Giữ rừng là lẽ sống còn

Tuyên bố đóng cửa rừng, không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác; ngừng cấp phép các công trình thủy điện liên quan đến rừng, đất rừng; dừng hoạt động đối với các chủ dự án không chấp hành việc trồng rừng thay thế; nghiêm trị đơn vị, cá nhân liên quan đến vụ phá rừng pơ mu ở Quảng Nam…, đó là những động thái cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong việc giữ rừng trong bối cảnh bão lũ, thiên tai, hạn hán, biến đổi khí hậu đang ngày một nghiêm trọng, đe dọa đến cuộc sống con người.

Theo số liệu mới nhất, tổng diện tích đất rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp ở khu vực Tây Nguyên là 3.354.194 ha, đạt độ che phủ toàn khu vực là 51,3%, trong đó rừng có trữ lượng gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng thì độ che phủ chỉ đạt 32,4%. Trong những năm gần đây, tình trạng suy giảm diện tích rừng ở Tây Nguyên đang ở mức báo động với mức bình quân giảm là 25.737 ha/năm. 5 năm trở lại đây, diện tích rừng tại các tỉnh Tây Nguyên đã mất 129.686 ha, trong đó có 107.425 ha rừng tự nhiên. Song song với sự suy giảm về diện tích rừng, chất lượng rừng (đặc biệt là rừng tự nhiên) cũng bị suy thoái nghiêm trọng: những khu rừng có chất lượng cao, trữ lượng lớn thì diện tích còn không đáng kể và chủ yếu tập trung ở khu rừng đặc dụng. Rừng mới phục hồi do khoanh nuôi, tái sinh tự nhiên chủ yếu là rừng non, giá trị về đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản và tác dụng phòng hộ và bảo vệ môi trường thấp.

Diện tích rừng tự nhiên khu vực Tây Nguyên giảm do 3 nguyên nhân chủ yếu (theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) như: Chuyển mục đích sử dụng đất có rừng sang rừng trồng cao su, cây công nghiệp, cây ăn quả; chuyển mục đích sử dụng đất có rừng sang mục đích theo quy hoạch của địa phương như xây dựng công trình hạ tầng. Nhưng nguyên nhân lớn nhất chính là nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất canh tác, sản xuất nông nghiệp và trồng cây công nghiệp (chiếm đến 45%). 

Rừng giữ nước và chống xói mòn, vì thế muốn đất đai, đồi núi màu mỡ, muốn những con suối dòng sông không bao giờ cạn, muốn không có lũ ống, lũ quét thì phải giữ rừng. Từ lâu, Chính phủ đã có những hoạch định chiến lược về bảo vệ, phát triển rừng; đầu tư lớn cho các chương trình trồng và bảo vệ rừng như rừng phòng hộ, rừng bảo tồn, rừng sinh thái... Dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng nhiều chính sách bảo vệ, phát triển rừng trong thời gian qua chưa thực sự hiệu quả. Nạn chặt phá rừng vẫn diễn ra, "lâm tặc" vẫn còn đất sống; theo đó, rừng vẫn đang ngày một nghèo đi và ở nhiều nơi nhiều cánh rừng đã mất trắng. Hiểm họa mất rừng Tây Nguyên ngày càng tăng cao. Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy, các tỉnh Tây Nguyên đã cấp phép đầu tư cho 700 dự án (trồng rừng, cải tạo, trồng cao su…) trên đất lâm nghiệp với diện tích là 215.721 ha. Không những thế, do chưa làm tốt công tác tuyên truyền dẫn đến tâm lý người dân sợ hết đất sản xuất nên tổ chức đông người chiếm rừng, chiếm đất, phá rừng trái phép trong khu vực dự án để lấy đất hoặc để đòi chủ dự án bồi thường, tạo áp lực lớn đến công tác bảo vệ rừng.

Mất rừng thì không giữ được nguồn nước, dẫn đến tình trạng hạn hán, đe dọa đến sản xuất và đời sống của người dân. Tình trạng hạn hán ở Tây Nguyên và hạn mặn ở Tây Nam Bộ những tháng gần đây là bài học đau lòng khi để rừng bị mất hoặc rừng nghèo kiệt. Phần lớn các hồ thủy lợi ở Tây Nguyên xuống dưới mực nước chết hoặc trơ đáy vào mùa khô cũng xuất phát từ nguyên nhân phá rừng làm thủy điện.

Rõ ràng, giữ rừng hay phá rừng cũng xuất phát từ ý thức của con người. Do vậy, một khi người dân còn vi phạm lâm luật thì khó lòng giữ được rừng. Muốn rừng bảo vệ rừng, chỉ còn cách tạo cho người dân sản xuất, kinh doanh những ngành nghề không gây hại cho rừng và đảm bảo cuộc sống cho họ. Bên cạnh đó, khẩn trương sắp xếp lại các nông, lâm trường để đảm bảo đất rừng có chủ, không “phát canh thu tô” đất rừng và rừng trong bối cảnh người dân không có đất sản xuất.
Yến Nhi
Rừng Tây Nguyên sẽ được “cứu sống”
Rừng Tây Nguyên sẽ được “cứu sống”

Sáng 20/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị bàn về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN