Sự mất kết nối đã phản ánh một cuộc chiến khó khăn mà các nhà lập pháp của cả hai đảng đang phải đối mặt khi tìm cách thuyết phục công chúng rằng TikTok có thể trở thành một công cụ gây hại cho an ninh quốc gia.
Trong phiên điều trần tại Quốc hội kéo dài gần 6 tiếng đồng hồ ngày 23/3 vừa qua, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định nền tảng này chưa bao giờ chuyển dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc và sẽ không làm như vậy nếu được yêu cầu.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp, Cục Điều tra Liên bang (FBI) và các quan chức khác của chính phủ Mỹ liên tục đưa ra cảnh báo rằng luật pháp Trung Quốc quy định các công ty Trung Quốc như công ty mẹ của TikTok là ByteDance phải cung cấp dữ liệu cho chính phủ vì bất kỳ mục đích nào mà họ cho là liên quan đến an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, cũng xuất hiện những lo ngại rằng Bắc Kinh có thể đưa những câu chuyện có lợi cho mình hoặc thông tin sai lệch thông qua nền tảng này.
“Tôi muốn nói điều này với tất cả thanh thiếu niên ngoài kia và những người có ảnh hưởng trên TikTok, những người nghĩ rằng chúng tôi đã già, không kết nối và không quan tâm đến thứ mà chúng tôi đang nói đến, chỉ nghĩ rằng chúng tôi đang cố lấy đi ứng dụng yêu thích của bạn. Hiện bạn có thể chưa quan tâm đến việc dữ liệu của mình bị truy cập, nhưng một ngày nào đó bạn chắc chắn sẽ quan tâm”, Đại diện đảng Cộng hòa Dan Crenshaw phát biểu trong phiên điều trần.
Nhiều người dùng TikTok đã phản ứng với phiên điều trần bằng cách đăng video chỉ trích các nhà lập pháp “ăn hiếp” Chew và thường xuyên cắt ngang khi anh phát biểu.
Một số người dùng đã gọi một lệnh cấm TikTok là vụ lừa đảo lớn nhất trong năm, trong khi một số khác lại cho rằng việc gia tăng sức ép và hạn chế đối với nền tảng chia sẻ video này xuất phát từ động cơ mang lại lợi ích cho “đối thủ công nghệ” Facebook.
Đại diện Đảng Dân chủ Ro Khanna tại bang California cho biết ông quan tâm đến giá trị mà các nền tảng như TikTok mang lại cho những người trẻ tuổi như một cách để thể hiện sáng tạo và xây dựng cộng đồng “nhưng hoàn toàn không có lý do gì mà một công ty công nghệ Mỹ không thể làm được điều đó”. Nhà lập pháp nhấn mạnh Mỹ có những công ty công nghệ sáng tạo nhất thế giới.
Ông nói thêm Quốc hội nên xúc tiến một đề xuất buộc bán nền tảng này cho một công ty Mỹ để hàng triệu người dùng tiếp tục được phép truy cập trong khi đảm bảo rằng nền tảng này không xâm phạm quyền riêng tư của mọi người.
Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew, 2/3 người Mỹ trong độ tuổi 13-17 sử dụng TikTok và 16% thanh thiếu niên nói rằng họ sử dụng nó gần như liên tục.
Chính vì số lượng người dùng lớn của TikTok tại Mỹ mà Lindsay Gorman - cựu Cố vấn công nghệ cho chính quyền Tổng thống Joe Biden, hiện đang làm việc với tư cách là thành viên cấp cao về các công nghệ mới nổi tại Quỹ Marshall của Đức - cho biết Washington có thể sẽ theo đuổi các phương án hạn chế khác trước khi phải tìm đến một lệnh cấm trên toàn quốc. Các phương án sẽ bao gồm tùy chọn cho chủ sở hữu Trung Quốc của TikTok thoái vốn.
Về phần mình, TikTok cũng tìm cách tận dụng sự phổ biến của ứng dụng này. Một ngày trước phiên điều trần, nền tảng đã thuyết phục hàng chục người có ảnh hưởng đến Quốc hội để vận động hành lang phản đối một lệnh cấm. TikTok cũng tăng cường một chiến dịch quảng bá rộng lớn hơn, dán quảng cáo khắp thủ đô Washington, D.C. đưa ra những lời hứa về bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng, đồng thời tạo ra một nền tảng an toàn cho người dùng trẻ tuổi.
Một số TikTokers nổi tiếng cũng đăng video lên tiếng phản đối lệnh cấm, lo ngại một lệnh cấm có thể ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của họ như thế nào.
Những người này chủ yếu kiếm thu nhập từ những đoạn video chia sẻ và đã ký kết hợp đồng với đối tác thương hiệu để tiếp thị sản phẩm cho khán giả. Một khi nền tảng bị xóa sổ, thu nhập của họ cũng biến mất. Họ cũng sẽ mất đi một lượng lớn người theo dõi trên ứng dụng mà trước đó khó khăn mới có được, từ đó mất đi lượng khách hàng tiềm năng nếu như chuyển sang hoạt động trên nền tảng khác.