Đan Mạch sẽ tổ chức cuộc tập trận pháo binh lớn nhất trên đất liền kể từ sau Chiến tranh Lạnh ở Oksbol, bán đảo Jutland cùng trên 500 binh sĩ đến từ 8 quốc gia khác nhau.
Theo đài Sputnik (Nga), các binh sĩ sẽ trải qua cuộc tập trận kéo dài 4 ngày thực hành bắn tên lửa, lựu đạn và súng cối. Cuộc tập trận cũng có sự tham gia của các máy bay chiến đấu F-16 trên không, tàu chiến dưới nước và các phương tiện quân sự ở vùng nông thôn. Mục tiêu chính của cuộc tập trận là tăng cường hợp tác quân sự giữa các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
“Với sự tham gia của các quốc gia NATO, chúng ta phải thể hiện rằng chúng ta có thể phối hợp công nghệ và tiêu chuẩn binh sĩ, để thực hành bắn súng, máy bay và tàu chiến và tấn công chính xác những mục tiêu đã định”, Trung tá Kenneth Riishoj cho biết trong một tuyên bố.
Trung tá Riishoj nhận định khả năng phối hợp chiến đấu của NATO là vô cùng quan trọng đối với liên minh theo nghĩa rộng nhất.
“Và ở cấp độ cá nhân, việc có thể liên lạc trên đài phát thanh và nền tảng liên lạc kỹ thuật số phù hợp là vô cùng cần thiết. Những bài tập này rất quan trọng để chúng tôi duy trì khả năng đó”, ông Riishoj nói.
Mặc dù cuộc tập trận đã được lên kế hoạch từ lâu, nhưng sự kiện này càng trở nên cần thiết hơn trong bối cảnh cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, điều mà nhiều chuyên gia, bao gồm cả nhà phân tích quân sự Mads Korsager Nielsen của Đài phát thanh Đan Mạch, đã mô tả là một “cuộc chiến pháo binh”.
Theo giới quan sát, cuộc tập trận này được coi là rất bất thường đối với Đan Mạch về quy mô. Trong nhiều thập kỷ sau Chiến tranh Lạnh, quốc gia Bắc Âu này - cùng với các nước láng giềng và đồng minh châu Âu - đã giảm quy mô quân đội, chỉ tập trung vào vai trò hỗ trợ các nhiệm vụ ở nước ngoài như ở Iraq và Afghanistan.
Theo chuyên gia Korsager Nielsen, kỷ nguyên đó giờ đã kết thúc, và cuộc tập trận này cho thấy Đan Mạch - và rộng hơn là NATO - đã sẵn sàng tham chiến trên quy mô lớn. Do đó, nhiều cuộc tập trận quy mô lớn hơn như thế này ở Oksbol sẽ diễn ra trong tương lai.
Đầu năm nay, Đan Mạch và Mỹ được cho là đang đàm phán một thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới. Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen đã xác nhận thông tin trên và cho biết thỏa thuận này sẽ tạo ra “khả năng hiện diện lâu dài của Mỹ”.
Việc Đan Mạch tăng cường hợp tác với Mỹ diễn ra trong bối cảnh các lực lượng vũ trang nước này ngày càng suy giảm về nhân sự, không trung đoàn nào có thể phát huy hết sức mạnh. Tình trạng thiếu hụt binh sĩ càng làm suy yếu cả khả năng phòng thủ của đất nước và cam kết của họ đối với các nhiệm vụ của NATO.
Theo Sputnik, ngân khố Đan Mạch và khả năng sẵn sàng của quân đội đang suy yếu bởi cam kết của Copenhagen đối với việc hỗ trợ Kiev trong cuộc xung đột với Nga - bằng vũ khí, kinh phí và đào tạo binh sĩ.