Đây là lần đầu tiên các cuộc tập trận Malabar diễn ra ở Australia. Các cuộc tập trận này trước đây tổ chức ở Ấn Độ Dương.
Các tàu hải quân Nhật Bản và Ấn Độ đã ghé qua quần đảo Solomon và Papua New Guinea trên đường đến Sydney, khẳng định tầm quan trọng chiến lược của khu vực này. Theo kế hoạch, các tàu của 4 quốc gia trên sẽ tham gia cuộc tập trận, cùng với các máy bay chiến đấu F-35 cũng như máy bay giám sát P-8 và tàu ngầm của Australia.
Phát biểu họp báo ở Sydney ngày 10/8, Phó Đô đốc Karl Thomas, Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, khẳng định cuộc tập trận không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào và giúp cải thiện khả năng phối hợp giữa các nước này.
Về phần mình, chỉ huy hạm đội Australia, Chuẩn đô đốc Christopher Smith, nhấn mạnh: "Thái Bình Dương có vai trò vô cùng quan trọng đối với Australia". Ông nhận định không gian chiến đấu dưới nước được coi sẽ là nơi thường xuyên xảy ra các cuộc xung đột tiềm tàng trong tương lai.
Cuộc tập trận Malabar lần đầu tiên được Mỹ và Ấn Độ tổ chức cách đây khoảng 30 năm, sau đó có sự tham gia của Nhật Bản trong năm 2007 và Australia vào năm 2020. Bốn quốc gia này đã thành lập nhóm Đối thoại an ninh Bộ tứ (QUAD) hồi năm 2004 nhằm ứng phó với thảm họa động đất - sóng thần ở Ấn Độ Dương.
Sau một thời gian gián đoạn, nhóm được hồi sinh năm 2017. Kể từ đó, nhóm Bộ Tứ này đã phát triển ra ngoài khuôn khổ hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai và gần đây tập trung vào những nỗ lực thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương "tự do, rộng mở và bao trùm”.