Đa dạng hình thức tuyên truyền bảo vệ rừng

Trong nhiều năm qua, ngoài sự nỗ lực bảo vệ rừng của lực lượng chức năng còn có sự đóng góp của nhân dân trong quản lý, bảo vệ rừng ở Kon Tum. Phát huy sức mạnh của toàn dân trong quản lý và bảo vệ rừng, tỉnh Kon Tum đã tăng cường tuyên truyền cho người dân bằng nhiều hình thức để họ hiểu rõ lợi ích của việc giữ rừng, giúp người dân có thêm thu nhập, ổn định đời sống nhờ giữ rừng.

Tỉnh Kon Tum hiện có hơn 600.000 ha rừng, chủ yếu là rừng tự nhiên. Trong nhiều năm qua, tỉnh Kon Tum đã phát huy sức mạnh của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong tuyên truyền các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh chính trị, trong đó có công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Huyện Đăk Hà gồm 10 xã và 1 thị trấn, trong đó có 9 xã có rừng với tổng diện tích rừng tự nhiên hơn 84.000 ha. Để quản lý diện tích rừng, bên cạnh các công ty, ban quản lý rừng phòng hộ, chính quyền xã thì nhân dân đóng góp phần quan trọng. Chính nhờ vào sức dân mà nhiều năm qua, những diện tích rừng của huyện luôn được bảo vệ tốt, tình trạng phá rừng làm nương rẫy, xâm lấn rừng đều được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, việc huy động lực lượng tham gia vào công tác phòng cháy chữa cháy rừng, trồng rừng luôn được nhân dân ủng hộ, tham gia nhiệt tình.

Đoàn công tác kiểm tra diện tích rừng bị tàn phá để chuyển đổi thành đất sản xuất. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Để có được những kết quả đó, bên cạnh gắn lợi ích kinh tế của người dân với việc giữ rừng, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân từ việc giữ rừng thì công tác tuyên truyền luôn được chú trọng. Đặc biệt, phát huy tiếng nói của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các làng, xã để thực hiện tuyên truyền đến người dân cùng tham gia bảo vệ rừng. Ông Nguyễn Văn Khiêm, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Hà cho biết: “Thông qua các cuộc họp làng, họp dân, các buổi chào cờ tại các trung tâm xã chúng tôi thực hiện lồng ghép các đợt tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng đến với người dân. Dựa vào tiếng nói của những người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng thôn để tuyên truyền có hiệu quả hơn.

Bên cạnh việc phát tờ rơi, tuyên truyền bằng panô, các đợt tuyên truyền lưu động vào mùa lễ hội của làng, các đợt họp làng chúng tôi lồng ghép để tuyên truyền. Ngoài ra, từ nguồn quỹ của dịch vụ môi trường rừng, mỗi dịp tuyên truyền chúng tôi có kinh phí sử dụng mua các đồ ăn, cấp phát cho dân làng mua dụng cụ phục vụ bảo vệ rừng, nhờ đó việc tuyên truyền cũng hiệu quả hơn rất nhiều vì người dân thấy được quyền lợi, lợi ích kinh tế khi tham gia vào giữ rừng”.

Đối với các diện tích rừng do chính quyền xã quản lý và bảo vệ, vai trò của những người có uy tín, già làng là rất lớn, trong khi cán bộ làm nhiệm vụ quản lý, tuần tra rất ít, ngoài kiểm lâm viên địa bàn phụ trách công tác tham mưu, lập kế hoạch thì xã chỉ có lực lượng dân quân tự vệ, công an viên. Tuy nhiên, việc tuần tra, bảo vệ rừng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, vai trò của những người có uy tín, già làng trong quản lý, bảo vệ rừng trở thành chủ lực. Từ đó để phát huy sức mạnh của cộng đồng làng, của toàn dân tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Ông Phan Thế Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hiếu, huyện Kon Plông khẳng định: “Trong thời gian qua, vai trò của những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong công tác quản lý, bảo vệ rừng là rất lớn. Nhờ đội ngũ này mà công tác tuyên truyền về lợi ích khi bảo vệ rừng đến với người dân trong làng dễ dàng và thấm nhuần hơn. Bên cạnh đó, khi huy động lực lượng tham gia vào công tác bảo vệ rừng cũng dễ dàng hơn, chỉ cần già làng lên tiếng thì người dân trong làng đều nghe theo".

Tuyên truyền về quản lý và bảo vệ rừng còn được ngành chức năng tỉnh Kon Tum tổ chức sâu rộng trong các trường học, các em học sinh góp phần chuyển tải những thông điệp về bảo vệ rừng đến với phụ huynh và người dân. Bước vào năm học mới, để góp phần hỗ trợ một phần những khó khăn cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã tổ chức chương trình “Đồng hành cùng em đến trường”. Thông qua hoạt động tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan, các em học sinh được tiếp cận thông tin về rừng ngay tại nơi mình sinh sống. Bên cạnh đó, các em cũng được cung cấp thêm nhiều thông tin về tầm quan trọng của rừng với vai trò là “lá phổi xanh của trái đất” cũng như trong phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào Tây Nguyên.

Ông Hồ Thanh Hoàng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho biết: “Việc tuyên tuyền qua tờ rơi áp phích hiệu quả chưa cao. Tuyên truyền bằng cách là in ấn các nội dung tuyên truyền lên bìa vở để phát cho học sinh vừa giúp cho học sinh có vở đi học. Khi kiểm tra bài vở của học sinh, phụ huynh và các thầy cô giáo cũng nắm được các thông điệp mà Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đưa ra. Mục tiêu truyền thông chúng tôi hướng đến là 106 trường tiểu học trên địa bàn các xã có cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn toàn tỉnh”.

Không chỉ đa dạng hình thức tuyên truyền bảo vệ rừng, mang những thông điệp về bảo vệ rừng đến với tất cả mọi người dân, cộng đồng làng ở Kon Tum, chương trình “Đồng hành cùng em đến trường” còn góp phần giúp các em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Thầy Phạm Hữu Trọng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đăk K’roong, huyện Đăk Glei cho biết: Đây là hình thức tuyên truyền về bảo vệ rừng rất hữu ích và thiết thực, những quyển vở sẽ gắn liền với các em và phụ huynh trong toàn bộ năm học. Vì vậy, hàng ngày những thông điệp về bảo vệ rừng sẽ thấm nhuần vào nhận thức của phụ huynh và học sinh theo cách “mưa dầm thấm lâu”. Đây cũng là hoạt động rất ý nghĩa để giúp đỡ các em học sinh, nhất là các em học sinh vùng sâu vùng xa khó khăn về sách vở được đến trường với đầy đủ dụng cụ học tập.
Quang Thái
Phát huy vai trò cộng đồng làng trong giữ rừng
Phát huy vai trò cộng đồng làng trong giữ rừng

Những năm trở lại đây, công tác quản lý và bảo vệ rừng ở Kon Tum đã dựa vào sức mạnh của cộng đồng làng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN