Cần giải bài toán thiếu lao động trong nông nghiệp

Hiện nay, nhu cầu lao động phục vụ cho ngành nông nghiệp tại Bến Tre rất lớn. Nhiều lao động trẻ không "mặn mà" với các công việc nặng nhọc như trồng lúa, trồng dừa…

Do vậy, Bến Tre đã chủ động tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, kéo lao động trẻ về phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Chú thích ảnh
Nông dân xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm xuống giống lúa vụ Hè Thu 2021. Ảnh: Công Trí/TTXVN

Đỏ mắt tìm lao động

Hơn nửa tháng qua, ông Nguyễn Văn Hiệp, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm tìm nhân công để cải tạo lại vườn dừa nhưng vẫn chưa có người để làm. 

Ông Hiệp cho biết, hiện nay, tìm kiếm nhân công để bồi bùn (bồi đắp phù sa cho gốc dừa) rất khó khăn. Trước đây, đội nhân công bồi bùn ở gần nhà có từ 10-12 người nhưng hiện tại chỉ còn 3-4 đi làm, do có nhiều vườn gọi làm nên tình trạng thiếu hụt nhân công rất lớn. Mặc dù, giá nhân công tăng lên 250.000 đồng/ngày/người (bao cơm trưa), bồi bùn 50.000 đồng/người/giờ nhưng tìm nhân công làm vườn rất khó khăn. 

Ông Hiệp chia sẻ, bên cạnh việc tìm nhân công làm công việc nặng nhọc như bồi bùn, các công việc khác như dọn dẹp vườn, làm cỏ, bón phân, phun thuốc… cũng khó tìm được nhân công. Ông Hiệp lo lắng, hiện tại lực lượng lao động trẻ dành cho nông nghiệp không có, hầu hết là lực lượng đã lớn tuổi. Các gia đình đa số cho các bạn trẻ theo học và làm tại các khu công nghiệp hoặc các ngành nghề dịch vụ, sản xuất chế tạo… nên thiếu lực lượng lao động nông nghiệp kế thừa trong tương lai.

Lão nông Trần Văn Tuấn (61 tuổi), xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri (Bến Tre) cho hay, tìm nhân công để làm đất gieo sạ cho gần 1 ha ruộng lúa của gia đình rất khó khăn. Ông Tuấn cho biết, vào vụ lúa tập trung làm đất gieo sạ trong vòng 15-20 ngày, do vậy, gia đình nào cũng tập trung làm, cho nên thuê mướn nhân công không có. Ngoài ra, do ảnh hưởng xâm nhập mặn, hiện nay mỗi năm nông dân chỉ làm từ 1-2 vụ lúa, cho nên nguồn thu nhập từ lao động không thường xuyên, nhân công tìm công việc khác ổn định hơn. 

Theo ông Tuấn, việc thiếu hụt lao động dẫn đến giá nhân công lao động tăng lên làm ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thu hoạch của người nông dân, do chi phí đầu tư, nhân công lao động chiếm hơn 70% giá trị sản xuất. Ông Tuấn tâm tư, phần lớn các khâu sản xuất đã được cơ giới hóa, nhưng lực lượng lao động trẻ hiện nay không "mặn mà" với ruộng đồng. Nhiều gia đình không có nhân công đành phải cho thuê một ít, còn một ít đất chuyển sang trồng cỏ nuôi bò. Bản thân các con của ông Tuấn cũng đi học, rồi đi làm tại Thành phố Hồ Chí Minh, do vậy trong thời gian tới, ông Tuấn cũng đành chuyển ruộng lúa sang chăn nuôi, giảm diện tích lúa vì không có lao động.

Đào tạo nghề thu hút lao động nông thôn

Chú thích ảnh
Nông dân xã Tân Thiền, huyện Chợ Lách sản xuất cây giống cung ứng cho thị trường sau hạn mặn. Ảnh: Công Trí/TTXVN

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức, lao động trong sản xuất nông nghiệp giảm dần, do công việc không ổn định, thu nhập từ lao động nông nghiệp không thường xuyên. Bên cạnh đó, lao động trong nông nghiệp rất nặng nhọc nên nhiều lao động trẻ lựa chọn đi làm công việc khác nhẹ nhàng hơn có thu nhập ổn định hơn. Mặt khác, đa số các gia đình nông dân cho con đi học và làm các ngành nghề lao động có tay nghề tại các khu công nghiệp, ngành nghề dịch vụ, ít quan tâm đến lao động nông nghiệp tại địa phương. 

Để khắc phục tình trạng thiếu lao động, ngành chức năng tỉnh Bến Tre có khuyến cáo người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng máy móc nhiều hơn. Đối với trồng lúa, hiện nay, nông dân Bến Tre áp dụng hơn 80% máy móc trong sản xuất lúa, từ khâu làm đất cho đến khâu thu hoạch điều sử dụng máy móc, góp phần giải quyết tình trạng thiếu lao động trong sản xuất.

Ngoài ra, đối với vườn dừa, ngành nông nghiệp từng bước hướng dẫn người dân sử dụng máy móc trong bồi bùn để bồi đắp phù sa cho cây dừa, giảm sử dụng sức người như trước đây, góp phần giảm được giá thành trong chi phí sản xuất cho người nông dân.

Ông Huỳnh Quang Đức cho hay, bên cạnh ứng dụng máy móc vào sản xuất, việc đào tạo nghề lao động nông thôn luôn được chú trọng. Theo đó, lao động tham gia học nghề để nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn, từng bước thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi thói quen lao động theo kinh nghiệm, nhỏ lẻ, mà giờ đây phần lớn đã mạnh dạn làm ăn, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần tích cực vào xóa đói, giảm nghèo bền vững của địa phương.

Ngoài ra, trên cơ sở các lớp đào tạo nghề, nông dân tham gia đã từng bước phát triển thành các tổ hợp tác để thực hiện liên kết trong sản xuất theo từng chuỗi giá trị sản phẩm của tỉnh, tạo nền tảng cho việc phát triển các hợp tác xã trong nông nghiệp cho giai đoạn 2020 – 2025.

Theo ông Phạm Anh Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách (Bến Tre), mỗi năm, huyện Chợ Lách cung cấp thị trường hơn 35 triệu sản phẩm cây giống và hơn 12 triệu sản phẩm hoa cảnh, vì vậy cần nguồn lao động nông nghiệp rất lớn. Do đó, để thu hút thanh niên thanh niên ở tại địa phương làm việc, huyện mở nhiều lớp đào tạo tay nghề về ghép cây, trồng cây cảnh cho thanh niên. Nhân công ghép cây có tay nghề có giá từ 300-350 nghìn đồng/ngày/người, các công việc khác từ 200-250 nghìn đồng/ngày/người, công việc ổn định quanh năm nên thu hút được nhiều thanh niên ở lại địa phương làm việc.

Ông Nguyễn Văn Chương, Trưởng phòng Lao động và Giáo dục nghề nghiệp, Sở lao Động Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre cho hay, để tạo nguồn lao động nông thôn, tỉnh Bến Tre đã xây dựng 18 danh mục đào tạo nghề nông nghiệp như: trồng cây có múi, chăn nuôi bò, heo, gà, bonsai cây kiểng, kỹ thuật trồng dừa... để đào tạo nghề cho người dân. Qua 10 năm (2010 - 2020), có trên 22.000  lao động nông thôn được hỗ trợ các chính sách về đào tạo nghề theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ nông nghiệp; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 28% năm 2009 tăng trên 60% đầu năm 2020.

Bên cạnh đó, có trên 24.000 lao động nông thôn được hỗ trợ từ chính sách học nghề khác, trên 53.700 lao động tự đào tạo ở các cấp trình độ. Lao động nông thôn sau học nghề được ưu tiên tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng tại địa phương theo quy định. Việc chủ động đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15,8% năm 2011 còn 4% cuối năm 2020.

Huỳnh Phúc Hậu (TTXVN)
Đề xuất chính sách hỗ trợ bổ sung cho sản xuất nông nghiệp
Đề xuất chính sách hỗ trợ bổ sung cho sản xuất nông nghiệp

Trước những diễn biến mới của dịch COVID-19 ở trong nước và trên thế giới, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng nông sản sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN