoàng Xuân Long, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng: “Hiện quỹ đất sản xuất ở vùng Tây Bắc không còn nhiều, nên tùy theo điều kiện từng vùng, trên cơ sở khảo sát kỹ lưỡng về tiềm năng kinh tế, lợi ích môi trường của một số diện tích rừng nghèo, có thể tính đến việc chuyển đổi sang đất sản xuất cho người dân tái định cư”.

Dự án di dân, tái định cư là một trong hai hợp phần quan trọng của Dự án thủy điện Sơn La. Tôi đánh giá cao những thành công của dự án và bày tỏ sự tri ân đối với nhiều thế hệ cán bộ của Đảng, Nhà nước đóng góp vào dự án từ những ngày đầu, trong đó có những đồng chí đã qua đời và nhiều đồng chí đã nghỉ công tác. Đặc biệt đối với những người dân thuộc diện di dời, đã tự nguyện rời quê hương, bản quán, về nơi ở mới, dành đất để phục vụ dự án. Công tác tái định cư mới chỉ thực hiện được 15 năm qua, nhưng cuộc sống của nhân dân thì sẽ diễn ra hàng trăm, hàng ngàn năm ở nơi ở mới, chính vì vậy, nhiệm vụ này còn phải tiến hành lâu dài, bền vững, kiên quyết không tái nghèo; đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu vật chất, tinh thần, an ninh, văn hóa và nhất là hướng về xây dựng nông thôn mới cho bà con. Nhiệm vụ trước mắt là lo sinh kế cho người dân, xa hơn là chăm lo giáo dục, đào tạo tri thức cho lớp trẻ, để tiến tới hội nhập và làm giàu. Dự án phải đảm bảo đời sống người dân tái định cư tốt hơn nơi ở cũ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Tây Bắc, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn bản sắc, văn hóa cộng đồng. Sau 15 năm, đã cơ bản thực hiện được yêu cầu trên, đời sống người dân ổn định, nhiều mô hình sản xuất mới được triển khai hiệu quả, kết cấu hạ tầng khu tái định cư được tăng cường, tình đoàn kết giữa người dân tái định cư và người dân sở tại được duy trì tốt. Việc quản lý dự án tái định cư cơ bản đảm bảo cơ chế hiện hành hạn chế thấp nhất tham nhũng lãng phí. 

Trích ý kiến phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện dự án di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La, tổ chức ngày 1/10/2016, tại Điện Biên.




Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc: 

Chuyển đổi nghề theo nhu cầu của người dân
Nếu như trước đây, bà con thường “men theo con suối mà đi, men theo con rừng mà sống” thì khi đến nơi ở mới, môi trường sống, đất canh tác đều thay đổi. Những thói quen canh tác cũ không còn phù hợp và môi trường sống cũng không còn chỗ cho việc mưu sinh bằng những ngành nghề như trước nữa. Từ đó đòi hỏi phải có kế hoạch chuyển đổi nghề phù hợp với điều kiện thực tế. Trong những năm vừa qua, việc chuyển đổi nghề cũng được đầu tư với nguồn kinh phí khá lớn nhưng hiệu quả lại không đáng kể. Nguyên nhân chính là do việc chuyển đổi mang tính phong trào, ồ ạt ở nhiều vùng tái định cư, trong khi bà con trước đây chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, chưa quen với các công việc mới đòi hỏi phải tư duy tính toán hoặc áp dụng công nghệ cao. Đơn cử, có những khu tái định cư, người dân được đưa đi học các lớp sửa chữa ti-vi, xe máy nhưng khi học xong hầu hết không thể hành nghề vì khả năng tiếp nhận kiến thức có hạn. Hơn nữa, cả bản chỉ có một lượng dân số nhất định mà có quá nhiều người đi học cùng một nghề thì không có “đất” để sử dụng. Chuyển đổi nghề là một trong những giải pháp quan trọng để giúp người dân tái định cư ổn định cuộc sống. Từ những bài học đã rút ra trong việc thực hiện chuyển đổi nghề thời gian qua, cần nhìn nhận lại hình thức và phương pháp chuyển đổi nghề. Cụ thể, phải xác định rõ đồng bào đã và đang sống bằng nghề gì, việc chuyển đổi cũng không phải là chuyển hẳn từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp mà nhiều trường hợp phải là giúp bà con chuyển từ sản xuất tự nhiên, chủ yếu dựa vào thiên nhiên hoang dã sang làm nông nghiệp theo hướng thâm canh. Nếu trước đây nghề của bà con là làm nương rẫy thì nay có thể đào tạo để biết trồng rau sạch, trồng các cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày… Theo đó, cần phải chuyển đổi cả tư duy, cách sống của bà con, từ cuộc sống thuần tự nhiên sang sống nền nếp. Đặc biệt, chuyển nghề cũng là gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trên cơ sở đó, cần đánh giá lợi thế đất đai của từng vùng để đưa mô hình trồng trọt, chăn nuôi vào hoạt động hiệu quả.

Ông Đỗ Ngọc An, chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu:



Rừng là nguồn sống cho người dân tái định cư
Lai Châu là tỉnh có số lượng dân tái định cư lớn để xây dựng các công trình thủy điện: Sơn La, Lai Châu, Huổi Quảng, Bản Chát. Bảo đảm đất sản xuất cho người dân tái định cư thủy điện là bài toán khó với tất cả các địa phương. Đối với Lai Châu, tỉnh xác định lấy rừng là nguồn sống chủ yếu cho đồng bào, khuyến khích bà con bảo vệ rừng, khoanh nuôi rừng tái sinh. Trên cơ sở đó, có chính sách hỗ trợ cho đồng bào giữ rừng, trồng rừng. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay là khi xây dựng các công trình thủy điện, diện tích rừng đã bị mất đi tương đối, trong khi việc chia sẻ rừng từ người dân sở tại cho người dân tái định cư là không dễ dàng. Hiện tỉnh đang hoàn thiện chính sách hậu tái định cư theo Đề án hậu tái định cư đã được Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì. Theo đó, xác định rõ việc ổn định đời sống của bà con đồng bào dân tộc là yếu tố quan trọng nhất trong mục tiêu phát triển. Để làm được điều đó thì bảo đảm đất sản xuất là điều cần được quan tâm nhất. Vì vậy, chính sách hậu tái định cư sẽ tập trung vào công tác rà soát lại quỹ đất trên địa bàn để thống kê các nguồn đất có thể trở thành đất sản xuất, cấp thêm cho bà con tái định cư. Đây là công việc khó trong điều kiện quỹ đất sản xuất ngày càng hạn hẹp mà dân số lại tăng nhanh, nhưng không thể không làm, cũng không thể chậm trễ.

Bà Phạm Thị Lan, phường Sông Đà, thị xã Mường Lay (Điện Biên):



Nhanh chóng cấp đất sản xuất cho dân
Theo UBND phường Sông Đà, thị xã Mường Lay (Điện Biên) có 297 hộ tái định cư, trong đó có 54 hộ làm nông nghiệp và được cấp 1,8 ha ruộng nhưng toàn đất đá không sản xuất được. Tái định cư được cấp đất và bị đối trừ gần 10 triệu đồng, nhưng gần 6 năm rồi ruộng không trồng được cây gì mà có hiệu quả. Nhà có 5 khẩu, không có ruộng sản xuất nên rất khó khăn. Gia đình tôi tái định cư, được đền bù 75 triệu nên phải vay mượn thêm 20 triệu để làm nhà, gần 6 năm tằn tiện trả dần nhưng hiện nay vẫn còn nợ 11 triệu. Đề nghị chính quyền nhanh chóng cấp diện tích khác cho dân trồng trọt, có lương thực để sống, vì số ruộng dân bỏ tiền ra mua chỉ toàn đất đá. Dân chúng tôi được học nghề trồng nấm nhưng không ai dám làm, vì thiếu vốn và sợ làm ra không ai mua. Học chăn nuôi thì đất không có để làm chuồng trại. Nếu tình trạng này kéo dài thì người dân chúng tôi chết đói.

Bài và ảnh: Việt Hoàng (Báo Tin Tức)
Vùng Tây Bắc phấn đấu đạt 75% số xã chuẩn quốc gia về y tế vào năm 2020
Vùng Tây Bắc phấn đấu đạt 75% số xã chuẩn quốc gia về y tế vào năm 2020

Đây là mục tiêu được đưa ra trong lễ ký kết chương trình phối hợp công tác giữa Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Bộ Y tế diễn ra vào ngày 23/9 tại Bộ Y tế. Đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc và đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng lãnh đạo hai đơn vị đã ký kết chương trình này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN