Chư Pưh - từ vùng lõm thành vùng kinh tế động lực

Sở hữu vùng chuyên canh lớn các loại cây công nghiệp dài ngày giá trị kinh tế cao như hồ tiêu, cà phê, cao su, điều… những năm qua, huyện Chư Pưh (Gia Lai) đã tạo được ưu thế trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, Chư Pưh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư vào địa phương, qua đó cơ bản giải quyết việc làm ổn định cho người lao động tại chỗ góp phần đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo. Giai đoạn từ năm 2010 đến nay, toàn huyện Chư Pưh đã có hơn 3.000 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 23%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 38 triệu đồng/người/năm.

Mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giữa doanh nghiệp và nông dân trong mô hình nuôi heo thịt tại trang trại Trần Minh Tâm, xã Chư Don.

Xác định mục tiêu giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng đưa địa phương phát triển toàn diện, những năm qua, huyện Chư Pưh đã tranh thủ các nguồn vốn mục tiêu quốc gia gắn với tiềm năng, lợi thế sẵn có lồng nghép đầu tư có hiệu quả hạ tầng cơ sở, các mô hình nông nghiệp bền vững phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương mang lại hiệu quả trong xóa đói, giảm nghèo.

Giai đoạn từ năm 2010 đến nay, toàn huyện đã xây dựng được gần 110 mô hình giảm nghèo với kinh phí gần 7 tỷ đồng cho hơn 1.400 hộ tham gia. Các mô hình giảm nghèo đã mang lại cơ hội thuận lợi cho người nông dân được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư vốn phát triển sản xuất theo nhu cầu phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình. Qua thực tế triển khai, các mô hình giảm nghèo đều phát huy hiệu quả và có ưu thế riêng, hàng năm đều có từ 20-30% số hộ nghèo tham gia dự án thoát nghèo.

Một trong những mô hình đang mang lại hiệu quả là mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap ở thôn Plei Thơ Ga A, xã Chư Don. Mô hình có qui mô 2 ha với sự tham gia của 10 hộ dân cùng góp quỹ đất liên kết sản xuất với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và sản xuất rau an toàn Thắng Lợi. Mô hình này áp dụng công nghệ tưới tiếp kiệm và sử dụng phân bón sinh học cho sản phẩm rau an toàn xuất ra thị trường được đông đảo người dân ủng hộ.

Theo đánh giá của ông Lê Bá Thân, Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và sản xuất rau an toàn Thắng Lợi, mô hình này đang phát huy hiệu quả trên vùng đất trồng lúa thường xuyên bị hạn trước đây. Các hộ tham gia dự án có thu nhập từ 60 đến 70 triệu đồng cao hơn nhiều so với trồng lúa trước đây.

Hay như mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giữa doanh nghiệp và nông dân trong mô hình nuôi lợn thịt. Mô hình nuôi lợn thịt của trang trại Trần Minh Tâm có qui mô 2.200 con được Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam cung cấp từ con giống đến nguồn thức ăn đạt tiêu chuẩn và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Bình quân mỗi năm trang trại này xuất bán trên thị trường khoảng 400 tấn thịt lợn hơi chất lượng.

Mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap ở thôn Plei Thơ Ga A, xã Chư Don.

Đi đôi với việc xây dựng các mô hình nông nghiệp bền vững áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, huyện Chư Pưh còn chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người nông dân. Chỉ tính riêng vụ mùa và vụ đông xuân 2015-2016, toàn huyện đã chuyển đổi hơn 75 ha cây trồng thường xuyên bị hạn sang trồng ngô lấy thân và đậu xanh.

Bên cạnh đó, các mô hình tưới nước tiết kiệm trên cây hồ tiêu và cà phê cũng được huyện đặc biệt phát triển nhân rộng và được đông đảo hộ dân đồng tình ủng hộ. Tính đến thời điểm này, toàn huyện đã có hơn 140 ha hồ tiêu và cà phê áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm góp phần giảm chi phí sản xuất cũng như ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Để công cuộc giảm nghèo đi vào chiều sâu và bền vững, ngoài việc hỗ trợ cây trồng, vật nuôi tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, huyện Chư Pưh còn mở 61 lớp đào tạo nghề cho gần 1.700 lao động nông thôn; trong đó gần 1.200 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số. Các nghề khu vực nông thôn cần và được đào tạo chủ yếu là nghề trồng chăm sóc và cạo mủ cao su, thợ xây, cắt may cơ bản, dệt, nuôi và phòng bệnh cho trâu bò, trồng nấm, hồ tiêu…

Sau khi được học nghề, các lao động đều tự tạo được việc làm và chủ động được công việc cho bản thân, gia đình. Những năm qua, toàn huyện đã có hơn 4.000 lao động được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp trồng cao su, gần 150 lao động đi xuất khẩu lao động theo kênh giới thiệu việc làm của tỉnh.

Trường Mẫu giáo Họa Mi - trường đạt chuẩn quốc gia ở huyện Chư Pưh.

Y tế, giáo dục không ngừng được được đầu tư nâng cấp và đổi mới đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân. Thời gian qua, huyện Chư Pưh được đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây dựng hạ tầng và đầu tư trang thiết bị cho trung tâm y tế tuyến huyện tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế ngay tại cơ sở với chất lượng ngày một tốt hơn.

Đặc biệt, toàn huyện đã có 6/9 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao. Các bậc học đều có các trường đạt chuẩn Quốc gia góp phần đảm bảo duy trì sỹ số luôn ở mức trên 99%.

Các bác sỹ tại Trung tâm Y tế huyện chăm sóc cho các bệnh nhân.

Ông Nguyễn Minh Tứ, Phó Chủ tịch huyện Chư Pưh cho biết: Cùng với việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội, xu thế xây dựng các mô hình nông nghiệp bền vững cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Huyện chú trọng hình thành các cách đồng mẫu lớn gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu giống, tưới tiêu, sơ chế bảo quản và đầu ra ổn định.

Triển khai nhiệm vụ này, huyện cũng đã kêu gọi được Công ty ÔLam kết hợp với công ty Trường Thịnh đầu tư dự án mô hình trồng tiêu sạch theo chuỗi giá trị VietGap với qui mô trên 100 tỷ đồng tại xã Ia Le. Theo đó, Công ty ÔLam sẽ xây dựng các vườn ươm cung cấp giống đạt chuẩn để triển khai trồng 100 ha và tiến tới sẽ chuyển giao công nghệ cho nông dân mở rộng diện tích trên địa bàn.

Việc lồng ghép đầu tư có hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo cùng với việc khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có là nền tảng để vùng lõm Chư Pưh tạo sức chuyển biến mạnh trong việc cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa. Về Chư Pưh hôm nay, đâu đâu cũng tươi mới, khang trang hứa hẹn nhiều thuận lợi trở thành vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh Gia Lai.

Nguyễn Hoài Nam (TTXVN)
Đảng viên trẻ đi đầu khai hoang phát triển kinh tế
Đảng viên trẻ đi đầu khai hoang phát triển kinh tế

Đảng viên trẻ Nguyễn Đình Đức hiện là Bí thư Chi đoàn thôn 12, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Không chỉ là Bí thư Chi đoàn tích cực, Đức còn cùng gia đình khai hoang 18 ha đất rừng để sản xuất, mang lại thu nhập 600-700 triệu đồng/năm cho gia đình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN