Tham dự hội nghị có đại diện các bộ, ngành Trung ương; các trường Đại học Lâm nghiệp, Tây Nguyên và Đà Lạt; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum).
Theo báo cáo của 5 tỉnh Tây Nguyên, đến cuối năm 2019, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên đất quy hoạch lâm nghiệp là 344.554 ha, chiếm 11,31% diện tích đất nông nghiệp. Trong đó, 17,84% diện tích này trồng cà phê, còn lại là trồng tiêu, cây ăn quả… 56,26% diện tích đất lâm nghiệp đang trồng các loại cây lương thực ngắn ngày.
Ước tính Tây Nguyên có khoảng 150.000 hộ sử dụng đất sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp trên đất đất lâm nghiệp chủ yếu hình thành do đất được người dân sản xuất lâu đời xen kẽ trong các lâm trường trước đây; đất được giao khoán cho các công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng giao khoán để bảo vệ nhưng người dân sử dụng sai mục đích, chuyển sang sản xuất nông nghiệp; do sự xâm lấn rừng trái phép để sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương và di dân tự do…
Báo cáo của Tổng cục Lâm Nghiệp cho thấy, đất đai vùng Tây Nguyên phù hợp với sản xuất nông nghiệp nên hàng chục năm qua, Tây Nguyên đã phải gánh chịu một lượng khổng lồ dân di cư ngoài kế hoạch. Giai đoạn 2005-2017 đã có 58.848 hộ dân với khoảng 220.000 nhân khẩu di cư vào Tây Nguyên, gấp nhiều lần các khu vực khác trong cả nước. Di cư tự do đã gây nên nhiều hệ lụy, đe dọa tới môi trường, đói nghèo, an sinh xã hội trong khu vực.
Theo thống kê, trung bình cứ 10 năm, dân số Tây Nguyên sẽ tăng thêm 1 triệu người… Nhiều hộ dân di cư tự do đã được bố trí vào các điểm dân cư, có chỗ ở ổn định. Tuy nhiên, đời sống của một số hộ dân còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do thiếu đất sản xuất; tình trạng rừng bị lấn chiếm, khai thác trái phép ngày càng diễn ra phức tạp.
Tại các tỉnh Tây Nguyên, nhiều khu vực theo quy hoạch là đất rừng nhưng thực tế hiện nay không còn rừng. Nhiều hộ dân di cư tự do đã lấn chiếm, tự ý xây dựng công trình, nhà ở, cư trú trái pháp luật trên diện tích này, song ngành chức năng chưa có biện pháp xử lý hiệu quả. Thậm chí có nơi còn hình thành các băng nhóm tội phạm, bảo kê tranh chấp đất dẫn đến tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, gây mất an ninh trật tự…
Tại hội nghị, đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến giải quyết vấn đề ổn định dân cư, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp vùng Tây Nguyên.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Quang Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp đề xuất đến giải pháp như đối với diện tích quy hoạch rừng đặc dụng, trường hợp lấn chiếm tập trung, quy mô lớn, diện tích sản xuất ổn định thì tiến hành rà soát, đề xuất quy hoạch thành vùng đệm để thực hiện quy chế quản lý đặc thù nhằm ổn định và cải thiện cuộc sống người dân, giảm thiểu, ngăn ngừa tác động xâm hại rừng đặc dụng, thu hút người dân tham gia các hoạt động của rừng đặc dụng… Trường hợp diện tích lấn chiếm manh mún, nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong rừng và mới bị phá cần tiến hành lập hồ sơ xử lý vi phạm, cưỡng chế thu hồi đất giao cho chủ rừng phục hồi lại rừng.
Tiến sĩ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đưa ra một số giải pháp về phối hợp với người dân tổ chức quản lý bảo vệ rừng, tránh tình trạng mở rộng diện tích; kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thực hiện hoạt động sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp thuận lợi. Đáng chú ý trong đó là giải quyết phương án quản lý, sử dụng đất sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp trồng xen mật độ thấp đảm bảo thành rừng với hai phương án. Trong đó, phương án 1 là, khi cây trồng xen lâm nghiệp mật độ thấp hoàn thành giai đoạn kiến thiết cơ bản, đảm bảo độ tán che tối thiểu thành rừng sẽ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Phương án 2 là, thực hiện hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp với hình thức giao khoán theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP trong thời hạn 20 năm theo quy định...
Ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nêu vấn đề: toàn tỉnh có khoảng 67.400 ha đất có nguồn gốc từ rừng bị phá, lấn chiếm… quy hoạch để phát triển lâm nghiệp. Về cơ bản, diện tích này người dân đang lấn chiếm, sử dụng để sản xuất nông nghiệp. Việc thu hồi, cưỡng chế, giải tỏa đối với diện tích này để trồng rừng gặp nhiều khó khăn. Tỉnh Đắk Nông đề xuất khôi phục lại rừng trên diện tích này bằng phương thức nông lâm kết hợp với nhiều loài cây trồng để phủ xanh đất trống đồi trọc, đồng thời tránh xung đột với người dân lấn chiếm, gây mất an inh trật tự trên địa bàn. Tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, công nhận các loài cây như bơ, mít sầu riêng, măng cụt là cây đa mục đích, vừa cung cấp gỗ, lâm sản, vừa có khả năng bảo vệ môi trường, giữ nguồn nước, chống xói mòn…
Chủ trì hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát nhấn mạnh: Đây không phải hội nghị bàn về cách hợp thức hóa diện tích đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm trở thành đất sản xuất nông nghiệp mà tập trung tìm ra những giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề này. Mục tiêu đặt ra là để bảo vệ rừng, nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật đồng thời ổn định, nâng cao đời sống của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên cũng như các dân tộc di cư từ nơi khác đến.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương đưa ra 4 nguyên tắc trong nội dung chủ đề của hội nghị, gồm: Nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, quản lý bảo vệ rừng và quản lý tình trạng di cư hiện nay; kiên quyết không lùi bước trước thực trạng người dân xâm lấn rừng mà phải bảo vệ tuyệt đối diện tích rừng tự nhiên hiện có; hướng đến mục tiêu nâng cao cuộc sống của người dân sản xuất nông nghiệp trên diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp; sử dụng hiệu quả tài nguyên đất trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương yêu cầu các địa phương rà soát lại các thông tin liên quan đến con người đang canh tác nông nghiệp trên diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp; nghiên cứu cụ thể hơn các mô hình nông lâm kết hợp, trồng xen các loại cây đa mục đích như mắc ca, mít, muồng đen, xoài… phù hợp với thực tế địa phương; đề xuất các điều chỉnh về cơ chế chính sách, giao khoán ổn định diện tích đất lâm nghiệp ổn định lâu dài cho người dân… cung cấp thông tin cho Ban Kinh tế Trung ương để làm cơ sở xây dựng kế hoạch, báo cáo Ban Bí thư phê duyệt các chủ trương chính sách cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.